Công nghệ thông tin

Út Thành - Tiểu đoàn trưởng Quyết Thắng 1

Dũng cảm trong chiến đấu, kiên cường trong bom đạn, lập nhiều chiến công, ngày 17-9-1967, quân và dân Củ Chi đã được Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu “Đất thép thành đồng”, trong đó có công lớn của Tiểu đoàn 1 Quyết Thắng

Mai Công Tựu (Út Thành) sinh năm 1936 tại ấp Chùa (xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP HCM ngày nay) trong gia đình có truyền thống cách mạng. Năm 1956, Út Thành thoát ly, ra căn cứ Rừng Làng (Củ Chi).

Đánh tan nát Tiểu đoàn 38 Cọp đen

Giữa năm 1959, để bảo vệ vùng giải phóng, hỗ trợ phong trào đấu tranh của nhân dân, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định lập đội vũ trang 13 gồm 13 người, trong đó có Út Thành. Sau khi bổ sung một trung đội từ “Miền”, một trung đội từ Nhà Bè, đội 13 lên cấp đại đội, phiên hiệu C13 và Út Thành được giao làm trung đội trưởng.

Trận đầu tiên tháng 8-1961, C13 phối hợp với đại đội 80 “Miền” đánh đồn Trung Hòa (Củ Chi) giành thắng lợi lớn. C13 ngày càng lớn mạnh, đổi tên thành K17 rồi trở thành Tiểu đoàn Quyết Thắng vào đầu năm 1965.

Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 Quyết Thắng Mai Công Tựu (Út Thành)
Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 Quyết Thắng Mai Công Tựu (Út Thành)

Tháng 5-1967, sau khi đánh thiệt hại Tiểu đoàn 38 Cọp đen tại Suối Sâu (huyện Trảng Bàng, tỉnh Hậu Nghĩa bấy giờ), Tiểu đoàn Quyết Thắng rút về Trung Hưng (Củ Chi). Vài hôm sau, có tin Tiểu đoàn 38 Cọp đen thách đấu với Quyết Thắng, địa điểm giao chiến là ấp chiến lược Suối Cụt, ngã tư Tỉnh lộ 7- Quốc lộ 22.

“Mới bị đánh bể gáo mà còn thách đấu, mình không nhận lời nó sẽ lấn tới” - anh Tư Nhựt, Tiểu đoàn trưởng Quyết Thắng, nhận định. Sau đó, anh Tư Nhựt nhờ dân gửi thư cho tỉnh trưởng Hậu Nghĩa, nhận lời thách đấu của Tiểu đoàn 38 Cọp đen. Đêm đó, trinh sát Tiểu đoàn Quyết Thắng vô ấp chiến lược điều nghiên tình hình địch. Sau đó, các đại đội nghiên cứu qua sa bàn, bày kế đánh địch. Lúc này, Út Thành làm chính trị viên đại đội 2, giao một mũi xung kích lòn sâu, đánh mạnh, nhanh chóng chiếm sở chỉ huy địch nhằm hạn chế thương vong.

Đêm 23-6-1967, tổ xung kích đột nhập nơi địch đóng quân, nổ súng đánh trước. Ngay sau đó, các đại đội tiến công từ 3 phía. Với lối đánh “nở hoa trong lòng địch”, sau một giờ giao tranh, Tiểu đoàn Quyết Thắng chiếm trụ sở chỉ huy của địch. Tổ xung kích treo cờ thị uy. Ngay sau đó, đại đội 1 đánh “tróc vỏ” phòng ngự bên ngoài của địch rồi làm chủ trận địa.

Dũng cảm trong chiến đấu, kiên cường trong bom đạn, lập nhiều chiến công, ngày 17-9-1967, quân và dân Củ Chi được Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu “Đất thép thành đồng”. Từ đó, Quyết Thắng là tiểu đoàn thép của đất thép Củ Chi.

Phá ấp chiến lược, đưa dân về làng cũ

Đầu năm 1972, Tiểu đoàn Quyết Thắng được tổ chức lại. Anh Út Thành được phân công làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 Quyết Thắng, anh Phạm Tấn Thành (Hai Thành) phụ trách chính trị Phân khu 1 về làm chính trị viên. Phân khu thành lập Tiểu đoàn 2 Quyết Thắng do anh Ba Phong làm tiểu đoàn trưởng, anh Út Sương chính trị viên.

Trong Chiến dịch Nguyễn Huệ, Huyện ủy Củ Chi chọn khu căn cứ Trung Hòa làm trọng điểm. Tiểu đoàn trưởng Út Thành cử trinh sát đột nhập Trung Hòa nắm tình hình địch. Kế hoạch đánh Trung Hòa gồm lực lượng chính là Tiểu đoàn 1 Quyết Thắng, đại đội 7 Củ Chi (C7) cùng du kích các xã Trung Lập Hạ, Trung Lập Thượng, Nhuận Đức, Phước Hiệp, An Nhơn Tây, An Nhơn Đông, Phú Mỹ Hưng…

Khu căn cứ Trung Hòa gồm ấp chiến lược có trên 7.000 dân bị gom về, một đại đội bảo an, các đại đội biệt kích và thám báo, một cụm pháo 105 li, cối 81 li, nhà làng có cảnh sát, dân vệ. Tại đây, trường huấn luyện biệt động quân của địch thường xuyên có 1 tiểu đoàn.

Phân khu chủ trương “Đánh Trung Hòa, phá ấp chiến lược, đưa dân về làng cũ”. Kế hoạch đã thống nhất với Huyện đội Củ Chi.

18 giờ ngày 24-4-1972, một tiểu đoàn bảo an từ Hậu Nghĩa tăng cường cho Trung Hòa làm anh em lo kế hoạch của mình bị lộ. Trước tình thế này, Tiểu đoàn trưởng Út Thành vẫn quyết tâm đánh. Đúng 19 giờ 30 phút, đại đội 2 nổ súng. Du kích các xã An Nhơn Tây, An Nhơn Đông, Nhuận Đức, Trung Lập Hạ và trung đội công an do ông Bảy Ga chỉ huy đồng loạt đánh khống chế đồn số 1 của địch. Đại đội 3, đại đội 4 đánh thẳng vào khu căn cứ. C7 Củ Chi cùng du kích Trung Lập Thượng, An Phú, Phú Mỹ Hưng đánh đồn bảo an và ấp chiến lược Trung Hòa.

Đánh từ nhiều phía, quân ta bám trận địa, bao vây tiêu diệt từng bộ phận địch. Trong khi đó, mấy đại đội bảo an từ Hậu Nghĩa tăng cường và dân vệ, thám báo địch chống trả yếu ớt, co lại trong khu căn cứ. Bên kia Tỉnh lộ 7, tiểu đoàn huấn luyện Con Cọp không dám ứng cứu.

Khu căn cứ Trung Hòa bị uy hiếp, địch phải huy động pháo, máy bay đánh vào đội hình Tiểu đoàn 1 Quyết Thắng. Từ Hậu Nghĩa, Tiểu đoàn bảo an 329 và một tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 50, Sư đoàn 25 của địch theo Tỉnh lộ 7 tiến vô Trung Hòa.

Thấy đại đội 1 và du kích Phước Hiệp ngăn chặn địch không xiết, Út Thành cho điều 2 khẩu 12,8 li ra Tỉnh lộ 7, hạ nòng bắn thẳng. Trong lần đọ súng này, tiểu đoàn bộ binh thuộc Trung đoàn 50 của địch bị thiệt hại nặng nề.

Đến khuya 25-4-1972, Tiểu đoàn1 Quyết Thắng được lệnh rời trận địa. Du kích các xã yểm trợ đồng bào phá ấp chiến lược, trở về làng cũ.

Hy sinh khi nhường chỗ cho đồng đội

Ngày 25 tháng chạp (17-1-1974), Tiểu đoàn 1 Quyết Thắng tổ chức ăn Tết và mừng công trận đánh sập bót An Nhơn Tây. Chiều 19-1, đại đội 3 Củ Chi (C3) ở Trảng Xếp tổ chức liên hoan. Trinh sát báo tình hình yên. Út Thành và vài cán bộ tiểu đoàn họp mặt với C3 trong gian hầm lớn. Một số người dân trong vùng giải phóng đến chung vui cùng bộ đội. 17 giờ 30 phút, pháo từ Trung Hòa bất ngờ bắn vô Trảng Xếp. Ngay sau đó, pháo từ Đồng Dù, Đồng Chùa, Chà Rầy bắn rải ngoài Tỉnh lộ 7. Nghe tiếng pháo, Út Thành vọt lên kêu mọi người nhanh chóng xuống hầm. Thấy đồng đội lao đến, Út Thành liền nép mình cho chiến sĩ này xuống hầm. Ngay lúc đó, một trái pháo rơi đánh sập hầm, Út Thành hy sinh tại chỗ.

Hai Thành lặng người nhìn thi thể Tiểu đoàn trưởng Út Thành bê bết máu và đất. Đây là lần thứ hai, Hai Thành chứng kiến sự hy sinh của đồng đội thân thiết. Lần trước với Tám Thế, lần này là với Út Thành. Cả hai đều chỉ huy đánh giặc giỏi bằng tinh thần thép.

Kỳ tới: Kiên cường như Kiều Văn Niết

Người lao động

© 2021 FAP
  3,220,729       7/951