Công nghệ thông tin

Rùa biển liên tục xuất hiện ở Thừa Thiên - Huế

Chỉ trong 1 năm, hàng loạt rùa biển được phát hiện ở vùng đầm phá của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đây được xem là hiện tượng rất lạ

Ngày 19-12, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Chân Mây đóng ở huyện Phú Lộc thả trở lại môi trường tự nhiên con rùa biển quý hiếm do ngư dân Hồ Đức Lâm (26 tuổi; ngụ xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc) bắt được ở vùng biển gần cảng Chân Mây trong lúc đánh cá.

Theo ghi nhận, con rùa biển này dài khoảng 90 cm, nặng 50-55 kg. Phía trên mai và mái chèo có thiết bị định vị vệ tinh và thẻ gắn mã của một tổ chức phi chính phủ ở nước ngoài.

Con rùa biển ở xã Lộc Vĩnh được thả về biển

Con rùa biển ở xã Lộc Vĩnh được thả về biển

Theo ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế, đây là con rùa biển thứ 9 được phát hiện tại các vùng biển bãi ngang trong vòng một năm trở lại đây. Trong số này có 8 con được cứu hộ thành công, thả về biển.

Đặc biệt, thời điểm rùa biển được phát hiện nhiều nhất ở Thừa Thiên - Huế là vào tháng 3, tháng 4 với 5 con lạc vào vùng phá Tam Giang - Cầu Hai.

Ông Bình khẳng định rùa biển này chính là con vích, thuộc loài động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng tại Việt Nam, mức độ nguy cấp bậc EN - cấm đánh bắt bất cứ hình thức nào.

Theo nghiên cứu, phải gần 30-40 năm thì một con rùa biển mới trưởng thành và tham gia quá trình sinh sản. Những con rùa đực đã nở sẽ không bao giờ quay trở lại bờ biển, còn những con rùa cái sau khi giao phối sẽ quay về chính nơi được sinh ra để đẻ trứng. Mùa đẻ trứng của rùa biển từ tháng 2 đến tháng 6 âm lịch. Chúng thường chọn các bãi cát có ít tiếng ồn và ánh sáng vào ban đêm để sinh sản.

“Trước đây, vài năm chúng tôi mới phát hiện được một con rùa biển. Hiện tượng rùa biển liên tục lạc vào đầm phá Thừa Thiên - Huế trong thời gian qua là rất lạ, cần phải nghiên cứu để tìm nguyên nhân” - ông Bình nói. Tuy nhiên, ông Bình cho biết Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ biết cứu hộ và vận động ngư dân thả rùa về biển mà không thể nghiên cứu vì không đủ chuyên môn.

“Chúng tôi đã đề nghị một số trường đại học nghiên cứu để đưa ra kết luận. Trước mắt, chúng tôi đã có văn bản gửi các địa phương tổ chức tuyên truyền về ứng xử đối với rùa biển và khen thưởng cá nhân, hộ gia đình chấp hành tốt chủ trương, pháp luật về quản lý rùa biển” - ông Bình nói.

Người lao động

Thừa Thiên - Huế, động vật quý hiếm, nguồn lợi thủy sản, môi trường tự nhiên, tổ chức phi chính phủ, Đồn biên phòng, thiết bị định vị, cứu hộ thành cô


© 2021 FAP
  3,222,007       5/862