Công nghệ thông tin

Quá nhiều rủi ro!

Theo các chuyên gia kinh tế, nếu cho phép mở rộng phạm vi sử dụng nhân dân tệ tại Việt Nam sẽ gây rủi ro khó lường khi đồng tiền Trung Quốc chưa được tự do chuyển đổi

Kiến nghị được thanh toán trực tiếp bằng tiền Trung Quốc (đồng nhân dân tệ - NDT) trên lãnh thổ Việt Nam do Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) Trung Quốc gửi đến Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), VCCI đã trình Thủ tướng Chính phủ trong báo cáo về tình hình giải quyết các kiến nghị của DN tháng 12-2014. Các chuyên gia kinh tế cho rằng cần thận trọng và cân nhắc thật kỹ đề xuất này.

Phải do thị trường quyết định

Hiệp hội DN Trung Quốc cho rằng nhu cầu giao dịch thanh toán bằng NDT tại Việt Nam là khá lớn và tăng lên rõ rệt theo đà phát triển không ngừng thương mại Việt - Trung. Tại thị trường biên mậu Việt - Trung, đến cuối năm 2013, ước tính kim ngạch thanh toán bằng NDT đạt khoảng 15 tỉ USD.

Trong khi đó, theo Hiệp hội DN Trung Quốc, phương thức lưu thông NDT chưa được pháp luật Việt Nam quy định. Đa số giao dịch thanh toán biên mậu bằng NDT ở Việt Nam qua con đường không chính ngạch. Nếu thị trường thanh toán NDT từ biên giới được mở rộng vào nội địa Việt Nam và được các ngân hàng (NH) thực hiện theo con đường chính ngạch, NH Nhà nước Việt Nam có thể quản lý, giám sát nguồn vốn này một cách hiệu quả, tăng cường đóng góp trong việc thu thuế cũng như công tác phòng chống rửa tiền.

Nhân dân tệ là ngoại tệ chưa được tự do chuyển đổi nên khi thanh toán bằng đồng tiền này, doanh nghiệp dễ gặp rủi ro Ảnh: PHONG LAN
Nhân dân tệ là ngoại tệ chưa được tự do chuyển đổi nên khi thanh toán bằng đồng tiền này, doanh nghiệp dễ gặp rủi ro Ảnh: PHONG LAN

Hiệp hội DN Trung Quốc còn cho rằng nếu thanh toán thương mại từ USD được thay bằng NDT thì chỉ là sự thay thế về đồng tiền thanh toán, không ảnh hưởng gì đến tình hình xuất siêu hay nhập siêu. Do đó, cơ quan này kiến nghị Việt Nam có thể mở rộng phạm vi sử dụng NDT ở mức độ hợp lý, đồng ý cho NH Công Thương Trung Quốc (ICBC) thực hiện hợp tác về nghiệp vụ NDT với các NH thương mại Việt Nam.

Bình luận về đề xuất này, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia Trương Văn Phước cho rằng có 2 vấn đề đáng lưu ý. Một là, việc thanh toán biên mậu tại các tỉnh biên giới với Trung Quốc đã được quy định tại Quyết định 689 ngày 7-6-2004 của Thống đốc NH Nhà nước Việt Nam. Quyết định này được ban hành căn cứ vào Hiệp định Mua bán hàng hóa ở vùng biên giới giữa 2 Chính phủ; Hiệp định Thanh toán và hợp tác giữa NH trung ương 2 nước, cho các NH thương mại được phép của Việt Nam tại tỉnh biên giới được thỏa thuận với NH của Trung Quốc về việc mở tài khoản thu - chi bằng VNĐ hoặc NDT nhằm phục vụ thanh toán cho thương nhân 2 nước và lập các bàn đổi tiền. “Việc phía DN Trung Quốc đề xuất thực hiện hợp tác về nghiệp vụ NDT phải đáp ứng được yêu cầu này” - ông Phước nhấn mạnh.

Hai là, muốn mở rộng phạm vi sử dụng NDT tại Việt Nam phải do thị trường quyết định. Việc lựa chọn đồng tiền thanh toán là USD hay yen, euro… là sự thỏa thuận giữa người mua và người bán. Không phải ngẫu nhiên mà USD vẫn là đồng tiền thống trị trong thương mại quốc tế. Tỉ giá hối đoái cơ bản vẫn dựa vào USD.

Nguy cơ lệ thuộc tài chính tiền tệ

TS Lê Đạt Chí, Trưởng Bộ môn Đầu tư tài chính Trường ĐH Kinh tế TP HCM, cho rằng theo nguyên tắc, trong các hợp đồng tín dụng (thư tín dụng) qua NH thương mại, DN Việt có thể thỏa thuận thanh toán bằng một loại ngoại tệ, gồm cả đồng NDT nhưng sẽ gặp rủi ro rất lớn về tỉ giá.

Chẳng hạn, khi ký hợp đồng là NDT nhưng đến lúc thanh toán, NDT biến động, tăng giá mạnh và quy ra USD thì sẽ gây thiệt hại cho DN. Hoặc DN ký hợp đồng thanh toán bằng NDT nhưng không NH thương mại nào bán, phải nhờ một NH thứ ba ở nước ngoài thì sẽ tốn thêm chi phí vay mượn, chuyển đổi…

“NDT là ngoại tệ chưa được tự do chuyển đổi nên chưa niêm yết trên thị trường tài chính quốc tế, thị trường New York. DN khi ký hợp đồng thanh toán bằng đồng tiền này sẽ không có căn cứ nào để nhận biết tỉ giá đang biến động ra sao nên không kiểm soát được rủi ro” - TS Chí băn khoăn.

Đại diện một DN trong lĩnh vực dệt may xuất khẩu có quan hệ thương mại với Trung Quốc cho biết lâu nay, việc nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Trung Quốc đều chọn đồng tiền thanh toán là USD, không phải NDT. “Ngay cả làm ăn với DN Trung Quốc tại thị trường này, chúng tôi cũng chọn thanh toán bằng USD do lo ngại đồng NDT không ổn định” - vị này cho biết.

Chuyên gia kinh tế cao cấp - TS Lê Đăng Doanh phân tích: Với đề xuất nêu trên, DN Việt sẽ phải thanh toán bằng NDT khi làm ăn với Trung Quốc - nghĩa là phải mua đồng tiền này từ Trung Quốc, tốn thêm chi phí và dễ gặp rủi ro. Lâu nay, DN Trung Quốc ứng xử với các đối tác rất không đàng hoàng, có thể thay đổi đột ngột gây bất lợi cho đối tác.

“Ngay đề xuất cho phép ICBC được thực hiện hợp tác về nghiệp vụ NDT cũng nên cẩn trọng vì NDT không phải đồng tiền có tính chuyển đổi mạnh. Không chỉ phải đối phó với nhập siêu từ Trung Quốc, DN Việt Nam còn có nguy cơ lệ thuộc về tài chính tiền tệ. Đây là yếu tố không thể xem thường” - TS Doanh lo ngại.

Không lạ nhưng khó chấp nhận

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Hiệp hội NH Việt Nam, cho rằng đề xuất này không có gì ngạc nhiên vì bất kỳ quốc gia nào cũng có thể đề nghị để thuận lợi cho quan hệ thương mại. Thực tế, các DN xuất nhập khẩu của Việt Nam và Trung Quốc đã giao dịch bằng đồng NDT, đặc biệt tại thị trường biên mậu. Song, trong quan hệ với Trung Quốc cần thận trọng hơn vì Việt Nam luôn nhập siêu. Nếu chính thức hóa giao dịch bằng NDT thay vì ở mức ngoại lệ như hiện nay sẽ đem lại nhiều rủi ro và nguy cơ lệ thuộc cho nền kinh tế Việt Nam.

Người lao động

© 2021 FAP
  3,209,628       1/1,180