Công nghệ thông tin

Chủ tịch tỉnh Bình Dương giải trình trước khi về hưu

Đà Nẵng: Tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng. Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai có số phiếu tín nhiệm cao ít nhất. Quảng Nam: Cử tri bức xúc vì tình trạng phá rừng

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung - Ảnh: Cổng TTĐT Bình Dương
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung - Ảnh: Cổng TTĐT Bình Dương

Chiều 9-12, tại kỳ họp HĐND tỉnh Bình Dương, ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, giải trình nhiều nội dung liên quan đến công tác điều hành của mình. Đây là lần đăng đàn cuối cùng của ông Cung vì hôm nay (10-12), HĐND tỉnh Bình Dương sẽ bầu bổ sung chức vụ chủ tịch UBND tỉnh thay ông Cung đến tuổi về hưu.

Theo đó, ông Cung giải trình xung quanh một số sai phạm đất đai tại Bình Dương giai đoạn 2006-2011 mà Thanh tra Chính phủ vừa kết luận, nổi bật nhất là việc bị đề nghị truy thu khoảng 156 tỉ đồng tiền sử dụng đất, thuê đất thuộc 22 dự án tại tỉnh này. Ông Cung khẳng định hoàn toàn không có lợi ích nhóm trong việc thu hụt tiền sử dụng đất, cho thuê đất ở các dự án này. Ông Cung giải thích, theo quy định thì thời điểm tính tiền sử dụng đất phải theo đúng thời điểm có quyết định giao đất, cho thuê đất nhưng quy định này chỉ phù hợp với một số dự án nhỏ, thời gian giải phóng mặt bằng ngắn. Trong khi đó, đa phần các dự án tại Bình Dương có quy mô lớn từ hàng trăm tới hàng ngàn ha, phải giải phóng mặt bằng trong nhiều năm... Vì vậy, tỉnh tính thu tiền sử dụng đất, thuê đất ngay từ giai đoạn đầu của dự án để các nhà đầu tư có cơ sở tính toán phương án kinh doanh, quyết định đầu tư. Ông Cung cho rằng chiếu theo luật cách làm này là sai nhưng thực tế lại thuận lợi cho hoạt động thu hút đầu tư.

Cùng ngày, HĐND TP Đà Nẵng khóa VIII, nhiệm kỳ 2011-2016 cũng đã khai mạc để đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển của địa phương này trong năm 2014. Ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, cho biết trong năm 2014, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt và vượt so với kế hoạch, đồng thời thừa nhận những khuyết điểm như tiến độ triển khai một số công trình còn chậm, thu hút đầu tư nước ngoài đạt thấp, một số điểm nóng gây ô nhiễm môi trường chưa được xử lý dứt điểm, tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng...

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch MTTQ TP Đà Nẵng, đề xuất lãnh đạo TP xem xét và xử lý các dự án treo quá lâu, điển hình là các dự án tại khu đất vàng trung tâm TP trên đường Hùng Vương - Phan Châu Trinh, đặc biệt là dự án sân vận động Chi Lăng. Ngoài ra, ông Hùng cho biết cử tri rất hoan nghênh thái độ của TP Đà Nẵng liên quan đến việc tỉnh Thừa Thiên - Huế giao dự án khu vực Cửa Khẻm trên đèo Hải Vân cho Công ty Thế Diệu (Trung Quốc) xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng.

Khác với TP Đà Nẵng, trong ngày làm việc đầu tiên của HĐND tỉnh Quảng Nam khóa VIII, nhiều cử tri lại bức xúc vì tình trạng phá rừng diễn biến phức tạp trong thời gian qua, nhất là ở vùng giáp ranh với TP Đà Nẵng. Bên cạnh đó, dư luận tại Quảng Nam rất quan tâm đến vấn đề nợ thuế của hai công ty khai thác vàng thuộc Tập đoàn Besra nhưng lại không thấy tỉnh này nhắc đến trong báo cáo.

Trong ngày 9-12, HĐND tỉnh Gia Lai khóa X tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 13 chức danh do HĐND tỉnh bầu hoặc phê chuẩn. Kết quả, ông Phạm Thế Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, có số phiếu tín nhiệm cao ít nhất với 27 phiếu (35,53%) và cũng là người có số phiếu tín nhiệm thấp cao nhất với 20 phiếu (26,32%). Ông Trần Đình Thu, Ủy viên UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai, có số phiếu tín nhiệm cao ít thứ nhì với 29 phiếu (38,16%). Người có số phiếu tín nhiệm cao cao nhất là ông Phạm Đình Thu, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai, với 59 phiếu tín nhiệm cao (77,63%) và chỉ có 1 phiếu tín nhiệm thấp (1,32%).

Người lao động

© 2021 FAP
  3,243,384       14/1,555