Các trường đại học, cao đẳng trong tỉnh đã và đang đẩy mạnh hợp tác quốc tế để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.
Hệ thống giáo trình giảng dạy, đặc biệt là hệ thống thiết bị đào tạo đã được hỗ trợ kinh nghiệm và tài chính để hiện đại hóa, từ đó giảm áp lực đáng kể cho ngân sách Nhà nước.
Giảng viên đào tạo nghề người Đức hướng dẫn sinh viên của Trường cao đẳng nghề Lilama 2 (huyện Long Thành) thực hành. Ảnh: C.NGHĨA |
Hiệu trưởng Trường cao đẳng công nghệ cao Đồng Nai (huyện Long Thành) Lê Anh Đức cho biết: “Nhờ có các chương trình hợp tác quốc tế mà nhà trường đã tạo đột phá mạnh ở một số ngành nghề, đặc biệt là ngành nghề kỹ thuật. Từ đó sinh viên ra trường dễ tìm việc làm hơn, quy mô đào tạo thêm mở rộng”.
Tạo tư duy đột phá
Nhờ hợp tác quốc tế mà nhiều giáo viên của Trường cao đẳng công nghệ cao Đồng Nai có cơ hội đi đào tạo nâng cao ở Nhật Bản, Đức, Úc... Trường còn gửi giảng viên đến Trường cao đẳng nghề Lilama 2 (huyện Long Thành) để đào tạo nâng cao trình độ quốc tế ở nhiều ngành nghề kỹ thuật do các chuyên gia Anh quốc và Cộng hòa liên bang Đức trực tiếp giảng dạy. Nhật Bản cũng hỗ trợ trường phát triển 4 ngành mà các doanh nghiệp đang rất thiếu lao động là: cơ khí chính xác, đúc khuôn mẫu, xi mạ và xử lý nhiệt.
Các ngành nghề đào tạo của Trường cao đẳng nghề Lilama 2 hiện nay đều có hợp tác với các tổ chức đào tạo nghề uy tín của Anh, Đức, Mỹ. Điển hình là các nghề cơ khí chế tạo, cắt gọt kim loại, cơ điện tử, điện công nghiệp, hàn công nghệ cao… Nhiều nghề đã được Chính phủ Đức, các hiệp hội ngành nghề của Mỹ, Anh công nhận.
Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Lilama 2 Nguyễn Khắc Cường cho biết: “Nhờ hợp tác quốc tế mà trường đang sở hữu những thiết bị đào tạo nghề thuộc loại hiện đại của thế giới, trong số đó có 10 máy CNC cắt gọt kim loại thuộc loại hiện đại nhất của Đức, thiết bị hàn công nghệ cao mô phỏng trên máy tính của Mỹ… Từ hỗ trợ của Chính phủ Đức, Trường cao đẳng nghề Lilama 2
đã xây dựng được một số tòa nhà thông minh sử dụng công nghệ xanh, tiết kiệm năng lượng phục vụ giảng dạy và đào tạo nghề”.
Trước đây, Trường cao đẳng nghề cơ giới và thủy lợi Đồng Nai (huyện Trảng Bom) từ phát triển cơ sở vật chất đến đào tạo đội ngũ giáo viên đều chủ yếu “ngóng” ngân sách Nhà nước, do đó các ngành nghề chậm được đổi mới. Tuy nhiên từ năm 2015 tới nay nhờ Chính phủ Đức hỗ trợ, trường đã được chuyên gia sang trực tiếp giảng dạy ở một số ngành trọng điểm, đặc biệt là cơ khí chế tạo, cơ điện tử. Theo ban giám hiệu nhà trường, việc có mặt của các chuyên gia Đức không chỉ giúp nâng cao chất lượng sinh viên mà giảng viên còn có cơ hội học tập kinh nghiệm xây dựng giáo trình, phương pháp sư phạm…
Nâng cao giá trị cho sinh viên
TS.Trần Minh Hùng, Hiệu trưởng Trường đại học Đồng Nai, cho biết sau khi nâng cấp từ cao đẳng lên đại học, chuyển sang đào tạo đa ngành thì trường đã chú trọng hợp tác quốc tế. Trường đã hợp tác với một số trường đại học của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc để trao đổi đào tạo cán bộ giảng viên. Cụ thể, Trường đại học Changwon của Hàn Quốc đã hỗ trợ đưa nhiều đoàn cán bộ, giảng viên của trường sang Hàn Quốc học tập kinh nghiệm, kết nối với doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại Đồng Nai và TP.Hồ Chí Minh để tìm đầu ra cho sinh viên.
Còn tại Trường đại học công nghệ Đồng Nai, mỗi năm có trên 40 đoàn giảng viên và sinh viên được gửi đến các nước: Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc và Philippines theo chương trình trao đổi hợp tác quốc tế với các trường đối tác. Theo đó, giảng viên và sinh viên của trường sang học tập tại các trường đối tác sẽ được trường đối tác lo về chỗ ăn ở khi học tập trao đổi kinh nghiệm và ngược lại. TS.Phan Ngọc Sơn, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Nếu không có những chương trình hợp tác quốc tế trong trao đổi giảng viên và sinh viên thì sẽ hiếm có cơ hội để mở mang tầm mắt với các trường đại học trên thế giới”.
Trong khi đó, Phó hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng, TS.Lâm Thành Hiển cho biết: các ngành như ngôn ngữ Anh, Nhật, Hàn, Trung Quốc đều sớm hợp tác với nước ngoài. Nhờ những hợp tác này mà trường đã được phòng văn hóa hỗ trợ sinh viên học các ngôn ngữ tương ứng, trong đó có Phòng Văn hóa Nhật Bản cho sinh viên học tiếng Nhật, do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ; Phòng Văn hóa học tiếng Hàn do Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ… Các tổ chức phi chính phủ, các trường đại học của Nhật Bản, Hàn Quốc… còn cấp học bổng cho giảng viên và sinh viên sang học trình độ thạc sĩ và tiến sĩ. Các chuyên gia Nhật Bản cũng hỗ trợ sinh viên đào tạo văn hóa doanh nghiệp.
Một trong những ngành có sự thay đổi mạnh mẽ của Trường đại học Lạc Hồng nhờ tăng cường hợp tác quốc tế, đó là ngành cơ điện - điện tử. Hiện ngành này đã được JICA hỗ trợ một phòng thực hành an toàn lao động theo tiêu chuẩn 3S của Nhật Bản. Trường còn có 4 giảng viên được sang Nhật Bản đào tạo về nhân lực phát triển sản xuất công nghiệp; đặc biệt, hiện nay trường có 1 phòng thực hành máy cắt gọt kim loại CNC do các doanh nghiệp Nhật Bản tặng đã tạo nhiều thuận lợi cho sinh viên thực hành.
Hợp tác quốc tế mang lại nhiều lợi ích cho sinh viên Ông Peter Wunsch là chuyên gia có nhiều năm làm việc trong chương trình đổi mới đào tạo nghề Đức tại Việt Nam (GIZ) công tác trực tiếp tại Đồng Nai. Ông Peter Wunsch đánh giá Đồng Nai đứng trước nhiều cơ hội phát triển lớn hơn, nhất là làn sóng đầu tư từ các nước có hàm lượng công nghệ cao, như: Đức, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản… tiếp tục đổ vào Đồng Nai, trong tương lai gần là dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ xây dựng và đi vào hoạt động. Các nhà đầu tư và dự án lớn sẽ cần lao động trình độ quốc tế, nhất là tay nghề, kỹ năng, trình độ ngoại ngữ. Do đó các trường buộc phải thay đổi tư duy phát triển để mang lại lợi ích cao nhất cho sinh viên. |
Công Nghĩa