Đề án sữa học đường triển khai từ năm 2014 đến nay đã giúp hàng chục ngàn học sinh được uống sữa với chi phí thấp. Thời gian đầu khi triển khai đề án, học sinh uống sữa còn chưa được đều, nguyên nhân do các đơn vị cung cấp có thời điểm chậm. Tình trạng này đã được khắc phục,...
c sinh đã uống sữa đều đặn ở trường.
Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Trần Văn Tư (thứ hai, từ phải qua) tham quan học sinh Trường mầm non Măng Non (phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) trong giờ uống sữa. Ảnh: C.Nghĩa |
Tham gia chương trình sữa học đường, mỗi tháng phụ huynh chỉ cần đóng từ 29-35 ngàn đồng là con em đã có thể uống trung bình 16-20 hộp sữa, chỉ bằng một nửa so với giá thị trường.
* An tâm uống sữa
Tại buổi kiểm tra về chương trình sữa học đường mới đây, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Trần Văn Tư đề nghị để chương trình sữa học đường ngày càng hiệu quả hơn, cần phải tiếp tục thực hiện một cách chặt chẽ, đảm bảo chất lượng sữa, chú ý tới những đối tượng học sinh nghèo để tất cả các học sinh đều được uống đầy đủ. Cần tổ chức rà soát đánh giá lại chương trình sữa học đường để rút kinh nghiệm những việc đã làm được và chưa làm được, từ đó có biện pháp khắc phục kịp thời, đặc biệt là không để xảy ra thất thoát, lãng phí. |
Theo Sở GD-ĐT, Đồng Nai là một trong những tỉnh đầu tiên triển khai đề án sữa học đường. Đối tượng được uống từ trẻ mẫu giáo, mầm non tới học sinh tiểu học. Giá mỗi hộp sữa được tỉnh dùng ngân sách để hỗ trợ là 35%, công ty trúng thầu cung cấp sữa hỗ trợ 15%, 50% còn lại do phụ huynh đóng góp hàng tháng. Học sinh được uống sữa vào các ngày thứ hai tới thứ năm hàng tuần.
Thầy Nguyễn Đông Đỉnh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Thị Vân (phường An Bình, TP.Biên Hòa), cho biết trường chỉ có 5 học sinh không tham gia chương trình sữa học đường do vấn đề tiêu hóa. Việc được trợ giá đã khuyến khích phụ huynh đăng ký tham gia với tỷ lệ cao. Phụ huynh hàng ngày không còn phải mất thời gian cho việc chuẩn bị sữa cho con em mình như trước.
Tại Trường mầm non Măng non (phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa), việc uống sữa học đường được thực hiện đều đặn vào 9 giờ sáng từ thứ hai tới thứ năm. Đến giờ uống sữa, các cô giáo đến kho bảo quản để lấy sữa mang về lớp. Trước lúc uống, cô giáo nói về tác dụng của sữa để khuyến khích học sinh uống hết. Cô Nguyễn Thị Kim Anh, Hiệu trưởng Trường mầm non Măng Non, cho biết: “Phụ huynh cảm thấy yên tâm vì sữa học đường dùng cho các bé đảm bảo chất lượng. Việc các bé đồng loạt được uống sữa học đường vào giờ ra chơi đã tạo tâm lý rất vui vẻ, bé nào cũng thi đua uống sữa và tự giác bỏ vỏ hộp sữa đúng nơi quy định”.
Chị Võ Thị Xuân, phụ huynh có con học tại Trường mầm non tư thục Việt Anh (phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa), cho biết: “Nhờ chương trình sữa học đường mà vợ chồng tôi làm công nhân bớt được một phần chi phí cho con. Chúng tôi cũng cảm thấy an tâm về chất lượng sữa vì được trường cung cấp đầy đủ thông tin về đơn vị cung cấp, chỉ số dinh dưỡng tiêu chuẩn”.
* Chủ động để triển khai hiệu quả
Cô Huỳnh Thị Nhị, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Văn Tám (phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa), cho biết triển khai chương trình học đường khiến giáo viên của trường vất vả hơn, vì giờ ra chơi lẽ ra các cô được nghỉ ít phút nhưng lại phải chạy đi lấy sữa phát cho học sinh. Nhà trường cũng phải bố trí thêm diện tích làm kho để bảo quản sữa đảm bảo đủ diện tích, tránh ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp và nhiệt độ quá cao, sữa dễ hư hỏng. Trường còn phải tự bỏ chi phí mua một số thùng đựng rác để chứa vỏ hộp sữa. Cô Nhị chia sẻ: “Dù giáo viên có vất vả thật nhưng học trò được uống sữa đầy đủ, đảm bảo sức khỏe là giáo viên vui rồi”.
Bà Trương Thị Kim Huệ, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết từ đầu năm 2017 tỉnh tổ chức đấu thầu và đã tìm được đơn vị cung cấp sữa mới với giá thành và dịch vụ cung cấp tốt hơn. Nhà cung cấp mới cung cấp sữa tới các trường đều đặn và đúng giờ, không để xảy ra tình trạng thiếu thì công ty thanh toán bằng tiền để các trường tự mua, dẫn đến học sinh phải uống bù.
Theo đánh giá của Sở GD-ĐT,
việc triển khai chương trình sữa học đường ngày càng đi vào nề nếp hơn khi đơn vị cung cấp sữa có sự phối hợp tốt, chất lượng sữa được đảm bảo cả về chất lượng lẫn giá cả. Trên các vỏ hộp sữa đều có in rõ sản phẩm của chương trình sữa học đường Đồng Nai. Đơn vị cung cấp còn phối hợp với Sở GD-ĐT để tập huấn chương trình sữa học đường cho giáo viên phụ trách các trường, nhất là tập huấn quy trình bảo quản sữa, phát hiện sữa hư hỏng nếu có... Sở GD-ĐT
cũng ban hành biểu mẫu ghi chép việc tiếp nhận, phát sữa và quy trình giám sát phát sữa cho học sinh giữa nhà trường và phụ huynh.
Bà Nguyễn Hòa Hiệp, Phó chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng cần chủ động hơn nữa để chương trình sữa học đường được triển khai hiệu quả tốt nhất, đáp ứng được các mục tiêu là phát triển thể chất cho học sinh, tạo được sự đồng thuận của người dân, đặc biệt là phải tạo điều kiện để tất cả trẻ mẫu giáo, mầm non, học sinh tiểu học được tiếp cận chương trình sữa học đường. Bà Hiệp yêu cầu ngay từ cuối năm học này đã phải lên danh sách học sinh sẽ tham gia chương trình sữa học đường của năm sau, triển khai đấu thầu sớm để vào năm học mới học sinh có sữa uống ngay.
Công Nghĩa