Xã hội

Bỏ ngỏ giáo dục kỹ năng an toàn

Mỗi năm, Đồng Nai có rất nhiều học sinh bị tai nạn thương tích do nguyên nhân từ tai nạn giao thông, đuối nước, sinh hoạt tại gia đình…, trong đó không ít em đã tử vong.

Mỗi năm, Đồng Nai có rất nhiều học sinh bị tai nạn thương tích do nguyên nhân từ tai nạn giao thông, đuối nước, sinh hoạt tại gia đình…, trong đó không ít em đã tử vong. Những tai nạn đáng tiếc có thể không xảy ra nếu việc giáo dục kỹ năng tự đảm bảo an toàn cho học sinh được nhà trường chú ý và gia đình quan tâm nhiều hơn.

Học sinh Trường tiểu học Hưng Lộc (xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất) đội nón bảo hiểm do Ban An toàn giao thông tỉnh tài trợ. Ảnh: C.NGHĨA
Học sinh Trường tiểu học Hưng Lộc (xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất) đội nón bảo hiểm do Ban An toàn giao thông tỉnh tài trợ. Ảnh: C.NGHĨA

Giáo viên chủ nhiệm Tạ Thị Quý và học sinh lớp 4/3 Trường tiểu học Chu Văn An (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) đến nay vẫn chưa hết bàng hoàng vì cái chết rất thương tâm của em Nguyễn Tấn Trường trên đường đi học về nhà sau một cơn mưa lớn.

* Để học sinh không chết oan

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp cho biết năm học học 2017-2018, đi đôi với trau dồi kiến thức và giáo dục đạo đức, ngành giáo dục cần tăng cường nhiều hơn nữa việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Học sinh cần có môi trường học tập, môi trường sống an toàn, tránh xa được các hiểm họa, như: tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông, bạo lực học đường hay xâm hại tình dục...

Cô Quý cho biết, cô mới làm giáo viên chủ nhiệm của Trường được hơn 1 tháng nay, vì em mới theo mẹ từ Tiền Giang lên Đồng Nai làm ăn. Hàng ngày mẹ Trường là Lê Thị Quyền đi làm công nhân, còn Trường đi học bằng xe đưa rước.

Chiều 27-9, tan học xuống khỏi xe đưa rước, Trường mon men theo đường cống thoát nước hở ở xã Thạnh Phú thì chẳng may trượt chân và nước cuốn em mất tích. Phải 2 ngày sau, xác của Trường mới được tìm thấy ở sông Đồng Nai, cách nơi em gặp nạn tới trên 10 km.

Cái chết oan uổng của Trường ngoài nguyên nhân từ hệ thống cống thoát nước không được đậy nắp, giá như em được hướng dẫn những kỹ năng tự bảo vệ mình, tránh xa những nơi nguy hiểm thì có thể đã không xảy ra vụ tai nạn thương tâm như vậy.

Vào tháng 4 vừa qua, khi thầy trò Trường THCS Phước Tân (TP.Biên Hòa) đang tập trung ôn thi cuối năm học 2016-2017 thì nhận tin bàng hoàng: em Trần Vũ Khánh N., học sinh lớp 7 bị xe ben đi cùng chiều cán qua người khiến tử vong.

Nơi xảy ra tai nạn là con đường ấp Hương Phước (xã Phước Tân). Em N. ra đi bỏ lại cha mẹ, thầy cô, bạn bè cùng những ước mơ dang dở của tuổi học trò. Trước đó, cũng tại con đường vào ấp Hương Phước, xe ben chở đá đã gây ra tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng của một học sinh trên đường đi học về.

Những cạm bẫy xuất hiện nhiều nơi là mối đe dọa tính mạng học sinh. Trong ảnh: Đoạn mương thoát nước không nắp đậy khiến em Nguyễn Tấn Trường, học sinh lớp 4/3 Trường tiểu học Chu Văn An (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) thiệt mạng ngày hôm 27-9.
Những cạm bẫy xuất hiện nhiều nơi là mối đe dọa tính mạng học sinh. Trong ảnh: Đoạn mương thoát nước không nắp đậy khiến em Nguyễn Tấn Trường, học sinh lớp 4/3 Trường tiểu học Chu Văn An (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) thiệt mạng ngày hôm 27-9.

* Nhiều kỹ năng bỏ ngỏ

Theo Sở Lao động - thương binh và xã hội, trong giai đoạn 2011-2015 toàn tỉnh có 122 trẻ em bị thiệt mạng vì đuối nước, 39 em bị chết vì tai nạn giao thông và 40 em bị chết vì các nguyên nhân khác. Còn từ năm 2016 đến tháng 3-2017, toàn tỉnh lại có thêm trên 30 học sinh bị tai nạn đuối nước, tập trung chủ yếu vào học sinh tiểu học và THCS.

Đến nay, việc tuyên truyền và tập cho học sinh các kỹ năng tự bảo vệ trong các trường học còn bỏ ngỏ. Khi học sinh không được tuyên truyền đầy đủ ý thức tự bảo vệ an toàn cho bản thân, khi gặp nguy hiểm thường không có biện pháp phòng vệ để tránh xa các mối nguy hiểm.

Cô Bùi Thị Mai Huê, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hưng Lộc (xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất), chia sẻ việc giáo dục kỹ năng tự đảm bảo an toàn cho học sinh được nhà trường quan tâm, nhất là giáo dục học sinh tự bảo vệ mình trước các mối nguy hiểm từ mất an toàn giao thông khi trường nằm gần quốc lộ 1.

Tuy nhiên, ban giám hiệu rất băn khoăn khi “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Cô Huê cho biết: “Đơn cử, giáo viên dặn học sinh không được đi ngược chiều khi đến trường và về nhà, nhưng phụ huynh thì cứ thản nhiên chở 2 - 3 học sinh trên xe, lại còn đi ngược chiều. Phụ huynh không đồng lòng thì sao nhà trường rèn nổi kỹ năng cho học sinh”.

Theo TS.Lê Minh Công, Phó trưởng khoa Tâm lý học Trường đại học khoa học - xã hội và nhân văn TP.Hồ Chí Minh, kỹ năng sống nói chung, trong đó có kỹ năng tự đảm bảo an toàn cho học sinh, ở nhiều trường gần như bỏ trống, hoặc có sự kiện gì diễn ra mới nói đến. Muốn học sinh có thể đối phó với các mối nguy hiểm trong cuộc sống thì cần phải làm một cách đồng bộ, liên tục chứ không phải tính thời điểm.

“Muốn học sinh có kỹ năng thực tế thì phải tạo cơ hội cho các em trải nghiệm, giống như muốn học sinh biết bơi thì phải có hồ bơi để tập chứ không thể tập bơi trên cạn. Bên cạnh đó, gia đình cũng phải tham gia vào quá trình rèn luyện kỹ năng cho chính con em mình, trong đó có kỹ năng tự đảm bảo an toàn chứ không chỉ phó mặc cho nhà trường” - TS.Lê Minh Công nhấn mạnh.

Công Nghĩa

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,201,926       1/869