Công nghệ thông tin

Dũng sĩ diệt Mỹ Trần Thị Gừng

L.T.S: Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Củ Chi là nơi giằng co quyết liệt giữa ta và địch ở cửa ngõ Tây Bắc Sài Gòn. Nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, Báo Người Lao Động xin giới thiệu một số gương mặt tiêu biểu góp phần tạo nên “Đất thép thành đồng” Củ Chi

Trong cuộc sống bộn bề thường ngày, ít ai ở cư xá 30-4, quận Bình Thạnh, TP HCM biết trong khu dân cư này có một phụ nữ từng 2 lần đạt danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”. Trần Thị Gừng (Tư Gừng) sinh năm 1947, là du kích mật ở xã Trung Lập Hạ (nay thuộc huyện Củ Chi, TP HCM). Tư Gừng là người hiền hậu, gan dạ. Ông Tư Kế, cha Tư Gừng, tham gia cách mạng rồi bị dân vệ sát hại.

Dân vệ, an ninh kè kè, tức muốn chết!

Năm Tư Gừng 16 tuổi, có một dân vệ xã bám theo cô bày tỏ tình cảm, lảm nhảm đủ điều. Thấy vậy, anh Tư Suông, xã đội trưởng, ghẹo: “Tại em trổ mã chi cho nó mê?”. Tư Gừng giận: “Anh còn nói vậy, em nghỉ theo du kích luôn”.

Sau đó, anh Tư Suông không ghẹo nữa mà kêu Tư Gừng hẹn tên dân vệ đến nhà rồi vận động gã ra vùng giải phóng. Kế này, Tư Gừng đồng ý. Tối, tên dân vệ đến, Tư Gừng nói chuyện lòng vòng rồi vô đề: “Anh ra vùng giải phóng với tui, tui mới ưng” nhưng gã không chịu.

Dũng sĩ diệt Mỹ Trần Thị Gừng tại Đại hội Anh hùng Chiến sĩ Thi đua toàn quân khu năm 1966 (trái). Chị Tư Gừng và con gái đầu lòng được bà Nguyễn Thị Định chụp ảnh năm 1972 tại căn cứ R. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Dũng sĩ diệt Mỹ Trần Thị Gừng tại Đại hội Anh hùng Chiến sĩ Thi đua toàn quân khu năm 1966 (trái). Chị Tư Gừng và con gái đầu lòng được bà Nguyễn Thị Định chụp ảnh năm 1972 tại căn cứ R. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Sau một hồi vận động, thuyết phục không được, tức mình, Tư Gừng giật súng Carbine của tên dân vệ định huy hiếp dắt đi, ai dè gã bỏ chạy. Sợ lộ chuyện, cô bắn theo 2 phát. Tên dân vệ té sấp.

Nghe súng nổ, đám dân vệ trên đồn ào xuống, thấy khẩu Carbine trước nhà liền bắt Tư Gừng điều tra. May mà có lá thư tình “gởi em Tư Gừng” nằm trong túi áo tên dân vệ nên chúng kết luận “Việt Cộng bắn”. Nhờ vậy, Tư Gừng được thả về.

Sau đợt đó, anh Tư Suông chuyển Tư Gừng ra chợ Trung Hòa, ở nhờ nhà ông Tư Sạn - anh em kết nghĩa với cha của cô. Trung Hòa là chợ xã nằm bên Tỉnh lộ 7; sáng nhóm đến trưa, chiều buồn hiu. Gần đó, lính bảo an đồn Trung Hòa, biệt động quân, cảnh sát, dân vệ… thường tụ tập uống cà phê, ăn nhậu.

Tên Được là an ninh xã, luôn dòm ngó nhà ông Tư Sạn tìm Tư Gừng. Mấy tháng liền, y bám Tư Gừng riết. Cô đi chợ, Được đi theo. Tư Gừng ở nhà, y rình ngoài quán. Không biết tay an ninh xã “dê” hay nghi ngờ cô?

Tên Được làm vậy, Tư Gừng khó tiếp xúc cơ sở mật nên nhắn ông Mười Quăn, bí thư xã, nhờ giải quyết. Ông Mười Quăn hỏi Tư Suông tính sao? Anh Tư Suông nói diệt nó xong, cho Tư Gừng thoát ly.

Tổ du kích mật diệt tên Được lúc chiều, tối Tư Suông đưa Tư Gừng ra cứ. Ở cứ xã ủy, Tư Gừng nhẹ nhõm: “Thà đối mặt với tụi nó, sống chết gì cũng được, chớ bị thằng an ninh kè kè, tức muốn chết!”.

“Bắn sẻ” cũng dư tiêu chuẩn

Một sáng sớm, anh Tư Suông nai nịt gọn gàng, kêu Tư Gừng cầm súng theo. Tư Suông, Tư Gừng và tổ du kích ra ém ở Lộ 2. Lát sau, một chiếc GMC của địch chở gạo, quân trang trờ tới.

Tư Gừng chặn đầu xe bằng phát đạn chỉ thiên. Xe dừng, tên lính tài xế tung cửa chạy. Tên lính Mỹ lớn con ngồi cạnh chịu trận, giơ tay hàng. “Em giải thằng Mỹ vô cứ. Anh lo cái xe” - Tư Suông nói, vừa trói tay tù binh Mỹ quặt ra sau. Tư Gừng chĩa mũi súng vô lưng tên Mỹ, quát “Đi mày!”.

Tư Gừng nghĩ tên lính Mỹ này là cố vấn do thấy không có súng, giải hắn vô cứ giao cho chú Mười Quăn là xong. Nghĩ sẽ được khen, ai dè Tư Gừng bị ông Mười Quăn trách vì không bịt mắt tù binh, làm lộ căn cứ.

Sau đó, Mỹ mở trận càn Crimp trên đất Củ Chi. 12.000 lính Mỹ chia nhiều mũi tiến vào căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định tại Phú Mỹ Hưng. Lúc đó, Tư Gừng và 2 “thiện xạ” của Trung Lập Hạ được cử qua hợp sức với du kích Phú Mỹ Hưng chống càn.

Tại ngã ba Cây Gõ - Lộ 15, 9 tay súng là du kích Trung Lập Hạ, Phú Mỹ Hưng chỉ có 1 Carbine, 5 súng Mac cùng cơ số đạn không nhiều. Chín người chia ra 2 tổ chiến đấu, 1 tổ tiếp đạn từ dưới địa đạo. Bên ngoài, hàng chục trái mìn, phần lớn là tự tạo, rải ra đón địch.

Sáng 10-1-1966, một tiểu đoàn bộ binh Mỹ và 37 xe tăng, xe bọc thép tiến vào An Phú, Phú Mỹ Hưng. Chiếc xe tăng dẫn đầu dính mìn khựng lại, chiếc M 113 cán mìn đứt xích. Lính Mỹ dàn hàng ngang tràn ngập cánh đồng mùa khô. Du kích ngoi lên miệng hầm ngắm bắn từng tên địch. Tư Gừng diệt 2 lính Mỹ bằng khẩu Carbine trong tầm bắn chưa tới 200 m.

Lúc đó, máy bay, pháo binh địch bất lực vì 2 bên áp sát nhau. Đến chiều, lính Mỹ lui ra. Anh em nghĩ pháo địch sẽ bắn nát trận địa nên rút xuống các nhánh địa đạo gần đó. Đúng vậy, pháo địch bắn suốt đêm. Mặt đất rung lên, mọi người chịu trận, nhịn đói đến sáng.

Sáng sớm, lính Mỹ tràn vào. Du kích Cây Gõ bám các ụ mối, hầm, hào bằng những phát súng “bắn chim sẻ”, mỗi phát diệt 1 lính Mỹ. Xe tăng hạng nặng M 41 lên ủi phá hầm, làm sụp nhiều đoạn địa đạo nhưng cũng có mấy chiếc lọt vô bãi mìn bốc cháy. Chiều, lính Mỹ rút ra. Tối, từ địa đạo, du kích trồi lên phản công rồi khuya mò lên lượm súng. Có súng đạn Mỹ, du kích đánh càng hăng.

Sau 7 ngày, lính Mỹ rút lui. Mọi người báo công: 107 lính Mỹ chết và bị thương. Xe tăng bị phá hư vài chục chiếc, lính Mỹ kéo đi rồi! Kết thúc chống càn, Trần Thị Gừng và nhiều tay súng của Củ Chi đạt danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”.

Sau trận thua tan tác, Sư đoàn 25 bộ binh Mỹ lập căn cứ Đồng Dù sát thị trấn Củ Chi. Đối lại, quân khu chỉ đạo lập “vành đai diệt Mỹ” trải dài 5 xã của huyện Củ Chi. Lúc đó, tiêu chuẩn “Dũng sĩ diệt Mỹ” là diệt 3 tên đạt danh hiệu cấp 1, 5 tên được cấp 2. Vì thế, có chuyện người này dư tiêu chuẩn cho người khác… “mượn”.

Riêng Tư Gừng, dù “bắn sẻ” từng phát một cũng dư tiêu chuẩn “Dũng sĩ diệt Mỹ”.

Chuyển sang ngành công an

Tháng 2-1966, Trần Thị Gừng được cử đi dự Đại hội Anh hùng Chiến sĩ Thi đua toàn quân khu. Sau đại hội, Tư Gừng được bà Nguyễn Thị Định, lúc này là Phó Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam, giữ lại. Vài ngày sau, Tư Gừng về R công tác.

Tư Gừng lập gia đình năm 1970. Chồng chị công tác tại Phòng Dân quân Quân khu Sài Gòn - Gia Định. Sau năm 1975, vợ chồng chị công tác trong ngành công an, có nhà sau chợ Văn Thánh, quận Bình Thạnh, TP HCM. Nay anh chị đã nghỉ hưu, các con đều trưởng thành.

Kỳ tới: Tám Thế vũ trang, Hai Thành chính trị

Người lao động

© 2021 FAP
  3,224,620       1/866