Công nghệ thông tin

Thời khắc không dễ quên

Niềm vui như vỡ òa khi Ban Chỉ huy cứu hộ cứu nạn hiện trường nhận được điện thoại từ lực lượng cứu hộ bên trong hầm thông báo: Chúng tôi đã tiếp cận được anh em...

16 giờ 30 phút ngày 19-12 sẽ là thời khắc không dễ quên đối với nhiều người có mặt tại hiện trường cứu nạn vụ sập hầm thủy điện. Bao lo sợ trong suốt 4 ngày qua bỗng chốc tan biến. Thay vào đó là niềm vui đến nhòa nước mắt.

Chồng con sống rồi bố ơi!

Thấy mọi người bên ngoài nhốn nháo, linh tính như báo hiệu điều mong mỏi suốt 4 ngày qua sắp thành hiện thực, chị Phan Thị Hoa đứng phắt dậy, mắt hướng về cửa hầm. “Nhưng lòng tôi lúc đó cũng ngổn ngang bao điều suy nghĩ, mừng vui và lo lắng, không biết chồng mình ra sao. Anh ấy yếu lắm” - chị Hoa tâm sự.

Chị Phan Thị Hoa nghẹn ngào trong hạnh phúc khi lực lượng cứu hộ đưa được chồng chị là anh Trương Tuấn Việt từ lòng đất ra ngoài Ảnh: HỒNG ÁNH - CAO NGUYÊN
Chị Phan Thị Hoa nghẹn ngào trong hạnh phúc khi lực lượng cứu hộ đưa được chồng chị là anh Trương Tuấn Việt từ lòng đất ra ngoài Ảnh: HỒNG ÁNH - CAO NGUYÊN

16 giờ 35 phút nạn nhân đầu tiên được đưa ra khỏi hầm. Nhưng không phải chồng chị Hoa. Rồi cũng đến lượt chồng chị được đưa ra ngoài. “Tôi muốn chạy đến ôm chồng ngay nhưng không hiểu sao chân bỗng dưng khụy xuống” - chị Hoa chia sẻ. Chị òa khóc và dường như ngất xỉu khi thấy chồng tuy có yếu hơn một số người khác nhưng đã được cứu sống. Một chiến sĩ của lực lượng cứu hộ kịp thời đỡ chị dậy. Sau khi tỉnh lại, chị lập tức điện thoại về gia đình thông báo một câu ngắn gọn: “Chồng con sống rồi bố ơi!” rồi lại òa khóc trong niềm hạnh phúc.

Cứ mỗi nạn nhân được đưa ra là một tràng pháo tay dài như khích lệ lực lượng cứu hộ. Trong niềm hạnh phúc của 2 người phụ nữ, một chiến sĩ trong lực lượng cứu hộ vừa đưa anh Trương Tấn Việt (quê Hà Nam, chồng chị Hoa) ra ngoài chỉ kịp nhoẻn miệng cười rồi ngồi thở dốc vì mệt. Hình ảnh cảm động ấy làm xúc động nhiều người.

Bà Hoàng Thị Thu Hồng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng, cho biết: Bà may mắn có mặt trong thời điểm khắc đưa nạn nhân từ trong hầm ra. “Điều đầu tiên tôi có thể làm là cởi ngay chiếc áo đang mặc đắp lên cho người bị nạn. Cảm giác khi thấy lực lượng cứu hộ đưa các nạn nhân ra khỏi hầm thật khó tả. Tim tôi như muốn vỡ òa, còn nước mắt cứ tự tuôn rơi. Đó là những giọt nước mắt hạnh phúc” - bà Hồng chia sẻ.

Ông Nguyễn Xuân Tiến, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, nói trong tiếng vỗ tay: “Quá tuyệt vời! Không có gì vui hơn, không có gì hạnh phúc hơn. Việc đưa được các nạn nhân ra ngoài sớm là quá bất ngờ. Anh em đã nhiệt tình, tích cực về trước thời gian. Hiện tại sức khỏe các nạn nhân đều tốt là mừng quá rồi”.

Tối cùng ngày, ông Tiến đã đến chúc mừng, tặng hoa và cảm ơn các lực lượng tham gia cứu hộ. Ông Tiến cũng cho biết  Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vừa điện thoại tuyên dương lực lượng cứu hộ. Tỉnh Lâm Đồng cũng thưởng cho lực lượng cứu hộ 100 triệu đồng.

Tôi không nghĩ mình được cứu sớm như vậy!

Đến tối 19-12, cả 12 nạn nhân đều được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng để cấp cứu, chăm sóc. Trong số các nạn nhân chỉ có chị Đặng Thị Hồng Ngọc (nạn nhân nữ duy nhất) là sức khỏe yếu nhất do bị lạnh và mệt, còn lại sức khỏe tốt.

Anh Hoàng Văn Sơn (quê Nam Định) là người tỉnh nhất trong số các nạn nhân. Vừa đến bệnh viện anh đã xin ngồi dậy. Anh Sơn cho hay: Sáng hôm ấy khi đội đào hầm vào ca thì bất ngờ đoạn hầm trước mặt sập xuống. Cả đội hốt hoảng bỏ chạy ra ngoài. Tuy nhiên, chỉ vừa chạy được vài bước chân thì đoạn hầm phía trước lại sập tiếp. “Bùn đất sạt lở rất nhanh nên anh em không kịp thoát ra. Lúc đó trong đầu tôi có suy nghĩ lẽ nào đời mình khép lại ở đây. Tuy nhiên, ngay sau đó tôi trấn tĩnh, cùng anh em bàn cách thoát ra”- anh Sơn cho biết. Anh kể: Lúc đó các nạn nhân đã dùng tay, mũ múc đất cố tìm lối thoát đến nỗi chảy cả máu tay nhưng đất bị lấp dày quá, không thể thoát ra được. Trong khi đó, nước trong hầm bắt đầu dâng lên. Chỉ trong thời gian ngắn đã ngập đến cổ mọi người. “Thực ra chúng tôi không đói vì nhờ lực lượng cứu hộ tìm cách đưa thức ăn kịp thời nhưng rất lạnh vì áo quần đều sũng ướt. Cũng may là bên trong đoạn hầm bị kẹt còn có một chiếc xe nên chúng tôi leo lên đó trú tạm”- anh Sơn kể.

Anh Nguyễn Văn Quang (quê Hà Tĩnh) là người duy nhất bị thương do khi trú nạn trên xe anh ngủ gục rơi xuống trúng tảng đá gây chấn thương đầu. Tuy nhiên, vết thương không nặng. Tại bệnh viện, anh Quang vẫn rổn rảng kể về việc thoát chết của mình và anh em trong đội: “Khi bên ngoài liên lạc được với chúng tôi, mọi người động viên nhau như thế là mình sẽ được cứu sống rồi. Mỗi khi nghe bên ngoài gọi vọng vào thì anh em cắt cử nhau cởi quần áo bơi ra để trò chuyện, nhận thức ăn về chia cho mọi người”.

Còn anh Trương Tuấn Việt cho hay hầu hết các nạn nhân đều đuối sức do bị lạnh. Khi đến bệnh viện, các bác sĩ phải dùng đèn cao áp để sưởi ấm. “Khi bị mắc kẹt, tôi nghĩ rất nhiều đến vợ và 2 con nhỏ. Tôi là trụ cột trong gia đình nếu có mệnh hệ gì thì thật tội. Vì vậy mà tôi không thể chết, bất cứ giá nào mình phải vượt qua”- anh Việt tâm sự. Tuy nhiên, cũng giống như những nạn nhân còn lại, anh Việt không nghĩ mình được cứu nạn sớm như vậy...

82 giờ giành giật sự sống

Khoảng 7 giờ ngày 16-12, tại công trình hầm dẫn nước của Nhà máy Thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng đã xảy ra sự cố sập hầm làm 12 công nhân mắc kẹt. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương cứu nạn sự cố sập hầm thủy điện Đạ Dâng - Đa Chomo.

16 giờ 30 phút này 19-12, lực lượng cứu hộ bắt đầu đưa các nạn nhân ra ngoàiẢnh: TRẦN ĐÌNH LÝ
16 giờ 30 phút này 19-12, lực lượng cứu hộ bắt đầu đưa các nạn nhân ra ngoàiẢnh: TRẦN ĐÌNH LÝ

Tối 16-12, lực lượng cứu nạn đã ép thành công ống sắt đường kính khoảng 6 cm với tổng chiều dài 36 m, xuyên qua lớp đất đá nhờ đó nhận được tín hiệu 12 nạn nhân vẫn còn sống. Thông qua ống sắt này các nạn nhân được tiếp ô xy, sữa, xúc xích.

Sáng ngày 17-12, hơn 100 cán bộ cứu hộ tích cực khoan ống sắt thứ 2, triển khai phương án đào hầm chữ A để tiếp cận những người bị nạn nhưng gặp nhiều khó khăn.

Chiều 17-12, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Công Thương, Y tế đến kiểm tra. Phương án khoan từ trên đỉnh đồi xuống với đường kính lớn 11-15 cm để tiếp tế quần áo, nếu có thể mở rộng để kéo người lên. UBND TP HCM cũng điều gần 50 cán bộ PCCC và các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đến hỗ trợ.

3 giờ ngày 18-12, mũi khoan thứ 3 ở cửa chính đã được thông sang khu vực 12 nạn nhân và tiến hành bơm nước ra ngoài. Nhưng khối lượng rất ít chỉ đủ cầm chừng mực nước.

Sáng 18-12, tổ cứu nạn Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đề xuất phương án đào đường hầm song song với đường hầm bị sập để tiếp cận nạn nhân. Lữ đoàn Công binh 293 (thuộc Bộ Tư lệnh Công binh, Bộ Quốc Phòng) triển khai 55 cán bộ chiến sĩ hỗ trợ. Lúc này, tổng số lượng người tham gia cứu nạn đã trên 400 người.

14 giờ 30 phút ngày 18-12, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã trực tiếp đến hiện trường và thống nhất một số phương án cứu nạn. Phó Thủ tướng yêu cầu 3 ngày tới phải cứu bằng được các nạn nhân.

7 giờ 30 phút ngày 19-12, mũi khoan hạ du do Công ty CP Sông Đà 10 đảm trách đã thông được vào khu vực sạt lở. Đến 10 giờ đã tháo toàn bộ nước ngập ra ngoài.

14 giờ ngày 19-12, diễn tiến đào hầm tốt, Ban Chỉ huy cứu nạn cho diễn tập cứu nạn.

16 giờ 30 phút ngày 19-12, lực lượng công binh đã tiếp cận và đưa các nạn nhân ra ngoài. Sau đó được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng. Hoàn thành việc cứu nạn trong vòng 82 giờ.H.A-K.N-C.N

Người lao động

© 2021 FAP
  3,227,311       1/869