Xã hội

Giới trẻ hành xử thô bạo là "sản phẩm" của sự giáo dục lệch lạc

Trong các dịp lễ, tết, thường có hàng ngàn người phải nhập viện do đánh nhau. Điều đáng nói là rất nhiều trong đó là người trẻ. Lý do họ làm tổn thương người khác nhiều khi vô cùng nhỏ bé, như: bị nhìn "đểu", nhìn thấy ghét, va chạm nhỏ trên đường, mâu thuẫn trên mạng xã hội…

Trong các dịp lễ, tết, thường có hàng ngàn người phải nhập viện do đánh nhau. Điều đáng nói là rất nhiều trong đó là người trẻ. Lý do họ làm tổn thương người khác nhiều khi vô cùng nhỏ bé, như: bị nhìn “đểu”, nhìn thấy ghét, va chạm nhỏ trên đường, mâu thuẫn trên mạng xã hội…

Nhiều người cho rằng giới trẻ ngày nay hành xử quá thô bạo, sẵn sàng dùng “nắm đấm” trong giải quyết mâu thuẫn. Ẩn sâu dưới những hành xử đó, là vấn đề giáo dục con người. PGS.TS Trần Kiều, Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý - giáo dục Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học - giáo dục Việt Nam, nhận xét các hành vi ứng xử lệch lạc, thô bạo... là “sản phẩm” của một lối giáo dục sai lầm.

* Nguyên nhân từ nhiều phía

 * Thưa PTS.TS, dư luận cho rằng giới trẻ ngày nay hành xử ngày càng thô bạo. Ông nghĩ sao về vấn đề  này?

- Chuyện đánh nhau của trẻ con thì không lạ và thời nào cũng có. Ngày trước thanh niên có mâu thuẫn với nhau thì cũng động tay động chân, đấm đá nhau một hồi xong thì thôi. Còn bây giờ, đúng là một bộ phận không nhỏ người trẻ có hành xử rất thô bạo. Nhiều khi chỉ cần một lời nói không lọt tai, một cái nhìn “đểu”, một va chạm nhỏ, thậm chí là hành động, lời nói vô tình cũng dẫn đến những vụ “tự xử” hết sức nguy hiểm…Đã có rất nhiều vụ án khiến người ta rùng mình ghê sợ vì mức độ nguy hiểm cũng như sự vô cảm của người hành xử.

Người xưa có câu “Nhân chi sơ, tính bản thiện” (con người mới sinh ra vốn lương thiện). Có được môi trường tốt, “tính thiện” trong người trẻ sẽ nảy nở tốt. Tôi mong rằng người trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước, đừng góp thêm vào xã hội những chuyện tiêu cực bằng hành vi ứng xử không có văn hóa. Mỗi ngày trôi qua hãy sống tốt với bản thân, với những người xung quanh mình. Nên chứng tỏ mình ở năng lực học tập, sự hiểu biết hơn là làm người khác sợ hãi, né tránh mình vì những hành động côn đồ.

Nhưng để khẳng định “giới trẻ ngày nay có hành xử thô bạo”, phải cần những công trình nghiên cứu nghiêm túc, những khảo sát có tính quy mô. Tuy nhiên, phải thừa nhận hiện tượng này đang tồn tại trong xã hội, gây ra những hệ quả xấu cho chính những người trẻ gây ra hành vi cũng như sự phát triển của thế hệ trẻ nói chung, đồng thời để lại những di hại cho các vấn đề xã hội khác.

* Nhiều người cho rằng nguyên nhân khiến giới trẻ hành xử thô bạo là do ảnh hưởng của internet “đen”, của mạng xã hội... Ý kiến của PGS.TS về vấn đề này như thế nào?

- Tôi không cho “thủ phạm” chính của hiện tượng trên là do internet hay sự bùng nổ mạng xã hội. Thực ra, nhiều công trình nghiên cứu về các vấn đề xã hội, trong đó có những nghiên cứu về lý tưởng, lối sống, đạo đức của thanh thiếu niên ngày nay cũng đã được nhiều tổ chức, cơ quan chuyên môn khảo sát, nghiên cứu.

Về cơ bản, có thể xác định nguyên nhân của hiện tượng trên là sự tổng hợp của nhiều nguyên nhân. Đó là những thay đổi phức tạp các yếu tố tâm sinh lý bên trong của mỗi người trẻ; là những tác động bên ngoài, như: gia đình buông lỏng quản lý, gia đình thường xuyên có bạo lực, không khí học hành ở trường quá căng thẳng, việc hướng dẫn, uốn nắn các em, thuyết phục các em về giá trị làm người cho tử tế ít được chú ý… Chưa kể ở nhiều trường hợp, những người lẽ ra phải là tấm gương cho các em soi rọi như cha mẹ, thầy cô đôi khi chưa thực sự gương mẫu. Nhiều vấn đề tiêu cực liên quan được báo chí, truyền thông, các trang mạng khai thác nhiều, khai thác sâu, cộng thêm với sự phát tán đến chóng mặt của mạng xã hội... đã tác động đến nhiều người trẻ, khiến người ta nghĩ rằng “thủ phạm” chính là internet và mạng xã hội.

* Gia đình là yếu tố then chốt

 Nói đến sự hình thành và phát triển nhân cách của một con người, bao giờ người ta cũng nhắc đến “chuỗi” liên kết “gia đình - nhà trường - xã hội”. Theo PGS.TS thì yếu tố nào trong “chuỗi” này giữ vai trò quan trọng nhất?

- Tôi có thể khẳng định ngay, vai trò của gia đình luôn là quan trọng nhất. Không vô cớ khi người ta ví “gia đình là trường học đầu tiên của con trẻ”. Nhiều năm tháng đầu đời của con trẻ gắn với gia đình, dù các em có đi học thì phần lớn thời gian vẫn ở cùng gia đình, những người gặp gỡ thường xuyên, giao tiếp nhiều nhất vẫn là người thân trong gia đình... Vì thế, gia đình đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách của một con người.

Việc giáo dục con của cha mẹ trong gia đình, theo tôi có 2 yếu tố: một là sự quan tâm giáo dục của gia đình đối với con; hai là phương pháp giáo dục con của cha mẹ. Có những gia đình cha mẹ không học cao nhưng vẫn giáo dục con rất tốt, và ngược lại có gia đình cha mẹ học thức nhưng con lại hư hỏng vì nhiều lý do. Đặc biệt là những gia đình thường xuyên có bạo lực gia đình, đứa con cũng thường có thói quen sử dụng “nắm đấm” để giải quyết mỗi khi có mâu thuẫn.

* Trong trao đổi, PGS.TS có nhắc đến nhận định “giới trẻ hành xử thô bạo là “sản phẩm” của giáo dục lệch lạc”. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?

- Đúng thế. Tôi muốn nói đến giáo dục của gia đình, nhà trường và sự tự giáo dục của bản thân mỗi người trẻ. Như đã nói ở trên, người trẻ hư hỏng, hành xử thô bạo, bất chấp pháp luật... trước hết lỗi thuộc về cha mẹ, bởi trẻ bị chi phối sâu sắc mọi hành vi, cử chỉ, thái độ, tình cảm của cha mẹ. Hơn nữa, ngày nay nhiều gia đình sinh ít con nên rất cưng chiều. Không ít cha mẹ quan niệm: đáp ứng đầy đủ nhu cầu về vật chất cho con là thương con; làm thay con mọi chuyện để dành thời gian cho con học hành; không dám la rầy khi con làm sai... đã dần “nhào nặn” ra một người trẻ ích kỷ, chỉ biết hưởng thụ và sẵn sàng hành động khi không được như ý muốn, trong khi tuổi trẻ thường suy nghĩ bồng bột và không lường trước được mọi hậu quả.

Cái “lệch lạc” nữa hiện nay là công tác giáo dục - đào tạo ở nước ta vẫn nặng về dạy “chữ”, nhẹ về dạy “người”. Việc giáo dục đạo đức, lối sống trong nhà trường thường chú trọng tới nề nếp kỷ cương với nội quy, những bài học giáo huấn, chứ ít chú ý đến hành vi ứng xử của học sinh. Thay vì giáo dục bằng phương pháp nêu gương, cảm hóa, nhiều trường xem trọng hình thức xử lý kỷ luật mà thiếu quan tâm đến phương pháp giáo dục, động viên, chia sẻ với học sinh, giúp giải tỏa tâm lý căng thẳng cũng như giúp các em thoát ra khỏi những rắc rối của bản thân.

* Để không tiếp tục hình thành những thế hệ người trẻ có hành xử thô bạo, theo PGS.TS, chúng ta cần làm gì?

- Trong khi các cơ quan chuyên môn làm công việc ở tầm vĩ mô thì phía gia đình, cha mẹ hãy làm tốt việc “nêu gương”. Các tổ chức Đoàn, Đội, Hội trong nhà trường phải phát huy hết vai trò là “người bạn” của người trẻ trong giáo dục đạo đức, lối sống cho người trẻ. Chúng ta không mong muốn việc tử hình, bỏ tù người trẻ phạm pháp. Nhưng việc thực thi pháp luật phải được thực hiện nghiêm túc khi người trẻ vi phạm pháp luật, để người trẻ không “lờn” pháp luật. Tuy nhiên, việc xử lý bằng phương pháp “cứng” hay “mềm” lại là vấn đề khác. Và theo tôi, giới trẻ ngày nay cần được trang bị một số kỹ năng căn bản, như: kỹ năng giao tiếp, đàm phán, kỹ năng rèn luyện, làm chủ bản thân, kỹ năng giải quyết vấn đề cũng như biết cách thoát khỏi rắc rối mà không cần phải xử lý bằng bạo lực.

 Xin cảm ơn ông!

Phương Liễu (thực hiện)

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,346,377       1/1,033