Thời gian qua có nhiều ca bệnh rất nặng, phải điều trị kỹ thuật cao với chi phí lên đến hàng trăm triệu đồng, nhưng phần lớn đều được bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả. Nhờ đó, bệnh nhân có cơ hội chữa trị, giảm được gánh nặng tài chính cho gia đình và xã hội.
Nhờ có bảo hiểm y tế, nhiều bệnh nhân bị suy thận mạn được điều trị liên tục, kéo dài tuổi thọ. Trong ảnh: Nhân viên Bệnh viện đa khoa khu vực Định Quán chăm sóc bệnh nhân lọc máu. Ảnh: Đ.Ngọc |
Mới đây, bé T.T.Q. (7 tuổi, ở xã Quảng Tiến, huyện Trảng Bom) bị sốt xuất huyết nặng đã được các bác sĩ Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cấp cứu, điều trị tích cực bằng kỹ thuật thở máy và lọc máu với tổng chi phí lên tới hơn 250 triệu đồng. Nhờ có thẻ BHYT, gia đình bệnh nhân chỉ phải chi trả khoảng 50 triệu đồng, số tiền 200 triệu đồng còn lại đã được BHYT thanh toán.
* Sống được nhờ BHYT
Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, các bệnh nhân điều trị tích cực trong khoa thường là những bệnh nặng phải nằm viện dài ngày và dùng kỹ thuật cao trong điều trị. Nếu không có thẻ BHYT, đối với những ca bệnh viêm phổi, viêm não, tay chân miệng, sốt xuất huyện nặng phải chi trả từ 100-200 triệu đồng để điều trị; đặc biệt có những ca bệnh nặng gây tổn thương cơ quan phải nằm viện dài ngày, chi phí điều trị có thể lên đến 400-500 triệu đồng.
Hiện tại, toàn tỉnh có hơn 1 ngàn bệnh nhân bị bệnh suy thận mạn phải lọc thận nhân tạo tại các bệnh viện, trung tâm y tế. Hầu hết các bệnh nhân này đều tham gia BHYT nên được điều trị liên tục, nâng cao chất lượng cuộc sống, kéo dài tuổi thọ. “Nếu không có thẻ BHYT chắc tôi khó có cơ hội điều trị bệnh vì chi phí điều trị mỗi tháng lên đến gần 7 triệu đồng, sẽ tạo gánh nặng lớn lên gia đình chủ yếu sống bằng nghề nông, thu nhập bấp bênh” - ông Nguyễn Thanh Dung (thị trấn Tân Phú, huyện Tân Phú) chia sẻ.
Người dân tham gia bảo hiểm y tế ngày một đông. Trong ảnh: Người dân chờ lấy kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. |
Bác sĩ Đinh Thanh Bình, Trưởng khoa Ung bướu 2 Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, cho biết chi phí điều trị, phẫu thuật, hóa trị, xạ trị của một ca bệnh ung thư có thể lên đến 100-200 triệu đồng (tùy theo mức độ bệnh). Nếu không đủ khả năng chi trả, bệnh nhân không điều trị đúng phác đồ sẽ khiến bệnh ung thư di căn nhanh, nguy cơ tử vong rất lớn. “Chi phí một đợt hóa trị là 12 triệu đồng, nhưng nhờ có BHYT tôi chỉ đóng 2 triệu đồng. Với 6 đợt hóa trị, nếu không có thẻ BHYT tôi phải chi trả 72 triệu đồng, chưa tính chi phí xạ trị, tiền thuốc... là quá sức đối với gia đình tôi” - ông Tằng A Tài (xã Thanh Sơn, huyện Định Quán) bị bệnh ung thư vòm họng, cho hay.
* Trụ cột an sinh xã hội
Hỗ trợ BHYT cho người khó khăn Trong thời gian tới, Bảo hiểm xã hội tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ cho những người có hoàn cảnh khó khăn tham gia BHYT. Cụ thể, sẽ sử dụng 20% nguồn quỹ kết dư BHYT mua thẻ BHYT cho những người dân ở các địa phương còn khó khăn. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ triển khai hỗ trợ 30% chi phí mua thẻ BHYT cho những người trong hộ nông, lâm, thủy sản có mức sống trung bình (do Sở Lao động- thương bình và xã hội thống kê). |
Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội Đồng Nai, trong 6 tháng đầu năm 2017 toàn tỉnh có hơn 2,2 triệu người tham gia BHYT, đạt 79% diện bao phủ BHYT toàn dân, vượt so với kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ giao cho Đồng Nai và hoàn thành kế hoạch do UBND tỉnh giao chỉ tiêu. Cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh cũng đã chi cho chi phí khám chữa bệnh hơn 1 ngàn tỷ đồng (tăng 42% so với cùng kỳ năm 2016) với hơn 3 triệu lượt người (tăng 22% co với cùng kỳ năm 2016) được hưởng thụ.
Điều đáng nói, nhóm đối tượng hộ gia đình tham gia BHYT từ đầu năm đến nay tăng cao với gần 500 ngàn người tham gia, đạt gần 46% tổng số hộ gia đình trên toàn tỉnh. Nhóm đối tượng này ngày càng tham gia nhiều, quỹ BHYT càng phải chi nhiều do tâm lý người dân chỉ tham gia BHYT khi có ốm đau. Tại Đồng Nai, hiện nay quỹ BHYT vẫn được kết dư là nhờ nhóm đối tượng người lao động và học sinh - sinh viên tham gia BHYT cao, ít đau bệnh.
Giám đốc Bảo hiểm xã hội Đồng Nai Phan Văn Mến cho biết, nguyên nhân tổng chi BHYT tăng cao là do đối tượng tham gia BHYT ngày càng tăng; chính sách thông tuyến khám chữa bệnh BHYT tuyến huyện tạo thuận lợi cho người dân; BHYT chi trả cho rất nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao, viện phí tiếp tục được điều chỉnh tăng. Sắp tới khi viện phí được điều chỉnh tăng cao, nếu người dân không tham gia BHYT sẽ đối diện với nhiều rủi ro khi ốm đau, bệnh tật, nhất là những bệnh nặng, phải điều trị kỹ thuật cao, chi phí lớn. Điều này sẽ tạo ra gánh nặng tài chính cho bản thân, gia đình và xã hội.
Rõ ràng nếu không tham gia BHYT, người bệnh sẽ thiệt thòi, vì chi phí bỏ ra tham gia BHYT rất thấp so với những lợi ích được hưởng.
Đặng Ngọc