Công nghệ thông tin

Bất chấp để làm thủy điện

Biết địa chất yếu, chủ đầu tư vẫn cố xây thủy điện. Các cơ quan vẫn tham mưu để UBND tỉnh Lâm Đồng chấp thuận cho chủ đầu tư thay đổi thiết kế

Ngày 23-12, ông Đoàn Văn Việt - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng - cho biết tỉnh này đã phải ứng toàn bộ chi phí cho công tác cứu hộ 12 nạn nhân trong vụ sập đường hầm thủy điện Đạ Dâng vừa qua. “Sắp tới phải ngồi lại rà soát, cái nào tỉnh chi phí; cái nào chủ đầu tư, đơn vị thi công chi phí, chứ tỉnh không thể chi ngân sách toàn bộ cho việc cứu hộ này” - ông Việt khẳng định và cho hay hiện tỉnh Lâm Đồng chưa tính toán được tổng chi phí cho việc cứu hộ, cứu nạn vụ sập hầm thủy điện là bao nhiêu.

Tai nạn thấy trước

Ông Võ Nhật Thăng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng điện Long Hội (chủ đầu tư dự án thủy điện Đạ Dâng), cho biết trong quá trình thực hiện dự án đã biết địa chất vùng này cực kỳ yếu.

“Cả nước không ở đâu địa chất yếu như ở đây. Trên là đất màu, dưới cũng đất màu, vẫn mềm như thế. Rất đen đủi vào làm đúng cái hầm này” - ông Thăng than thở và nói chính vì địa chất yếu nên đã phải thay đổi thiết kế đường hầm dẫn nước của Viện Thiết kế thủy lợi - thủy điện Nam Ninh (Trung Quốc) từ hơn 2 km ban đầu xuống còn 700 m, còn lại là kênh dẫn nước.

Vị trí hầm thủy điện Đạ Dâng bị sập, suýt chôn sống 12 công nhân Ảnh: Kỳ Nam
Vị trí hầm thủy điện Đạ Dâng bị sập, suýt chôn sống 12 công nhân Ảnh: Kỳ Nam

Thế nhưng, để thi công đường hầm thủy điện 700 m này, theo ông Thăng, nhiều nhà thầu tên tuổi như Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô hay Vinaconex đều chào thua. Ông Thăng thừa nhận trong đường hầm từng xảy ra sự cố sạt lở nhưng nhà đầu tư vẫn không từ bỏ thủy điện mà tiếp tục mời gọi nhà thầu khác và vẫn để các đơn vị mới vào thi công trong điều kiện mất an toàn.

Lý giải về việc sập hầm, ông Thăng cho rằng trong quá trình thi công phải di chuyển máy móc, bê-tông nên có rung động, trong khi trước đó mưa nhiều. Nước mưa chảy thẳng xuống cốp-pha bằng gỗ trước đây hơn 10 tháng đã bị mục. Cốp-pha gãy chứ không phải vòm sắt.

Ông Dương Minh Nghĩa, Trưởng Phòng Giám định 2 (Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng - Bộ Xây dựng), cho rằng về nguyên tắc, khi đào hầm phải bắt buộc gia cố để bảo đảm an toàn. Nếu ở chỗ có địa chất tốt thì gia cố loại 1 (tức khoan neo), làm khung sắt, treo lưới thép, phun vỉ vữa bằng bê-tông để chống sạt lở, đất đá rơi xuống trong quá trình thi công. Chỗ địa chất yếu, qua đứt gãy hoặc qua chỗ nứt nẻ thì phải gia cố loại 2, kỹ hơn, dùng khung thép chữ Y loại lớn, vỉ thép dày từ 0,75-1 m để chống đỡ rồi phun bê-tông. Tuy nhiên, trong đoạn hầm dài 400 m từ cửa hầm vào đến nơi hầm sập ở Đạ Dâng có đoạn không thấy gia cố gì. Vậy là chưa cẩn trọng. Về nguyên tắc an toàn là không được, không bảo đảm cho người lao động.

Chúng tôi không biết?

Địa chất yếu, không an toàn nhưng vì sao vẫn chấp thuận cho chủ đầu tư thay đổi thiết kế từ hầm dẫn nước sang hầm - kênh dẫn nước? Ông Nguyễn Hữu Tâm, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, cho rằng đấy là ý kiến của chủ đầu tư.

“Họ nói họ biết địa chất yếu chứ chúng tôi không biết. Chả nhẽ nền đất yếu người ta không làm à. Chủ đầu tư phải thuê một đơn vị tư vấn có đủ khả năng để thiết kế, lực lượng chuyên môn làm sao để thi công an toàn chứ. Chưa gì mà cứ nói yếu” - ông Tâm nói và cho biết về lần sạt lở trước ở thủy điện này ông cũng chỉ mới nghe chủ đầu tư nói.

“Bây giờ, các cơ quan chuyên môn do Bộ Xây dựng chủ trì cùng với Bộ Công Thương, UBND tỉnh Lâm Đồng thành lập đoàn liên ngành để kiểm tra. Với 3 mũi chỉ huy như thế làm rõ mới ra ngô, ra khoai được” - ông Tâm nhìn nhận.

Điều lạ là chủ đầu tư thừa nhận việc thay đổi thiết kế là do nền đất yếu trong khi trước đó, ngày 23-12-2013, trong công văn của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc thi công kênh dẫn nước hoàn toàn không đề cập gì đến vấn đề này mà chỉ nêu lý do là “để rút ngắn tiến độ hoàn thành dự án”.

Trong báo cáo đánh giá tác động môi trường (TĐMT) bổ sung khi thay đổi thiết kế cũng hoàn toàn không đề cập gì đến yếu tố địa chất yếu.

Trong văn bản giải trình TĐMT bổ sung, chủ đầu tư thừa nhận việc thay đổi thiết kế sẽ tác động đến diện tích thu hồi đất, diện tích rừng, tác động đến môi trường đất, mặt nước, mạch nước ngầm, sinh thái và không khí xung quanh. Cụ thể, đất rừng sẽ bị mất thêm gần 3,6 ha thuộc rừng phòng hộ xung yếu, nguồn nước sẽ bị ô nhiễm, khả năng xói mòn, rửa trôi đất sẽ tăng cao.

Trong văn bản tham mưu của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Lâm Đồng gửi UBND tỉnh này được ông Lương Văn Ngự, phó giám đốc sở, ký ngày 24-1-2014 cũng nêu rõ những ảnh hưởng xấu khi thay đổi thiết kế. “Tác động lớn nhất là đến diện tích thu hồi đất, diện tích rừng, kéo theo tác động đến tài nguyên thực vật và động vật ở khu vực” - ông Ngự viết.

Thế nhưng không hiểu sao Sở TN-MT vẫn đề nghị cho bổ sung báo cáo TĐMT khi thay đổi thiết kế và UBND tỉnh Lâm Đồng đã chấp thuận.

Người lao động

© 2021 FAP
  3,220,447       6/960