Đối với bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, việc tuân thủ điều trị thuốc kháng virus HIV (ARV) giúp cải thiện rõ rệt tình trạng sức khỏe và kéo dài thời gian sống của mình. Họ vẫn có thể sinh hoạt và lao động bình thường, thậm chí trong trường hợp phụ nữ mang thai có tham gia điều trị ARV sớm sẽ giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh cho con.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Hằng, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Đồng Nai, khám bệnh điều trị ARV cho một bệnh nhân. Ảnh: Đ.Ngọc |
Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Hằng, phụ trách phòng khám chuyên khoa HIV/AIDS của Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Đồng Nai, cho biết hầu hết các bệnh nhân mới biết mình nhiễm HIV tham gia điều trị ARV đều rơi vào trạng thái bi quan, tuyệt vọng, cơ thể suy nhược nặng. Nhưng sau một thời gian điều trị, sức khỏe dần hồi phục, họ đã dần có niềm tin, yên tâm chữa trị.
Lợi ích của ARV
Một trong những trường hợp này chính là chị T.N. (ở huyện Định Quán) bị nhiễm HIV từ bạn trai khi mới 25 tuổi, khi chưa kịp thực hiện ước mơ, hoài bão của mình nên N. đã suy sụp hoàn toàn, không chịu đi chữa bệnh. Chị sụt hơn 10kg, cơ thể ốm yếu, đối diện với nhiều bệnh nội khoa, trong đó nặng nhất là bệnh lao màng não. Nhờ tham gia điều trị thuốc ARV đều đặn suốt 5 năm qua, sức khỏe của N. đã trở lại bình thường, chị vẫn là một cô gái xinh đẹp và tiếp tục được làm công việc mình yêu thích. “Tôi đã hồi sinh nhờ điều trị ARV. Hiện tại tôi thấy mình rất ổn” - chị N. cho biết.
Hơn 2,7 ngàn bệnh nhân điều trị thuốc ARV Trong quý I-2017, toàn tỉnh đã tiếp nhận và điều trị ARV mới cho 109 bệnh nhân nhiễm HIV, nâng tổng số bệnh nhân hiện đang điều trị ARV là hơn 2,7 ngàn bệnh nhân, trong đó có 109 bệnh nhân nhi được điều trị. |
Nhờ tham gia chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con ngay từ giai đoạn đầu của thai kỳ tại Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Đồng Nai nên chị T.H. (tỉnh Bình Thuận) bị nhiễm HIV đã may mắn sinh con không bị nhiễm HIV. Chị H. chia sẻ cách đây 5 năm khi chị có thai người con thứ 2, chị mới biết mình bị nhiễm HIV. Lúc đó, dù bị sốc rất nặng nhưng nghĩ cho con nên chị tìm đến Đồng Nai điều trị thuốc ARV đều đặn. Cuối cùng, điều kỳ diệu đã xảy ra với gia đình khi chị sinh con hoàn toàn khỏe mạnh, không bị nhiễm HIV.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Hằng cho biết một trong những yếu tố quyết định sự thành công của điều trị ARV chính là sự tuân thủ điều trị của chính người nhiễm HIV. Thuốc ARV chỉ có tác dụng ức chế sự nhân lên của virus HIV chứ không chữa khỏi hoàn toàn bệnh HIV. Do đó, người nhiễm HIV phải tham gia điều trị suốt đời, tuân thủ giờ giấc uống thuốc, không được tự ý bỏ thuốc dễ dẫn đến nguy cơ kháng thuốc khiến bệnh nặng hơn, chi phí điều trị tốn kém hơn rất nhiều lần. Đặc biệt, người nhiễm HIV dù đang điều trị ARV vẫn phải áp dụng các biện pháp dự phòng để tránh lây nhiễm bệnh cho người khác.
Khó khăn trong điều trị ARV
Theo bác sĩ Hằng, hiện nay việc điều trị thuốc trị ARV càng sớm càng tốt tính từ khi tiếp xúc với nguồn lây hoặc khi phát hiện bệnh. Tuy nhiên, do bệnh nhân điều trị ARV phải uống thuốc hàng ngày, kéo dài nên cũng đối diện với một số tác dụng phụ của thuốc, như: buồn nôn, tiêu chảy, đau đầu, đau bụng, rối loạn giấc ngủ, nổi ban đỏ… Một số phác đồ điều trị ARV kết hợp thuốc điều trị lao còn có thể ảnh hưởng đến thận. Do đó, trong trường hợp này bệnh nhân phải uống nhiều nước.
Hiện nay, nhận thức của một bộ phận người nhiễm HIV về lợi ích của công tác điều trị ARV còn nhiều hạn chế, vẫn còn người nhiễm HIV khi biết tình trạng của mình nhưng chưa tham gia điều trị. Bác sĩ Hằng cho biết có trường hợp vợ đi điều trị ARV nhưng chồng vẫn chưa chịu đi vì nghĩ có điều trị cũng không hết bệnh. Thậm chí có phụ nữ mang thai gần sinh rồi mới điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, lúc này khả năng lây nhiễm HIV sang con rất cao.
Hiện nguồn cung ứng thuốc ARV liên tục cũng là vấn đề khó khăn, nhất là trong giai đoạn tới đây khi các nhà tài trợ quốc tế cắt giảm nguồn viện trợ. Việc dự trù thuốc của các phòng khám ngoại trú ARV (OPC) còn chậm sẽ dẫn đến việc thiếu nguồn thuốc cho bệnh nhân. Để giải quyết vấn đề này, Sở Y tế vừa thống nhất triển khai phòng khám điều trị thuốc kháng virus HIV (ARV) tại các cơ sở điều trị trực thuộc. Sau đó, các đơn vị liên hệ ký hợp đồng khám bệnh bảo hiểm y tế với Bảo hiểm xã hội Đồng Nai. Trong thời gian tới, toàn bộ bệnh nhân này phải chuyển từ điều trị miễn phí ARV sang điều trị bằng bảo hiểm y tế.
Đặng Ngọc