Công nghệ thông tin

Ở trung tâm, vui khỏe hơn nhiều

Bỏ qua quá khứ do hoàn cảnh đẩy đưa, từ khi được đưa về các cơ sở bảo trợ xã hội thì cuộc sống người lang thang, xin ăn đã khác. Người trẻ được học văn hóa, học nghề; còn người già được chăm sóc, nuôi dưỡng

“Vào, vào, vào rồi…!”. Tiếng la lớn của các em thiếu niên trong một trận bóng đá làm rộn rã góc sân của Trung tâm Giáo dục dạy nghề thiếu niên TP, quận Gò Vấp (gọi tắt là trung tâm) thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP HCM quản lý. Sát bên, các em nữ cũng nhộn nhịp không kém với môn cầu lông… Đây là không khí vui nhộn mà chúng tôi ghi nhận vào một buổi sáng chủ nhật tại trung tâm - ngôi nhà thứ hai của những mảnh đời trôi dạt từ khắp nơi về TP HCM mưu sinh, không nơi nương tựa.

Cuộc đời sang trang

“Khi mới chuyển đến, các em đều tỏ ra khó chịu với mọi người. Chúng tôi phải bắt đầu bằng việc trò chuyện để nắm bắt tâm lý. Rồi bằng sự dạy dỗ kiên trì và tình thương của thầy cô nên chỉ thời gian ngắn, các em đã chuyển hóa tốt, nghe lời thầy cô, chăm chỉ học văn hóa, học nghề” - cô Trần Thụy Bích Hồng, Phó Phòng quản lý học viên của trung tâm, cho biết.

Nhiều người già ở Trung tâm Chánh Phú Hòa được cán bộ chăm sóc nên cảm thấy vui vẻ, không phải lang thang dầm mưa dãi nắng xin ăn Ảnh: NHƯ PHÚ
Nhiều người già ở Trung tâm Chánh Phú Hòa được cán bộ chăm sóc nên cảm thấy vui vẻ, không phải lang thang dầm mưa dãi nắng xin ăn Ảnh: NHƯ PHÚ

Cô Hồng kể các em được đưa vào trung tâm đều có hoàn cảnh đáng thương, có tuổi thơ nhiều tì vết: gia đình bỏ rơi, không nơi nương tựa, lang thang, xin ăn, bị chăn dắt. Trong số đó, đáng chú ý là trường hợp của em Nguyễn Văn Toàn. 13 tuổi nhưng Toàn đã ở trung tâm gần 5 năm. Trong một lần Toàn ngồi xin ăn trên lề đường nên được đưa vào trung tâm. Sau đó, em được người nhà bảo lãnh hồi gia.

Một thời gian sau, cán bộ địa phương lại thấy em đi xin ăn, rồi lại đưa vào trung tâm. Cái vòng luẩn quẩn cứ thế diễn ra đến nay là lần thứ ba.

Toàn kể lại: “Em đang ở quê (Thanh Hóa) thì có mấy cô chú bảo em với bà ngoại vào Sài Gòn. Em với bà được đưa đến ở trong một căn nhà gần Chợ Lớn, quận 5. Ban đầu, họ nói bà bán vé số nhưng khi vào Sài Gòn, họ cho bà đi xin ăn. Em cũng đi theo”.

Toàn thuật lại vanh vách địa điểm em “hành nghề”: Công viên 23 Tháng 9, Công viên Phú Lâm, Khu Du lịch Suối Tiên, chùa Bà ở Bình Dương… “Mỗi ngày, em xin được 500.000 - 600.000 đồng. Ngày nắng, ngày mưa gì hai bà cháu cũng đi” - Toàn nói rồi khóc trong tiếng nấc: “Nhưng em về đến nhà là có người chặn lấy tiền ngay cửa”.

Chuỗi ngày “ngồi vật vạ đầu đường xó chợ” rồi cũng chấm dứt khi lần cuối Toàn được đưa trở lại trung tâm năm 2012 và ở lại đến nay. Chia sẻ với chúng tôi, Toàn nở nụ cười: “Giờ em thấy vui hơn, được đi học chữ, học may, học hớt tóc và có nhiều bạn”.

Chỉ mong đừng ai cho tiền!

“Có người xin ăn nói cho tôi biết có ngày họ xin được hơn 1 triệu đồng. Thông thường, tiền phải nộp lại cho kẻ chăn dắt. Mỗi tháng, người chăn dắt chỉ gửi 500.000 hay 1 triệu đồng về quê cho thân nhân người xin ăn. Già cả rồi mà làm ra tiền gửi về quê đều đều thì sao mà họ ngưng xin tiền được” - ông Đoàn Công Mạnh, Trưởng Khu Quản lý người cao tuổi thuộc Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ người già Chánh Phú Hòa do Sở LĐ-TB-XH TP HCM quản lý đóng tại thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương, chia sẻ với chúng tôi.

Theo ông Mạnh, cán bộ ở đây cũng trăn trở để đề xuất phương cách triệt xóa nạn xin ăn nhưng khó lắm. Có cầu thì ắt có cung, chỉ mong người dân làm từ thiện đúng cách, đừng cho tiền người xin ăn ngoài phố thì mới mong nạn xin ăn hạn chế dần.

Một trong những người già xin ăn “chuyên nghiệp” đang được nuôi dưỡng tại trung tâm này là cụ N.V.T (74 tuổi, quê Thanh Hóa). Khi phóng viên hỏi lý do vì sao đi xin ăn, ban đầu ông T. chối: “Tôi có xin ăn đâu. Tôi đi tìm đứa cháu đi lạc rồi bị gom về đây”. Ông Mạnh liền động viên: “Cụ nói thật đi, cụ xin tiền và được đưa về đây nhiều lần lắm rồi. Hồ sơ còn cả”. Lúc này, cụ T. mới thú thật là mình được một phụ nữ tên Hồng dẫn từ quê vào xin ăn. Mỗi ngày xin được bao nhiêu tiền đều đưa hết cho Hồng để Hồng “gửi về quê”.

Cụ T. nói: “Nếu lần này được hồi gia, tôi sẽ không đi xin ăn nữa. Ở quê, vợ tôi mổ mắt vay nợ người ta 16 triệu đồng, tôi mới đi xin chứ sướng ích gì cái nghề này”.

Ông Nguyễn Văn Thạch, Phó Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ người già Chánh Phú Hòa, cho biết rất nhiều người xin ăn trước khi hồi gia đã cam kết sẽ về quê, không lang thang, xin ăn nữa nhưng không thực hiện. Cá biệt, có đối tượng xin ăn bị gom đưa về các trung tâm đến 6-7 lần. “Nhiều vùng xem xin ăn như một cái nghề hẳn hoi. Khó dứt lắm” - ông Thạch chua xót nói.

May mà được cưu mang!

Nhiều người già vô gia cư mà chúng tôi gặp ở Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ người già Chánh Phú Hòa muốn gắn bó đời mình tại đây. “Vợ tôi bị bệnh, tôi bán nhà cửa lo chữa chạy. Vợ mất, tôi lang thang lượm phế liệu mưu sinh. Vào đây ăn 3 bữa đầy đủ, chỗ ngủ sạch sẽ lại có mấy ông bạn già bầu bạn nên tôi tăng cân, khỏe mạnh thấy rõ” - cụ Đặng Xuân Đồng (74 tuổi, quê Nam Định) nói. Cụ Trần Thị Trâm (88 tuổi, quê Cần Thơ) bảo: “Hồi xưa, tôi làm vú nuôi. Tôi lâm bệnh, nhà chủ không nhận tôi nữa. May mà có trung tâm cưu mang. Ở đây có nhiều cái hay. Ai già không con cháu, không làm gì ra tiền thì vào bầu bạn chứ đi xin ăn ngoài đường cực thân già lắm”.

Trung tâm Chánh Phú Hòa hiện nuôi dưỡng 1.069 người, phần đông là người cao tuổi và khuyết tật. Một cán bộ tại trung tâm cho biết do được nuôi dưỡng, chăm sóc cẩn thận nên nhiều người vào trung tâm tăng cân rõ rệt. Tuy nhiên, đáng buồn là có một số người khi được trung tâm cho về thì lại bệ rạc do tiếp tục dầm mưa dãi nắng xin tiền.

Khi phát hiện người xin ăn, người dân gọi điện thoại theo các số sau đây để thông báo: 38.292491 hoặc 0903.959929 (Phòng Bảo trợ Xã hội - Sở LĐ-TB-XH TP HCM, giờ hành chính); 35.533258 (Trung tâm Hỗ trợ xã hội, 24/24 giờ).

Người lao động

khu du lịch, bán vé số, Trung tâm Giáo dục, bảo trợ xã hội, ăn xin, xin ăn, chăn dắt, đường dây chăn dắt ăn xin, hồi gia, từ thiện, mổ mắt, người cao


© 2021 FAP
  3,210,112       1/1,181