Công nghệ thông tin

Bệnh nhân vượt tuyến ngơ ngác

Trong ngày đầu thực hiện quy định mới của Luật Bảo hiểm y tế, nhiều bệnh nhân trái tuyến rất bất ngờ và lo lắng khi không còn được chi trả 30% phí khám chữa bệnh

Tại Khoa Khám bệnh Bệnh viện (BV) Bạch Mai (Hà Nội), các màn hình điện tử đặt ở khu vực mua phiếu khám bệnh liên tục chạy thông tin về các điểm mới của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi. Tuy vậy, nhiều bệnh nhân vẫn xuất trình thẻ BHYT và CMND để được trừ 30% phí khám chữa bệnh như mọi lần.

Cắt hết rồi!

Bà Phạm Thị Biết (65 tuổi, ở huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) tỏ ra ngạc nhiên khi nhân viên hành chính của BV Bạch Mai không nhận thẻ BHYT của bà. Sau khi được giải thích về quy định mới, bà Biết đành ngậm ngùi chấp nhận. Mắc bệnh cao huyết áp, đái tháo đường gần 4 năm nay, bà Biết vượt tuyến đến thẳng BV Bạch Mai khám.

“Nơi khám chữa bệnh ban đầu của tôi cũng tại một BV ở Hà Nội nhưng sau một thời gian điều trị, bệnh tình không đỡ, dùng thuốc bị phù nề rất mệt nên tôi đành vượt tuyến. Trước đây, mỗi lần khám và mua thuốc, tôi được giảm 100.000-200.000 đồng. Không biết nếu tôi về tuyến dưới để xin chuyển tuyến thì có được hay không?” - bà Biết băn khoăn.

Bệnh nhân vượt tuyến vẫn xuất trình thẻ BHYT và CMND khi đến khám bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai Ảnh: NGỌC DUNG
Bệnh nhân vượt tuyến vẫn xuất trình thẻ BHYT và CMND khi đến khám bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai Ảnh: NGỌC DUNG

Trong khi đó, bệnh nhân Phạm Thị Lan (52 tuổi, ở Hải Dương) tỏ ra bức xúc: “Người ta không cho quyền lợi gì, cắt hết rồi. Mọi khi đi khám viêm gan hết 1 triệu đồng/lần, tôi được thanh toán 300.000-500.000 đồng, giờ không còn gì cả”.

Nhiều bệnh nhân cũng lo lắng khi có 4 loại thuốc điều trị ung thư (Doxorubicin, Erlotinib, Gefitinib, Sorafenib) bị giảm mức thanh toán từ 100% xuống 50%. Đưa cha làm thủ tục nhập viện điều trị ung thư phổi tại BV K (Hà Nội), chị Vũ Thanh Trà (quê Nam Định) bày tỏ: “Tôi nghe nói các thuốc bị cắt giảm đều là loại tốt, rất đắt tiền. Nếu trong liệu trình điều trị của cha tôi phải chi trả tới hàng chục triệu đồng mỗi tháng loại thuốc Gefitinib trị ung thư phổi thì gia đình thuộc hộ nghèo như chúng tôi biết lo liệu thế nào?”.

Tại TP HCM, trong những ngày đầu áp dụng Luật BHYT sửa đổi (có hiệu lực từ ngày 1-1), khá nhiều bệnh nhân BHYT đi khám bệnh ngoại trú cho rằng quy định mới này gây khó khăn cho họ. Chợ Rẫy là BV tuyến cuối của cả phía Nam và là một trong những “điểm nóng” quá tải bệnh nhân. Trung bình mỗi ngày, BV tiếp nhận 4.000-4.500 bệnh nhân đến khám, chưa kể số điều trị nội trú khoảng 2.500 người.

Theo ThS Nguyễn Nhật Hải, Trưởng Phòng Tài chính-Kế toán BV Chợ Rẫy, ngày đầu tiên áp dụng chính sách trên, hoạt động khám chữa bệnh vẫn bình thường. Tuy nhiên, tại BV ĐH Y Dược TP HCM, vào ngày đầu tuần nên bệnh nhân đến khám khá đông.

Trung bình mỗi ngày, BV ĐH Y Dược TP HCM tiếp nhận khoảng 5.000 bệnh nhân, phần lớn vượt tuyến từ các tỉnh miền Tây, Đông Nam Bộ và miền Trung. Để đáp ứng nhu cầu, BV phải tổ chức tiếp nhận bệnh nhân làm thủ tục từ 4 giờ. Theo lãnh đạo BV, phải đợi một thời gian mới thống kê được số bệnh nhân BHYT đi khám ngoại trú vượt tuyến có giảm hay không.

“Hắt hơi sổ mũi”: Đừng lên bệnh viện tuyến trung ương

Theo ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc BV Bạch Mai, dù Luật BHYT chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1 nhưng do rơi vào kỳ nghỉ lễ nên đến sáng 5-1, những quy định mới mới được triển khai. Thông thường, số bệnh nhân khám vượt tuyến có thẻ BHYT chiếm khoảng 30%-40% tổng số người đến khám tại BV.

Ông Hiền cho rằng dù bãi bỏ quy định chi trả 30%-50% đối với bệnh nhân khám vượt tuyến tỉnh và trung ương nhưng người bệnh điều trị nội trú sẽ được thanh toán ở mức 40% chi phí (tuyến trung ương) và 60% (tuyến tỉnh). Đây là những đối tượng thực sự cần sự hỗ trợ của Quỹ BHYT bởi có những loại bệnh chi phí điều trị nội trú rất lớn. Tại BV Bạch Mai, số người có thẻ BHYT vượt tuyến điều trị nội trú thường chiếm khoảng 30% tổng số bệnh nhân.

Trong khi đó, với bệnh nhân ngoại trú vượt tuyến khám bệnh, đồng nghĩa họ chấp nhận dùng tiền túi chi trả. Bác sĩ Đồng Văn Thành, Phó trưởng Khoa Khám bệnh BV Bạch Mai, dẫn chứng ngay sáng 5-1, nhiều bệnh nhân ở các tỉnh khác được kiểm soát huyết áp đã tự chi trả để tái khám đúng hẹn; trong khi nếu chờ đợi để xin giấy chuyển tuyến, họ sẽ được BHYT thanh toán 80%-100% chi phí.

“Hầu hết các loại bệnh thông thường, tuyến dưới có thể giải quyết được. Do vậy, không nhất thiết “hắt hơi sổ mũi” thì người bệnh cũng phải lên BV tuyến trung ương” - bác sĩ Thành khuyến cáo.

Lãnh đạo một số BV nhận định khi quyền lợi bệnh nhân điều trị nội trú được mở rộng, các BV sẽ siết chặt việc xin giấy chuyển tuyến. Nếu phát hiện bệnh nhân nhập viện sau đó mới về địa phương xin giấy chuyển tuyến để hợp thức hóa, BV sẽ gửi công văn về cơ quan bảo hiểm địa phương yêu cầu làm rõ.

Thêm 77 loại thuốc được chi trả ở tuyến dưới

Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, cho rằng với những bệnh nhân phát hiện bệnh sau ngày 1-1-2015, việc giảm chi trả đối với một số loại thuốc ung thư, xương khớp không phải là tước cơ hội điều trị của họ. Trong danh mục thuốc được BHYT chi trả, còn nhiều loại thay thế khác có chất lượng điều trị tốt, giá hợp lý.

Theo ông Phan Văn Toàn, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT - Bộ Y tế, bộ đã thêm 37  loại thuốc mới vào danh mục thuốc BHYT; bổ sung dạng dùng 22 loại thuốc và mở rộng tuyến sử dụng 77 loại thuốc. Nhiều loại thuốc trước đây ở tuyến huyện, xã không được sử dụng thì nay người bệnh có thể được chi trả ngay khi khám chữa bệnh ban đầu.

Người lao động

© 2021 FAP
  3,210,082       1/1,181