Xã hội

Trẻ hóa lao động?

Khoảng 1 ngàn người lao động có thâm niên từ 10 năm trở lên đã tự nguyện xin nghỉ việc để hưởng hỗ trợ. Tình trạng này nằm trong chiến lược được xem là trẻ hóa lao động đang diễn ra tại một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Luật sư Vũ Ngọc Hà (phải) tư vấn cho người lao động tại Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh. Ảnh: M.Quân
Luật sư Vũ Ngọc Hà (phải) tư vấn cho người lao động tại Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh. Ảnh: M.Quân

Những lao động làm việc lâu năm khi nghỉ việc sẽ được doanh nghiệp chi trả khoản hỗ trợ từ 100 triệu đồng trở lên.

* Thất nghiệp, không dễ khởi nghiệp

Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Phạm Văn Cộng cho rằng người lao động nghỉ việc mà có khả năng tìm được việc làm mới thì hãy nộp đơn xin nghỉ việc ở nơi cũ. Trường hợp người lao động không thể kiếm được việc làm khác, sẽ dẫn đến tình trạng thất nghiệp kéo dài làm ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Vì vậy, người lao động nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định nghỉ việc.

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, thời gian gần đây nhiều doanh nghiệp, chủ yếu là các công ty ngành dệt may, da giày đã thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động có thâm niên từ 10 năm trở lên.

Để tiến hành “thanh lý” lao động lớn tuổi, doanh nghiệp ra thông báo bằng văn bản hoặc gặp trực tiếp công nhân và đưa ra chương trình với tên gọi khởi nghiệp. Nếu người lao động đồng ý nghỉ việc, công ty sẽ hỗ trợ một khoản tiền tương đương từ 10-12 tháng lương, tùy theo thâm niên từng người.

Việc “thay máu” lao động cơ bản để doanh nghiệp tuyển được lao động trẻ có khả năng nâng cao hiệu quả sản xuất, đồng thời giảm đáng kể việc chi trả lương và các khoản đóng bảo hiểm xã hội cho những lao động lâu năm với mức tiền tương đối lớn; trong khi năng suất lao động của đội ngũ này có thể giảm dần theo độ tuổi. Hầu hết những trường hợp “lão làng” được gợi ý nghỉ việc ở độ tuổi từ 40 trở lên. Trong khi đó, ở độ tuổi này khi đi xin việc làm mới không hề dễ dàng.

Chị C.T.Tr. (ngụ phường Tân Phong, TP.Biên Hòa) đang nóng lòng chờ việc làm mới sau khi nghỉ việc tại Công ty B. Chị Tr. cho biết đã làm ở công ty được 19 năm. Cuối năm 2016, chủ sử dụng lao động đã vận động một số công nhân lâu năm nghỉ việc, rồi đề ra chính sách khá hấp dẫn.

Sau khi nộp đơn xin nghỉ vệc, chị Tr. nhận được 170 triệu đồng tiền hỗ trợ. Hiện tại, chị Tr. ở nhà chăm sóc con và đã nộp đơn xin việc tại một số nơi. Tuy nhiên, những doanh nghiệp chị Tr. nộp hồ sơ đều hẹn chờ kết quả mà không biết bao giờ mới được nhận vào làm.

* Cân nhắc khi quyết định

Trao đổi về tình trạng lao động thâm niên nghỉ việc theo thỏa thuận đang diễn ra tại một số doanh nghiệp, luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh, cho biết người lao động cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định xin thôi việc. Bởi các trường hợp nghỉ làm chỉ phù hợp với người cận kề tuổi về hưu, hoặc có cơ sở làm ăn ổn định bên ngoài. Bên cạnh đó, người lao động cần hiểu rõ việc thỏa thuận giữa công ty và công nhân hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện. Do đó, nếu doanh nghiệp có dấu hiệu gây sức ép với người lao động thì hãy liên hệ với trung tâm để được tư vấn kịp thời.

Bên cạnh những khó khăn của người lao động lớn tuổi khi tìm việc làm mới, cũng có một số trường hợp do nhu cầu thực tế đã đồng ý nghỉ làm theo thỏa thuận như là một cơ hội để nhận một khoản tiền hỗ trợ.

Trường hợp anh Q.N. (ngụ phường Tân Hòa, TP.Biên Hòa) là ví dụ. Anh N. làm việc tại Công ty T. (đóng tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2) 21 năm với vị trí quản lý, tổng thu nhập mỗi tháng gần 30 triệu đồng. Chấp nhận nghỉ việc, anh N. được công ty hỗ trợ trên 300 triệu đồng (tương đương 17 tháng lương).

Anh N. cho biết do hoàn cảnh gia đình phải chuyển chỗ ở nên dự định sẽ nghỉ việc trong 2 năm tới. Khi nghe công ty có “khuyến mãi” cho người lao động lâu năm xin thôi việc, anh N. đồng ý ngay. Với số tiền được lãnh, anh N. lên kế hoạch đi học nghề để ổn định cuộc sống khi đến nơi ở mới.

Được biết, công ty anh N. làm việc có khoảng 2 ngàn lao động lớn tuổi có thâm niên, nhưng không phải ai cũng chọn phương pháp nghỉ làm để được hỗ trợ. Vì đối với người lao động làm việc phổ thông, dù thâm niên 10-20 năm cũng chỉ có mức lương khoảng 10 triệu đồng/tháng. Do đó, nếu nghỉ việc thì số tiền được lãnh cũng chỉ trên 100 triệu đồng.

Đáng kể, có nhiều người sau thời gian chờ tìm việc làm mới thì khoản tiền hỗ trợ nghỉ việc bị “hụt” dần do phải chi tiêu hàng ngày. Chính vì vậy, thời gian tới chắc chắn người lao động bị thất nghiệp sẽ gặp không ít khó khăn trong cuộc sống.

“Khi tôi nghỉ việc, số tiền nhận được chỉ bằng 1 năm làm việc. Do hoàn cảnh thực tế nên tôi xin nghỉ việc là phù hợp. Riêng những lao động khác cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định, tránh để thất nghiệp sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình mình, thậm chí còn là gánh nặng cho xã hội” - anh N. chia sẻ.

 Minh Quân

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,262,328       1/737