Công nghệ thông tin

Lễ hội thiêng của người Khmer (*): Kỳ công nuôi bò đua

Để có được đôi bò “chiến” tham gia các cuộc đua, chủ bò và người điều khiển phải rất kỳ công trong chăm sóc và huấn luyện

Các bậc lão làng kể lại rằng do trùng với thời điểm xuống giống nên vào dịp lễ hội Sene Dolta, bà con dân tộc Khmer ở vùng Bảy Núi (thuộc 2 huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, tỉnh An Giang) thi nhau mang bò đến “bừa công quả” cho thửa ruộng của ngôi chùa trong phum sóc mình. Những đôi bò khỏe mạnh, bừa hay và nhanh nhất sẽ được các sãi cả thưởng dây cà tha cùng với những chiếc lục lạc để đeo vào cổ.

Thú vui của nông dân

Qua thời gian, đua bò trên ruộng ngày càng lan rộng giữa các phum sóc. Sau đó, hình thức thi đấu được chuyển sang trên đường đất, lộ cát có kéo theo cây bừa gọi là “đua bò bừa”. Những năm gần đây, đua bò lại quay về trên mặt ruộng. Theo đó, thể thức và điều lệ đua cũng được sửa đổi, bổ sung ngày càng chặt chẽ.

Một đôi bò đang lao về đích
Một đôi bò đang lao về đích

Sân đua hiện nay hình chữ nhật, dài 160 m, rộng 60 m, xung quanh có bờ mẫu cao 1 m. Bốn góc sân đua cong tròn để “vận động viên” dễ bám đường. Đường đua rộng 8 m và phải có nước xăm xắp để đôi bò dễ kéo chiếc bừa.

“Kiện tướng” Năm Tượng cùng đôi bò từng mang về cho ông chiếc cúp vô địch
“Kiện tướng” Năm Tượng cùng đôi bò từng mang về cho ông chiếc cúp vô địch

Theo điều lệ, người tham gia cuộc chơi phải qua 2 vòng hô và 1 vòng thả (hiện chỉ còn 1 vòng hô và 1 vòng thả). Người điều khiển vừa cầm dây vàm để kìm cương, vừa cầm roi có đầu nhọn như đinh (cây xà-luôl) để thúc vào mông bò. Trong lúc đua, người điều khiển lỡ rớt chân hoặc té xuống đất sẽ bị loại ngay. Mặt khác, nếu cặp bò dở chứng phóng ra khỏi đường biên, dân đua gọi là “tạt”, cũng bị xử thua.

Ngoài ra, luật chơi còn quy định nhiều điều khá lý thú. Chẳng hạn ở 2 vòng hô, lúc khởi động, người điều khiển cho bò chạy chậm để 2 bên thăm dò nhau, sau đó dồn hết sức cho vòng đua nước rút, tức vòng thả. Đoạn quyết định thắng bại chỉ ở trong khoảng 80-100 m cuối. Nếu ở vòng hô, đôi bò chạy sau giẫm chân lên bừa của đôi bò trước là coi như thua cuộc, chờ năm sau thi đấu lại. Trái lại, vào vòng thả, ở đoạn luật cho phép, nếu đôi bò sau phóng nhanh đạp lên bừa đôi bò trước hoặc vượt qua là thắng cuộc, dù chưa tới đích. Ngoài ra, trong quá trình thi đấu, nếu đôi bò nào bị trục trặc kỹ thuật như gãy bừa, sứt nêm, gãy đầm cũng bị loại.

Nhận thấy đua bò có ý nghĩa văn hóa - thể thao đậm sắc thái địa phương, từ năm 1992, tỉnh An Giang đã tổ chức hoạt động này thành “Lễ hội đua bò truyền thống Bảy Núi”, tổ chức hằng năm tại 2 huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên.

Phải mê và hiểu bò

Ông Nguyễn Văn Tấn (ngụ ấp Tà Lọt, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên), được ca ngợi là “người hùng” đua bò Bảy Núi, cho biết: “Tôi mê đua bò từ trước năm 1975, lúc vừa tròn 20 tuổi. Từ đó đến nay, năm nào tôi cũng có mặt trên trường đua. Từ khi đua bò Bảy Núi được nâng lên thành lễ hội, tôi càng ra sức học hỏi và tuyển chọn những con bò độc đáo để luyện tập. Nhờ vậy, cha con tôi đã nhiều lần giành giải cao nhất”.

Theo ông Tấn, muốn thắng lợi, các chủ bò phải có tài thao luyện và sở hữu nhiều đôi bò “chiến” được tuyển chọn từ nhiều đàn khác nhau để ghép đôi, sao cho đồng cân đồng sức. Ông Tấn cho biết bò vốn hiền lành, biết vâng lời chủ. Nếu hiểu được tính nết của bò, ai cũng có thể dạy bảo chúng trở thành con vật có ích. Chính vì vậy, mỗi lần cho bò ăn, ông đều bày tỏ sự thân thiện với chúng như vỗ nhẹ vào lưng, sờ vào đầu và miệng luôn thì thầm để tạo sự gần gũi.

“Bò chiến thường có xoáy ở giữa lưng, xoáy ót nằm giữa 2 sừng. Bò muốn chạy nhanh thì 4 chân phải rắn chắc, móng đều đặn. Ngoài ra, lông phải thật nhuyễn, bám sát da và không thấm nước. Thông thường, bò 6 tuổi là có thể cho ra trường đua nhưng sung mãn nhất phải từ 8-10 tuổi. Tuy nhiên, quá trình chăm sóc và thuần dưỡng bò mới là yếu tố quyết định. Bò không được tập luyện thường xuyên, thể lực yếu sẽ dễ bị thua trong vòng thả” - ông Tấn đúc kết.

Theo lão “kiện tướng” đua bò Trần Văn Tượng (Năm Tượng, 72 tuổi, ngụ xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên), nếu như không say mê, thiếu kinh nghiệm trong chăm sóc và thi đấu thì chủ bò khó giành chiến thắng. Trước tiên, phải chọn được đôi bò khỏe mạnh, dễ dạy và đặc biệt là trung thành với chủ. Sự khỏe mạnh, trung thành của bò thường biểu hiện qua ngoại hình như xoáy tích, ngực nở, bụng thon, gân to, thịt săn chắc, mặt dài, thẳng và đều đặn. Ngoài ra, nhiều người còn chọn những con có cặp sừng cong đều, mắt sáng và xéo, không biểu lộ nhút nhát… “Muốn có đôi bò hay không dễ chút nào, có khi phải bỏ ra 50-70 triệu đồng mà vẫn chưa tìm được cặp ưng ý” - ông Năm Tượng khẳng định.

Theo nhiều chủ bò, nuôi bò đua rất cực. Trước khi bò thi đấu một tháng, phải đưa chúng ra đồng tập luyện 2 ngày/lần, bất kể mưa hay nắng. Có người cho bò tập luyện trước 2 tháng. Tùy theo điều kiện và kinh nghiệm, có người cho bò ăn cỏ ngon, tối ngủ mùng tránh muỗi, mỗi ngày uống nước dừa tươi với hột gà và tắm 2-3 lần. Có người còn cho bò uống bia pha hột gà, ăn cháo đậu xanh nấu với lúa và gạo. Cũng có người tiết kiệm, cho bò ăn cháo loãng hoặc cho uống nước pha cám.

Phần thưởng xứng đáng

Trước đây, hình thức đua bò rất đơn giản, ít tốn kém do bà con tự tổ chức vào những ngày mùa để cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Sau cuộc thi, dân làng chọn ra những con bò dẻo dai, khỏe mạnh để phục vụ sản xuất.

Ngày nay, các chủ bò vô địch nhận được phần thưởng gồm chiếc cúp cùng 10 triệu đồng, xe máy và nhiều hiện vật giá trị khác từ các nhà tài trợ. Người điều khiển đôi bò vô địch nhận được giải “Người điều khiển bò xuất sắc” cùng 1 triệu đồng. Đôi bò thắng cuộc sẽ được nhiều người săn lùng và mua với giá rất cao, có khi đến cả trăm triệu đồng.

Người lao động

© 2021 FAP
  3,212,570       1/1,191