Công nghệ thông tin

Bỏ hay giữ HĐND quận, phường?

Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 24-11, các đại biểu Quốc hội đã không thống nhất được quan điểm nên bỏ hay giữ HĐND cấp quận, phường

Mô hình tổ chức chính quyền địa phương được đưa ra có 2 phương án. Phương án 1: Quy định cấp quận, phường không tổ chức HĐND; chức năng đại diện giám sát, quyết định các vấn đề địa phương do HĐND TP, thị xã đảm nhiệm. Phương án 2: HĐND, UBND có ở các đơn vị hành chính cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương, cấp quận/huyện/thị xã và phường/xã/thị trấn.

Nhiều băn khoăn

Đại biểu (ĐB) Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) băn khoăn: “Nếu không tổ chức HĐND ở đơn vị hành chính nào đó là bỏ đi một thiết chế dân chủ, gần và gắn bó nhất với người dân trên địa bàn. Điều đó đi ngược lại với quan điểm tăng cường quyền làm chủ của nhân dân. Ở đâu có UBND mà không có HĐND thì ở đó đã mất đi một công cụ pháp lý hữu hiệu”.

Đánh giá việc bỏ HĐND có thể làm đảo lộn bộ máy hành chính, làm thay đổi các văn bản pháp luật mà không biết hiệu quả của nó như thế nào, ĐB Triệu Là Pham (Hà Giang) đề nghị giữ nguyên cấp chính quyền địa phương như hiện tại.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) phát biểu tại phiên thảo luậnẢnh: THẾ DŨNG
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) phát biểu tại phiên thảo luậnẢnh: THẾ DŨNG

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) nhận định chuyện thí điểm không tổ chức HĐND là một cuộc thí điểm khá kỳ lạ, diễn ra quá dài. “HĐND với tư cách là cơ quan dân cử, đại diện nhân dân, là thành quả của nền dân chủ. Vì sao ta lại bỏ đi, đây là một điều nên cân nhắc” - ông Sơn đề nghị.

Không đồng tình, ĐB Trần Du Lịch (TP HCM) cho rằng ai cũng thấy việc tổ chức HĐND đạt hiệu quả rất thấp. “Cử tri hỏi rằng một năm HĐND cấp huyện họp mấy lần, một lần được mấy ngày thì quyết được cái gì và giám sát được gì? Chúng ta nên thực tế” - ông Lịch nêu quan điểm.

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP HCM, giữ quan điểm từng thảo luận: “Đề nghị chính quyền ở nông thôn theo lộ trình vẫn giữ 3 cấp chính quyền. Còn chính quyền ở đô thị đã đến lúc phải thay đổi cho phù hợp với thực tiễn đặt ra. Là một địa bàn hẹp, dân cư sống tập trung với những phát sinh hằng ngày rất lớn thì tổ chức một chính quyền 2 cấp là phù hợp”. Theo bà Tâm, một chính quyền 2 cấp hiểu theo nghĩa có HĐND và có UBND được tổ chức ở cấp thành phố, cấp chính quyền cơ sở là cấp phường.

VKS không được khởi tố vụ án dân sự

Chiều cùng ngày, Quốc hội (QH)đã biểu quyết nhất trí thông qua Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), Nghị quyết thi hành Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi) và Nghị quyết thi hành Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi).

Đáng chú ý, một số ĐBQH đề nghị quy định thời điểm VKSND bắt đầu thực hành quyền công tố từ khi tội phạm xảy ra hoặc từ khi vụ việc có dấu hiệu tội phạm. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ QH cho rằng để xác định có tội phạm xảy ra hoặc vụ việc có dấu hiệu tội phạm hay không thì cơ quan có thẩm quyền phải kiểm tra, xác minh nguồn tin, thu thập tài liệu, chứng cứ. Trên cơ sở đó, VKSND mới có căn cứ để thực hành quyền công tố. Vì vậy, giữ thời điểm thực hành quyền công tố bắt đầu từ khi cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra “giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm” như dự thảo luật.

Nhiều ý kiến đề nghị bổ sung thẩm quyền khởi tố vụ án dân sự cho VKSND và VKSND đồng thời là nguyên đơn dân sự. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ QH nhận thấy: Nếu giao cho VKSND có thẩm quyền khởi tố vụ án dân sự thì không phù hợp với chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. Ủy ban Thường vụ QH đề nghị QH không quy định VKSND có thẩm quyền khởi tố vụ án dân sự. 

Đồng tình việc phê chuẩn 2 công ước quốc tế

Chiều cùng ngày, QH cũng đã thảo luận ở hội trường về việc phê chuẩn Công ước của Liên Hiệp Quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người; việc phê chuẩn Công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền của người khuyết tật.

Hầu hết các ĐB đều đồng tình việc phê chuẩn 2 công ước này.

Người lao động

© 2021 FAP
  3,265,608       29/956