Công nghệ thông tin

Vụ sập hầm thủy điện ở Lâm Đồng: Khẩn trương giải cứu người bị nạn

Các nạn nhân sẽ an toàn do 2 đường ống thông khí và hút nước đã đào thành công. Hôm nay (18-12) sẽ khoan đường ống từ đỉnh đồi để chuyển quần áo ấm xuống

Đến khuya 17-12, lực lượng chức năng vẫn đang tích cực tổ chức các phương án cứu nạn tối ưu để giải cứu 12 nạn nhân bị kẹt trong vụ sập đường hầm thủy điện Đạ Dâng - Đa Chomo (xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng). Đã có 2 đường ống được đặt thông vào đường hầm nhằm tiếp ôxy, lương thực cho các nạn nhân. Dự kiến sáng 18-12 sẽ tiến hành khoan cọc nhồi từ đỉnh đồi xuống vị trí các nạn nhân để đưa quần áo, hút nước ra ngoài, sau đó sẽ đưa họ ra ngoài bằng đường ống này hoặc đường hầm chữ A vòng theo đường hầm cũ đang được gấp rút đào.

Tìm phương án

Mặc dù vụ việc xảy ra đã hơn 40 giờ, lực lượng chức năng đã triển khai nhiều phương án cứu hộ nhưng đến gần 24 giờ khuya 17-12, vẫn chưa có phương án nào chắc chắn giải cứu được 12 nạn nhân ra ngoài một cách sớm nhất.

Theo quan sát của phóng viên, trong ngày 17-12, mặc dù huy động tối đa lực lượng nhưng khối lượng công việc thực hiện không  đáng kể. Đến chiều 17-12, lực lượng chức năng đã dựng lều bạt, lán y tế và đưa thêm máy phát điện công suất 500 KW để phục vụ công tác cứu nạn.

Đường hầm nhỏ. ngập nước nên công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn Ảnh: Kỳ Nam
Đường hầm nhỏ. ngập nước nên công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn Ảnh: Kỳ Nam

Trước đó vào trưa 17-12, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, ông Đoàn Văn Việt, đã gọi điện cho Giám đốc Công ty Địa ốc Đà Lạt yêu cầu gấp rút đưa giàn khoan BMK đến hầm thủy điện để thực hiện khoan từ phía bên kia hầm sang nhưng đến tối cùng ngày, phương án này vẫn chưa được triển khai. Như vậy, hiện chỉ trông chờ phương án khoan cọc nhồi từ đỉnh đồi xuống hầm với chiều cao 60 m để hút nước ra, đưa quần áo vào trong rồi đưa các nạn nhân ra theo đường ống. Tuy nhiên, theo thông tin từ lực lượng cứu hộ thì phải rạng sáng 18-12, thiết bị này mới được đưa từ TP HCM lên. Vì vậy, phải ít nhất 2 ngày nữa đường ống này mới khoan xong để tiếp cận được các nạn nhân.

Chín người thuộc Trung tâm Cứu hộ Mỏ Vinacomin cũng có mặt ở hiện trường từ trưa 17-12 để tham gia cứu hộ nhưng do đặc điểm địa chất ở đây khác với vùng mỏ nên họ gặp không ít khó khăn. Theo anh Phạm Văn Hạ, nhân viên trung tâm, việc đào hầm chữ A đã được triển khai nhưng mới đào được khối lượng rất ít.

Đói và lạnh

Ông Nguyễn Hữu Tâm, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, cho biết lực lượng cứu hộ đã khoan được ống phi 60 ở 2 đầu hầm để đưa thực phẩm, dưỡng khí vào cho 12 công nhân mắc kẹt. Việc tiếp tế lương thực được thực hiện bằng cách đổ sữa vào một thùng lớn rồi đặt một đầu đường ống có đường kính 4,2 cm vào thùng sữa, đầu còn lại đưa vào trong hầm cho từng người đến hút. Xúc xích thì được cột dây kẽm để bên trong kéo vào từng cây. Liên lạc với bên ngoài, các nạn nhân cho biết rất lạnh và đói, nước ngập trên 1 m. Trong khi đó, việc cứu nạn gặp nhiều khó khăn, đường hầm trước chỉ cách người bị nạn 30 m nhưng bị nước, đất nhão nên vừa đào vừa chống; đường còn lại khô hơn, cách chỗ bị nạn khoảng 60 m nhưng có đá nên tiến độ đào rất chậm. “Trước mắt, chúng tôi tăng cường máy phát điện để sử dụng máy khoan mạnh có khả năng khoan thủng đá để khoan từ trên xuống, đưa ống phi 110 tiếp tế quần áo chống rét và bơm hút nước. Khi đủ lương thực, thực phẩm, quần áo thì việc cứu nạn sẽ được nới lỏng hơn về thời gian” - ông Tâm nói.

Anh Hồ Minh Hường, người trực tiếp tham gia cứu nạn, cho biết: Trong hầm rất chật hẹp, mỗi lần chỉ có thể vào từng tốp 3-4 người. Đất ở đây thường xuyên sạt xuống nên chúng tôi phải chống trước khi đào để bảo đảm an toàn. Vì vậy, việc đào hầm rất chậm” - anh Hường nói.

Chị Phan Thị Hoa (SN 1983, quê tỉnh Hà Giang) cho biết chồng chị là anh Trương Tấn Việt mới xin vào làm công nhân cho thủy điện được 20 ngày thì gặp nạn. “Đã 2 ngày 1 đêm trôi qua nhưng lực lượng cứu hộ vẫn chưa đào được đường hầm để đưa mọi người ra. Chắc chắn hiện nay không khí trong hầm rất ngột ngạt, người ướt sũng trong khi không có gì để ủ ấm” - chị Hoa rưng rưng.

Tai nạn được báo trước?

Trưa 17-12, một hố sâu khoảng 10 m, đường kính khoảng 20 m được phát hiện trên đồi, bên dưới là vị trí xảy ra sự cố. Theo quan sát của phóng viên Báo Người Lao Động, hiện tượng sụt lún này xảy ra từ trước khi hầm sập. Nhiều khả năng nước mưa tích tụ đã thẩm thấu làm giảm kết cấu địa chất nên xảy ra sập hầm. Điều đáng nói, việc sụt lún đã xảy ra từ lâu nhưng đơn vị thi công vẫn tiếp tục làm mà không có biện pháp khoan thăm dò địa chất lại và không san lấp hố để nước thẩm thấu khiến hầm sập. Hiện đơn vị thi công đã lấy bạt che cái hố lại để tránh đọng nước mưa.

Có mặt tại hiện trường, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các ngành chức năng điều tra xác định nguyên nhân vụ việc; trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị. Bộ trưởng cũng yêu cầu công trình thủy điện dừng thi công cho đến khi nhận được ý kiến mới của cơ quan chức năng.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng thắc mắc tại sao rất ít người thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Long Hội (chủ đầu tư dự án) tham gia cứu hộ. Lý giải, đại diện chủ đầu tư cho biết hiện tổng giám đốc đang đi nước ngoài. “Nếu quả thật tổng giám đốc ra nước ngoài thì tại sao đến hôm nay vẫn chưa bay về để xử lý vụ việc?” - Bộ trưởng hỏi.

Tổng số lực lượng, phương tiện của quân đội, công an và các lực lượng khác đang tham gia cứu nạn tại hiện trường gồm 378 người và 42 phương tiện các loại. 

Diễn biến vụ việc

Ngày 16-12:

7 giờ: Đường hầm thủy điện Đạ Dâng - Đa Chomo sập làm 12 công nhân mắc kẹt.

11 giờ: Lực lượng cứu hộ lên phương án khoan 2 đường hầm để đưa đường ống bơm ôxy vào trong hầm và hút nước ra. Việc khoan liên tục gặp khó khăn do trúng phải đá.

19 giờ 40 phút: Sau 26 m, mũi khoan đầu tiên xuyên thủng vào bên trong.

20 giờ 10 phút: Một ống sắt có đường kính khoảng 60 cm đã được đưa vào trong hầm. Qua đường ống khí, các nạn nhân cho biết 12 người đều còn sống, sức khỏe ổn định nhưng đói và lạnh.

22 giờ 30 phút: 12 cây xúc xích cùng với sữa được chuyển vào cho các nạn nhân thông qua ống sắt. Lực lượng cứu hộ tập trung khoan thêm một đường ống khác sát chân hầm để rút nước ra.

Ngày 17-12:

8 giờ 30 phút: Bổ sung phương án cứu hộ là khoan một lỗ mới vào trong hầm nhằm tạo đối lưu không khí, đồng thời đào sâu vào đoạn hầm bị sập theo hình chữ A.

12 giờ 45 phút: Ông Nguyễn Xuân Tiến, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, cho biết sẽ bổ sung phương án khoan ở đầu bên kia của hầm thủy điện để đưa đường ống vào hút nước ra ngoài.

13 giờ 30 phút: Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết bổ sung phương án thứ 3 là khoan từ đỉnh đồi xuống bằng phương pháp khoan cọc nhồi.

15 giờ: Một số chuyên gia đào hầm ở Quảng Ninh cũng được huy động vào hiện trường. 45 cán bộ, chiến sĩ thuộc Sở Cảnh sát PCCC TP HCM đã đi Lâm Đồng tham gia cứu hộ.

16 giờ: Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng nhiều bác sĩ có mặt tại hiện trường sẵn sàng hỗ trợ nạn nhân.

19 giờ: Khoan và đặt ống phi 60 thứ hai vào đường hầm. Nước ở phía trong hầm bị sập đã lên gần 1,5 m.

19 giờ 15 phút: Một công nhân có dấu hiệu ngạt nên lực lượng cứu hộ khẩn trương bơm thêm ôxy vào hầm.

20 giờ 30 phút: Đã tiếp tế thức ăn được 5 lần, cứ 4 giờ lại bơm ôxy vào một  lần. Các nạn nhân cho biết rất lạnh.

22 giờ:  Lực lượng cứu hộ nhồi xong ống bơm nước vào lỗ khoan thứ hai nhưng không thể bơm nước ra ngoài, không rõ nguyên nhân.

22 giờ 45 phút: Phương án thứ 4 được đề xuất là dùng máy cắt thủy lực tạo thành một đường hầm rộng 2 m từ phía sau hầm để đưa các nạn nhân ra ngoài.

23 giờ: Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương, cho biết các nạn nhân thông báo một số người có dấu hiệu tụt canxi. Nước trong hầm đang khoảng 1,5 m nhưng các công nhân vẫn an toàn do leo lên được một chiếc xe có sẵn trong hầm.

24 giờ: Từ hiện trường, phóng viên Báo Người Lao Động báo về vẫn chưa thể bơm được nước ra ngoài.

Các vụ giải cứu ngoạn mục

Ngày 5-8-2010, 33 người mắc kẹt trong khu hầm mỏ tại khu vực Mina San Jose. Sau khi biết thợ mỏ còn sống, chính phủ Chile đã thực hiện kế hoạch toàn diện đưa họ lên mặt đất.

Suốt hơn 2 tháng, lực lượng cứu hộ bản địa huy động mọi công nghệ và nguồn lực, đồng thời mời các chuyên gia trên toàn thế giới để nỗ lực cứu hộ. Nhiệm vụ này ban đầu dường như là chuyện không tưởng vì các nạn nhân mắc kẹt dưới lớp đá granit sâu khoảng 700 m. Hơn 700.000 tấn đá đổ ập xuống, bít chặt con đường phía sau những thợ mỏ và phá hủy hệ thống trục thông gió.

Công ty khai thác mỏ quốc doanh Codelco, đơn vị tham gia giải cứu, quyết định dùng 9 chiếc khoan khổng lồ khoan xuống vị trí các thợ mỏ. Cuối cùng, một lồng thép cường lực do hải quân Chile chế tạo được dùng để đưa từng người một lên mặt đất. Công việc giải cứu hoàn tất hôm 13-10-2010.

Trước đó, ít nhất 114 thợ mỏ Trung Quốc thoát chết kỳ diệu trong một cuộc giải cứu hồi tháng 4-2010. 153 thợ mỏ mắc kẹt trong một mỏ than ngập nước tại tỉnh Sơn Tây từ ngày 28-3-2010. Nhà chức trách đã huy động 3.000 người phụ trách việc bơm nước ra khỏi mỏ và tìm kiếm, giải cứu các nạn nhân. Tuy nhiên, việc mỏ bị ngập đầy nước khiến lực lượng cứu hộ tưởng như mất hy vọng tìm thấy người sống sót cho đến khi họ nghe thấy tín hiệu sống 4 ngày sau đó. Sau 8 ngày bị mắc kẹt, 114 người đã được giải cứu thành công. Theo báo The Guardian, một số thợ mỏ đã dùng dây lưng buộc mình vào tường hầm mỏ để tránh rơi xuống nước khi ngủ.                

  Ph. Nghĩa

Người lao động

© 2021 FAP
  3,229,991       2/883