Xã hội

Phát triển y tế xã: Về đích sớm

Đồng Nai là địa phương đứng thứ 2 cả nước về hoàn thành tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2017, về đích sớm hơn 3 năm so với mục tiêu Bộ Y tế đề ra.

Nhân viên Trạm y tế xã Núi Tượng, huyện Tân Phú hướng dẫn người dân tẩm mùng hóa chất phòng chống muỗi gây bệnh sốt rét. Ảnh: N.Thư
Nhân viên Trạm y tế xã Núi Tượng, huyện Tân Phú hướng dẫn người dân tẩm mùng hóa chất phòng chống muỗi gây bệnh sốt rét. Ảnh: N.Thư

Hiện nay 171/171 trạm y tế xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã đạt 10 tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2017; có 6 xã hoàn thành tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2020, trong đó nổi bật là các tiêu chí về: nhân lực, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, y tế dự phòng, khám chữa bệnh.

* Trạm y tế đều có bác sĩ

 Phó giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ cho biết hiện công việc ở trạm y tế xã vẫn còn nhiều bất cập, như: thường xuyên quá tải bởi ngoài việc khám chữa bệnh, cán bộ y tế còn tham gia triển khai các chương trình mục tiêu y tế tại địa phương. Biên chế cán bộ y tế chuyên khoa còn thiếu, nhất là các chuyên khoa: y học cổ truyền, nha, phục hồi chức năng. Nguồn thu nhập của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế cơ sở, y tế ấp, khu phố còn thấp, nhân sự thường xuyên biến đổi. Trong thời gian tới, ngành y tế sẽ xem xét, đề nghị cho phép các huyện có chế độ tiền lương, chế độ phụ cấp nghề từ nguồn cải cách tiền lương cho phù hợp để đảm bảo cuộc sống cho cán bộ y tế cơ sở.

100% trạm y tế xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều có bác sĩ. Đây chính là một trong những lý do mà người dân, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa vẫn xem các trạm y tế xã là “bệnh viện” mỗi khi bị ốm đau, bệnh tật. Nhiều trạm y tế xã ở các huyện: Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ có
50-70 bệnh nhân đến khám bảo hiểm y tế mỗi ngày.

Đơn cử như ở Trạm y tế xã Xuân Trường (huyện Xuân Lộc), trung bình mỗi ngày khám cho hơn 70 bệnh nhân. Ngoài ra, bác sĩ của trạm y tế còn cấp cứu cho nhiều ca tai nạn giao thông, phát hiện sớm ca đột quỵ để chuyển lên bệnh viện tuyến trên điều trị kịp thời. Ông Trần Đình Nguyên (ở ấp Bàu Cá, xã Xuân Trường) cho biết từ xã đến Trung tâm y tế huyện gần 10km nên người dân có bệnh là ra trạm y tế chữa vì ở đây có bác sĩ nên cũng yên tâm. Nếu bệnh nặng thì bác sĩ cho chuyển ngay ra tuyến huyện.

Đến nay, các trạm y tế tuyến xã đều được trang bị đầy đủ trang thiết bị hiện đại theo chuẩn, như: máy siêu âm, điện tim, xét nghiệm, ghế nha và triển khai điều trị Đông Tây y phối hợp. Thậm chí, có trạm y tế còn được trang bị xe cứu thương để thuận tiện trong công tác cấp cứu bệnh nhân như Trạm y tế xã Lộ 25 (huyện Thống Nhất). Tại đây, nhân viên của trạm y tế xã tự lái xe cấp cứu chở bệnh nhân khi có trường hợp nguy kịch vì từ xã Lộ 25 đến Trung tâm y tế huyện Thống Nhất hơn 17km.

* Chú trọng dự phòng

Song song với công tác khám chữa bệnh thì công tác dự phòng ở y tế cơ sở luôn được đặt lên hàng đầu. Các chương trình phòng chống dịch bệnh được thực hiện đồng bộ. Trong năm 2016, đa số các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh đều giảm so với năm 2015 như: tay chân miệng, sốt xuất huyết, sốt rét, bệnh lỵ, trực trùng, tiêu chảy, thủy đậu, sởi, quai bị, cúm, ho gà, lỵ...  Riêng chương trình tiêm chủng mở rộng đã được triển khai hiệu quả tại Đồng Nai gần 30 năm nay. Trong năm 2016, toàn tỉnh có trên 99% trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 8 loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Nhờ vậy, Đồng Nai không có dịch bệnh lớn xảy ra, nhất là các dịch bệnh lớn nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em dưới 1 tuổi, như: ho gà, bạch hầu, uốn ván, sởi...

Bác sĩ Nguyễn Thi Văn Văn, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Long Thành - địa phương hoàn thành sớm các tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2017 từ năm 2015, cho biết huyện luôn xác định y tế xã là làm công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, trong đó dự phòng là chính vì phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh. Huyện Long thành thuận lợi vì có mạng lưới cộng tác viên y tế ở khu, ấp hoạt động rất hiệu quả. Trên cơ sở đó các chương trình y tế triển khai chặt chẽ, tranh thủ sự phối hợp của các ngành, đoàn thể, chỉ đạo của cấp ủy địa phương để thực hiện cho tốt. Đồng thời, hệ thống cán bộ chuyên trách của các trạm y tế đặc biệt được quan tâm bồi dưỡng, đào tạo thường xuyên để nâng cao tinh thần, trách nhiệm, kiến thức nghiệp vụ, triển khai tốt các chương trình, nhiệm vụ đã được giao.

Phó giám đốc Sở Y tế Huỳnh Cao Hải cũng nhấn mạnh vai trò của y tế cơ sở trong công tác y tế dự phòng. Vì hiện nay nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi, tái phát có diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vaccine phòng ngừa. Do đó, y tế cơ sở phải tiếp tục chú trọng thực hiện tốt chương trình tiêm chủng mở rộng, chủ động phòng chống dịch bệnh. Nhất là 6 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất đối với trẻ em cũng như người dân, đó là sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm não - viêm màng não, thương hàn, tiêu chảy nhiễm trùng, ho gà.

Việc đạt được các chuẩn tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2017 đã là khó, việc duy trì và tiếp tục nâng cao các chuẩn như thế là một thách thức. Do đó, trong thời gian tới, ngành y tế cùng các đơn vị y tế trong tỉnh phải nỗ lực, quyết tâm, nêu cao tinh thần trách nhiệm, cùng với hệ thống y tế cơ sở và các cộng tác viên y tế ấp, khu phố để thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân từ cơ sở.

Ngọc Thư

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,398,171       2/1,148