Công nghệ thông tin

Nhà biến thành hầm: Dân phải tự cứu mình!

Nhiều hộ dân trên đường Lò Gốm (quận 6, TP HCM) đang khẩn trương đi vay tiền, chở vật liệu để sửa chữa, nâng nhà sao cho bằng với mặt hẻm

Để tự cứu mình, rất nhiều hộ dân ở các con hẻm dọc theo đường Lò Gốm, nơi đang thi công dự án nâng cấp và cải tạo đường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm, quận 6 (Ban Quản lý dự án nâng cấp đô thị làm chủ đầu tư), phải chạy ngược chạy xuôi kiếm tiền mua đất, vật liệu xây dựng tôn nền nhằm thoát cảnh… cúi rạp người để chui vào nhà.

Nâng lên quá… hớp!

Đó là trạng thái hụt hẫng của ông Bùi Văn Hoàng (ngụ 1007/3 Lò Gốm, phường 8, quận 6) sau khi hẻm 1007 được UBND quận 6 nâng lên 1,2 m so với ban đầu. Theo ông Hoàng, khi phường và chủ đầu tư lấy ý kiến về việc nâng hẻm, ai cũng đồng tình vì nghĩ nâng hẻm lên cao để ngăn nước ngập vào nhà. “Khi làm xong, ai cũng thấy hẻm được nâng cao quá khiến nhà biến thành hầm. Giờ đi vô, đi ra cứ như là lội xuống ao, khổ sở quá!” - ông Hoàng than phiền. Ban đầu, nền nhà ông Hoàng bằng với mặt hẻm, hiện nay thì thấp hơn 1,2 m, đúng bằng độ cao hẻm sau khi nâng. Ông Hoàng cho biết do không có tiền nên chỉ dám nâng nền nhà ở phòng khách thêm 0,3 m để đỡ leo cao còn phía sau vẫn để nguyên, chờ khi nào vay được tiền sẽ tôn nền lên 1 m nữa cho bằng mặt hẻm! Tương tự ông Hoàng, 25 hộ dân ở hẻm 1007 cũng lâm vào tình trạng éo le như trên vì từ khi nâng cao hẻm, người dân ra vào nhà hết sức khó khăn do mặt hẻm chênh lệch quá nhiều so với nền nhà. Nhiều nhà phải xây tạm bậc tam cấp hay dùng thang để leo từ trong ra ngoài. Chị Trần Thanh Hằng (ngụ nhà số 1007/3A) vừa mừng vì chồng được Quỹ CEP cho vay 30 triệu đồng để nâng nền, vừa lo vì “tự nhiên mang nợ”! Nhiều hộ dân ở đây cho biết họ cũng đang làm thủ tục xin vay vốn để tôn nền, sửa chữa nhà.

Sau khi Quốc lộ 50 nâng đường, nhà ông Trần Nhân Thanh (E10/285, ấp 5, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh) thấp hơn mặt đường gần 2 m Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Sau khi Quốc lộ 50 nâng đường, nhà ông Trần Nhân Thanh (E10/285, ấp 5, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh) thấp hơn mặt đường gần 2 m Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Theo khảo sát của Phòng Quản lý đô thị quận 6, sau khi nâng độ cao 36 cụm hẻm trên địa bàn quận, có 338 trường hợp nhà thấp hơn mặt đường trung bình từ 0,2-1 m, trong đó 79 trường hợp nền nhà quá thấp so với mặt hẻm (từ 0,5-1 m). Ông Huỳnh Minh Hùng, Trưởng Phòng Quản lý đô thị quận 6, lý giải từ khi triển khai dự án nâng cấp và cải tạo đường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm (thuộc dự án thành phần số 4 dự án nâng cấp đô thị), đường được nâng lên cao nên triều cường tràn vào nhà dân nặng hơn. Để hạn chế tình trạng này, UBND quận 6 đề xuất và được UBND TP HCM cho phép sử dụng 155 tỉ đồng vốn của dự án nâng cấp đô thị nâng 36 tuyến hẻm với độ cao từ 1-1,2 m. Ông Hùng nhận định vài năm gần đây, mực nước triều có khi lên đến 1,65 m nên độ cao hẻm sau khi nâng lên phải cao hơn cốt nền chuẩn do TP quy định (khu vực quận 6 là 2.0). Ông Hùng cũng thừa nhận nhiều tuyến hẻm được nâng quá cao đã gây khó khăn cho đời sống người dân. Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng cần phải xem xét kỹ khi hạ độ cao hẻm vì dù gì cũng phải bảo đảm cao độ hẻm sau khi nâng cao hơn mực nước triều!

Một em nhỏ phải khom người để chui vào nhà mình ở hẻm 1007 Lò Gốm, quận 6, TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Một em nhỏ phải khom người để chui vào nhà mình ở hẻm 1007 Lò Gốm, quận 6, TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Tiền hỗ trợ chỉ là giải pháp tình thế

Do người dân quá bức xúc với chuyện sau khi nâng hẻm thì “nhà biến thành hầm”, mới đây, UBND quận 6 có văn bản gửi UBND TP đề xuất xem xét có cơ chế, chính sách vay vốn hay hỗ trợ đối với các hộ dân bị ảnh hưởng. Một trong những đề xuất của quận 6 là TP xem xét cho mỗi hộ dân vay Ngân hàng Chính sách Xã hội hay các tổ chức tín dụng khác từ 10-20 triệu đồng, tối đa khoảng 30 triệu đồng với lãi suất thấp để tôn nền, sửa nhà.

Ngày 20-11, tại buổi làm việc với Sở Giao thông Vận tải cùng các sở: Quy hoạch - Kiến trúc, Xây dựng, Tài chính và Hội đồng Bồi thường TP HCM về kiến nghị này, ông Huỳnh Minh Hùng cho biết hầu hết các sở, ngành đều đồng tình với kiến nghị của UBND quận 6 và có văn bản đề xuất UBND TP xem xét chấp thuận. Theo Ông Hùng, UBND quận 6 đang lên kế hoạch xin TP khoảng 70 tỉ đồng để nâng cấp thêm 22 tuyến hẻm trong năm 2015. “Chúng tôi đang chờ giải pháp đồng bộ từ chính quyền TP để không chỉ quận 6 mà các quận khác trên địa bàn TP không xảy ra tình trạng này” - ông Hùng kỳ vọng.

Theo GS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, việc địa phương đưa ra các giải pháp hỗ trợ người dân chỉ góp phần giải quyết một phần nhỏ của vấn đề, không căn cơ và hiệu quả không cao. Cái chính ở đây là UBND TP HCM sớm tổ chức hội nghị đưa ra các giải pháp chấn chỉnh ngay tình trạng “nâng đường khiến nhà biến thành hầm”; đồng thời giao trách nhiệm từng sở, ngành cụ thể, vạch rõ vai trò của Sở Quy hoạch - Kiến trúc trong vấn đề tham mưu cho TP nhằm tìm ra giải pháp chỉnh trang đô thị mang tính đồng bộ. 

Phải bán nhà

Ghi nhận cho thấy tình trạng “nhà biến thành hầm” xảy ra phổ biến ở nhiều nơi trên địa bàn TP. Dọc tuyến Quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh),  đường Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức), đường D1 (quận Bình Thạnh)… có hàng trăm ngôi nhà biến thành những căn hầm tối, sâu nhiều mét so với mặt đường cũng vì nâng đường.

Từ năm 2002 đến nay, gia đình ông Trần Nhân Thanh (43 tuổi; chủ nhà số E10/285, ấp 5, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh) đã 3 lần nâng cao nền nhà để “rượt” theo Quốc lộ 50. Hiện căn nhà của ông Thanh thấp hơn mặt đường gần 2 m. Hiện tại, gia đình ông “không đủ sức” để tiếp tục nâng nền do chi phí quá lớn. Chung cảnh ngộ, gia đình bà Trịnh Thị Muội (62 tuổi, chủ nhà số E3/85) cũng phải sống trong “hầm” từ hàng chục năm nay. Theo bà Muội, gia đình bà đã nhiều lần nâng nền nhà nhưng mỗi khi mặt đường được cải tạo thì nhà của bà lại càng thụt sâu.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra trên đường Phạm Văn Đồng (đoạn qua phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức). Kể từ khi tuyến đường này được xây dựng và nâng cao, nhà của hàng trăm hộ dân ở đây trở thành những căn hầm sâu cả mét. Ông Nguyễn Nam, ngụ đường Phạm Văn Đồng, cho biết: “Bây giờ mặt đường cao ngang với tầng 2 của gia đình tôi. Nếu bỏ vốn nâng nền thì tốn vài trăm triệu đồng, gia đình tôi không đủ sức. Cố gắng sống tiếp hoặc tìm cách bán rẻ nhà để đi nơi khác ở”.

Người lao động

© 2021 FAP
  3,266,798       14/874