Từ một cô gái dễ thương với mái tóc dài, có bạn trai thương yêu, cách đây 2 năm một tai nạn lao động đã cướp mất đôi tay của Lô Thị Nhi (quê Nghệ An, hiện ngụ ấp 5, xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu).
Lô Thị Nhi bên hồ sơ xin việc. Ảnh: V.TRUYÊN |
Đôi tay không còn, những gì đang có cùng bao dự định về tương lai tươi sáng của cô gái trẻ cũng tan biến theo.
* Chuyện của Nhi...
Sau tai nạn lao động, Lô Thị Nhi cảm thấy không còn hy vọng gì về cuộc sống. “Số tiền bồi thường tai nạn lao động 200 triệu đồng lớn thật, nhưng tôi không bao giờ muốn nhận. Tiền bạc nào đánh đổi được đôi tay lành lặn như trước kia cho tôi” - Lô Thị Nhi chua xót nói.
Phải xa xứ làm thuê, nay bị tật nguyền Nhi cũng không thể về quê bám víu gia đình vì Nhi sinh ra không có cha, mẹ đã tái giá mà gia đình riêng của mẹ cũng không khá giả gì. Vậy là sau gần 1 năm điều trị với sự chăm sóc của anh trai, Nhi bắt đầu tìm việc làm cho bản thân. Nhi đi khắp nơi tìm việc nhưng ở đâu người ta cũng lắc đầu. Đến đầu năm 2016, cô gái vừa bước sang tuổi 20 ấy quyết định đi bán vé số. Nhi buồn buồn: “Vì chỉ có thể bán một chỗ cố định trước cổng Công ty Changshin nên mỗi tháng tôi kiếm được chưa đến 1,5 triệu đồng, không đủ chi dùng ăn uống, thuốc men hàng ngày. May là tôi còn có anh trai làm công nhân tại xã Thạnh Phú lo tiền nhà trọ, điện nước nên cũng chưa đến nỗi đói ăn, thiếu uống”.
Sức khỏe bị tổn hại nghiêm trọng với tỷ lệ thương tật 74%, thu nhập giảm sút nhưng chuyện tình cảm của Nhi còn bi đát hơn. “Bạn trai trước kia của tôi cũng làm công nhân, thu nhập đủ lo cho bản thân thôi. Nghĩ người ta quen mình cũng sẽ khổ vì bây giờ tôi có làm được gì đâu, lại tật nguyền chắc gì gia đình bạn trai đã đồng ý. Vậy nên tôi chủ động chia tay để không làm bạn trai cảm thấy có lỗi” - Nhi kể.
Cũng từ khi bị tai nạn, Nhi bỏ bê bản thân, đầu tóc cắt ngắn thay cho mái tóc dài trước kia; đi bán vé số ngoài trời mà chỉ mặc áo tay ngắn, không mang khẩu trang nên da dẻ cứ đen nhẻm. “Ngày trước con bé xinh xắn, hoạt bát là vậy, nhưng có ai ngờ chỉ một buổi sáng ở chỗ làm trở về mà thành ra như bây giờ. Cả xóm trọ ở ấp 5 này khi biết chuyện ai cũng thương hoàn cảnh của bé Nhi” - bà Nguyễn Thị Thanh (ở trọ tại ấp 5, xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu), cho biết.
Ngày mai 5-5, tại Trung tâm hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh, Đồng Nai sẽ tổ chức lễ phát động Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động lần thứ I-2017, chủ đề: “Thúc đẩy công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động để phòng ngừa các tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp”. Trong thời gian này, các cơ quan chức năng của tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huấn luyện, hướng dẫn và phổ biến thông tin, chính sách pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; kiểm tra việc hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động ở các doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở; tổ chức đoàn đến thăm hỏi, động viên các gia đình có thân nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp... |
* Mong được tiếp tục lao động
Những bi kịch trong cuộc sống sau tai nạn lao động như trường hợp của Nhi không hề đơn lẻ. Theo số liệu thống kê của Sở Lao động - thương binh và xã hội, năm 2016 toàn tỉnh xảy ra 1.283 vụ tai nạn lao động với 1.287 người bị nạn, trong đó có 33 người chết. Tuy số vụ tai nạn, người bị nạn có giảm hơn so với năm 2015 nhưng số người chết lại có chiều hướng tăng.
Trong đó, nguyên nhân chiếm tỷ lệ cao dẫn đến các vụ tai nạn lao động là do người sử dụng lao động (chiếm 59%) không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; không huấn luyện hoặc huấn luyện an toàn vệ sinh lao động chưa đầy đủ; thiết bị lao động không đảm bảo an toàn; không cấp phát phương tiện bảo hộ cá nhân hoặc cấp phát nhưng không đúng tiêu chuẩn. Còn nguyên nhân thuộc về người lao động (chiếm 21%) do: vi phạm quy trình, nội quy an toàn lao động; không sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân. Ngoài ra, các vụ tai nạn lao động do rủi ro, khách quan cũng chiếm 20%.
Với những người bị tai nạn lao động và người thân của họ thì việc được chi trả viện phí, bồi thường tuy là việc hết sức cần thiết nhưng vẫn còn thiếu. Điều mong mỏi nhất ở những người mang thương tích và gia đình là làm sao sau khi hồi phục sức khỏe sẽ có một chỗ làm việc để thấy mình sống có ích.
Ông Đào Công Danh (35 tuổi, công nhân Công ty TNHH Vina Buhmwoo, xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch) cho hay: “Sau quá trình điều trị do bị tai nạn lao động (phỏng lửa dầu diện tích khoảng 25% độ 2 ở mặt bàn tay trái và 2 chân), công ty nơi tôi làm việc trước kia vẫn bố trí một vị trí việc làm phù hợp với tình trạng sức khỏe, khả năng lao động của tôi. Nhờ vậy mà tôi không trở thành gánh nặng của gia đình mà còn có cơ hội tiếp tục cùng vợ lao động nuôi con cái ăn học”.
Trong khi đó, Lô Thị Nhi vẫn ngày ngày đi kiếm tìm một công việc cố định mà vẫn chưa nơi nào nhận...
Văn Truyên