Công nghệ thông tin

Tham nhũng kết bè cánh

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá như vậy tại buổi tiếp xúc cử tri quận 4, TP HCM để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII

Tại buổi tiếp xúc cử tri quận 4 chiều 2-12, cử tri Vũ Hoàng Ninh (ngụ phường 13) lo lắng tham nhũng sẽ trở thành quốc nạn nếu Đảng và nhà nước không kiên quyết xử lý.

Cam kết trừng trị tham nhũng

Hoan nghênh kết luận cụ thể, chi tiết của Ủy ban Kiểm tra trung ương về sai phạm của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền nhưng cử tri Ninh cho rằng việc xử lý chưa đủ tính răn đe.

“Báo cáo của cơ quan nhà nước cho thấy tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng mới đạt 23%. Do pháp luật hay lý do nào đó mà nhà nước chưa kiên quyết thu hồi?” - cử tri Ninh chất vấn và kiến nghị cần thu hồi triệt để dù tài sản đó được chuyển hóa dưới bất cứ hình thức nào; song song đó tăng mức phạt bằng tiền đối với những người tham nhũng; nếu không có khả năng đóng phạt thì chuyển sang phạt tù.

Cử tri Nguyễn Vinh Ngọc (ngụ phường 4) chất vấn: Thu nhập chính đáng có sắm được những dinh thự nguy nga đồ sộ không? Phải chăng việc kê và công khai tài sản cán bộ đầu ngành thời gian qua có dấu hiệu không trung thực? Mặt khác, địa phương có dám đấu tranh khi phát hiện sai phạm?

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc cử tri quận 4, TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc cử tri quận 4, TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Theo cử tri Ngọc, đây mới là nút thắt gai góc không dễ gì đấu tranh khi còn ràng buộc nhau bằng quan hệ quyền lực. Vụ việc sai phạm của ông Trần Văn Truyền là một ví dụ điển hình, chỉ đến khi ông Truyền về hưu mới lộ ra hàng loạt sai phạm trách nhiệm về quản lý đất đai, nhà cửa… Sai phạm lớn như vậy, các địa phương lẽ nào không biết. “Đặc quyền, đặc lợi và các mối quan hệ quyền lực hiện nay là hình ảnh của con chuột tham nhũng và cũng là nguyên nhân gây vỡ bình chứ không phải chúng ta diệt chuột mới làm vỡ bình. Vì vậy, phải triệt tiêu đặc quyền, đặc lợi cũng như các mối quan hệ quyền lực của cán bộ đương chức đương quyền, đó mới là diệt chuột” - cử tri Ngọc nhấn mạnh.

Cũng bức xúc về nạn tham nhũng như cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết vấn đề này đã được nêu trong nhiều phiên chất vấn trước. Luật đã có, các cơ quan chức năng cũng làm nhưng hiệu quả chưa cao khiến lòng dân lo lắng, nền kinh tế bị thiệt hại.

Chủ tịch nước khẳng định những người tham nhũng phải bị trừng trị. Đối với những vụ việc liên quan đến cán bộ cấp cao có dấu hiệu sai phạm, Chủ tịch nước hứa sẽ tuần tự giải quyết và công bố kết quả trên báo chí, không có chuyện bao che.

Về tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng thấp, Chủ tịch nước nói: “Tôi có nghe việc những người tham nhũng chuyển tài sản ra nước ngoài nhưng khi cơ quan công an vào cuộc xác minh, ngân hàng không cung cấp nên mình chịu. Những kẻ tham nhũng không đứng riêng lẻ mà kết thành bè cánh để bao che nhau”.

Không tăng biên chế từ nay đến năm 2016

Cử tri Phan Văn Thân (ngụ phường 2) phản ánh cứ mỗi lần tăng lương thì đời sống người dân lại càng khó khăn nên tăng lương chỉ là giải pháp bước đầu chứ không phải căn cơ. Rất nhiều cán bộ sống không được với tiền lương nên đã ra làm cho doanh nghiệp nước ngoài. Do vậy, cần cải cách tiền lương thiết thực hơn.

Về vấn đề này, Chủ tịch nước cho biết từ nay đến năm 2016 sẽ không tăng biên chế bởi “cơ quan nào cũng xin biên chế mà mủi lòng gật đầu là chết”. Riêng cán bộ phường, xã, thị trấn, sắp tới Chính phủ sẽ ra các nghị định xung quanh các chức danh, chức vụ; sẽ tổ chức cho cán bộ kiêm nhiệm để tăng hiệu quả, giảm gánh nặng ngân sách. “Đi kèm với tăng lương phải tăng năng suất lao động thì mới đủ sức để cạnh tranh” - Chủ tịch nước nhận định.

Trước bức xúc của cử tri về an toàn thực phẩm, Chủ tịch nước nhận định luật quy định rất rõ ràng nhưng cơ quan chức năng hành xử kém. Ông nói: “Thậm chí có những cán bộ làm nông nghiệp mà không dám ra chợ mua rau. Chính mình làm mà không dám nhận thành quả. Tôi thấy lạ quá! Thế thì sao quản lý được?”.

Cần mạnh tay với tài xế nghiện ma túy

Cùng ngày, tại 2 cuộc tiếp xúc giữa cử tri quận 6, TP HCM với tổ đại biểu Quốc hội (QH) số 3 có Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải, vấn đề mà nhiều cử tri quan tâm là xử lý người nghiện ma túy. Cử tri Lê Văn Thể đề nghị cần có những biện pháp mạnh tay đối với tài xế nghiện ma túy. Ngành giao thông nên kiểm tra thường xuyên và đồng loạt, nếu phát hiện lái xe sử dụng ma túy thì lập tức rút giấy phép lái xe và xử lý thích đáng.

Ngoài ra, cử tri cũng đề nghị trong những kỳ họp sau, QH nên kéo dài thời gian chất vấn dành cho các bộ trưởng và các vị lãnh đạo cao cấp, đồng thời tăng cường giám sát việc thực hiện các luật, bộ luật sau khi đã được QH thông qua và có hiệu lực thi hành.

T.Nga

Người lao động

đại biểu quốc hội, nghiện ma túy, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, giấy phép lái xe, người tham nhũng, sử dụng ma túy, Tổng Thanh tra Chính phủ, doanh n


© 2021 FAP
  3,250,704       4/1,501