Công nghệ thông tin

Vụ mang di ảnh người thân vào bệnh viện: Bác sĩ phẫu thuật có sai sót

Khi phẫu thuật cho ông Trần Thanh Sang, bác sĩ phát hiện bệnh nhân không bị đau ruột thừa mà thủng ổ loét hành tá tràng nên khâu vết thủng. Ông Sang tử vong nghi do nhiễm trùng trên vùng mổ

Chiều 13-1, ông Mai Thanh Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long, khẳng định bác sĩ (BS) N. - người mổ cho ông Trần Thanh Sang (SN 1974; ngụ huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) - có sai sót vì chưa kịp thời giải thích rõ với người nhà bệnh nhân nên gây hiểu lầm.

Trước đó, ngày 8-1, ông Sang nhập viện, được chẩn đoán bị đau ruột thừa cấp cần theo dõi. Các BS Bệnh viện (BV) Đa khoa TP Vĩnh Long cũng đưa ra chẩn đoán khác rằng ông Sang có thể bị thủng dạ dày. Ngày 9-1, trong quá trình phẫu thuật cho ông Sang, BS N. phát hiện ông không bị đau ruột thừa mà thủng ổ loét hành tá tràng nên tiến hành khâu vết thủng dài khoảng 1,5 cm.

“Lẽ ra, khi phát hiện ông Sang không bị đau ruột thừa mà bị thủng ổ loét hành tá tràng, BS N. nên thông báo ngay cho người nhà bệnh nhân. Do không kịp thời thông báo nên người nhà bệnh nhân hiểu nhầm BV đã chẩn đoán nhầm bệnh và mổ nhầm. Còn về nghiệp vụ, ngay từ đầu, ông Sang đã được chẩn đoán có thể bị thủng dạ dày, khi mổ phát hiện hành tá tràng thủng thì BS mổ phải tiến hành khâu. Điều này không sai” - vị phó giám đốc này giải thích.

Sáng cùng ngày, BV Đa khoa TP Vĩnh Long đã họp kiểm thảo tử vong, rà soát lại quy trình chuyên môn liên quan đến cái chết của ông Sang. BS Dương Đình Vũ, Phó Phòng Kế hoạch Tổng hợp BV, cho biết hội đồng chuyên môn xác định sau ca phẫu thuật, bệnh nhân tỉnh, bụng vẫn còn đau và hơi chướng, xuất hiện tình trạng sốt, huyết áp tụt.

Mọi gánh nặng đổ lên vai chị Nguyễn Xuân Thanh sau khi chồng mất
Mọi gánh nặng đổ lên vai chị Nguyễn Xuân Thanh sau khi chồng mất

Tiếp đó, bệnh nhân mất trên đường chuyển viện vào ngày 10-1, nghi là do nhiễm trùng đa phủ tạng không hồi phục trên vùng mổ thủng tá tràng. Hội đồng kết luận về nghiệp vụ ca mổ không có sai sót.

“Cũng theo hội đồng này, trong chẩn đoán, tỉ lệ nhầm viêm ruột thừa với thủng tá tràng rất cao. Trường hợp ông Sang, dịch từ bao tử đổ xuống hố chậu phải qua vết thủng tá tràng nên các BS đã chẩn đoán ông bị đau ruột thừa” - BS Vũ giải thích.

Lãnh đạo Sở Y tế, lãnh đạo BV Đa khoa tỉnh Vĩnh Long cũng nhìn nhận sau khi ông Sang mất, phía BV và ngành y tế tỉnh đã chưa kịp có hành động cụ thể nhằm xoa dịu nỗi đau của người nhà bệnh nhân khiến họ bức xúc mang di ảnh ông Sang đến BV.

Theo ông Văn Công Minh, Phó Giám đốc Sở Y tế, cơ quan này đã yêu cầu lãnh đạo BV Đa khoa TP Vĩnh Long phối hợp với cơ quan cảnh sát điều tra và các cơ quan pháp luật để đánh giá trung thực vụ việc. Đồng thời, sở đã có văn bản báo cáo vụ việc với UBND tỉnh. Khoảng vài ngày nữa, khi có kết quả mổ vi thể của cơ quan điều tra, Sở Y tế sẽ tổ chức họp nhằm đưa ra phương án khắc phục và trả lời sớm cho người nhà ông Sang biết.

Gia đình nạn nhân rất nghèo

Sáng 13-1, chúng tôi gặp chị Nguyễn Xuân Thanh, vợ ông Sang, khi chị đang chăm sóc cho 2 đứa con gái mới 5 tuổi và 19 tháng tuổi tại nhà. Đút cháo trắng cho con, chị Thanh rơm rớm nước mắt: “Anh Thanh là trụ cột của gia đình. Anh mất rồi, chắc tôi phải cho đứa lớn nghỉ học mẫu giáo, gửi về ngoại còn đứa nhỏ thì bồng đi bán vé số!”. Theo ông Nguyễn Văn Chi, trưởng ấp nơi chị Thanh sống, gia đình chị Thanh thuộc diện hộ nghèo. Trước đây, chị từng phụ quán cơm nhưng vì bị lãng tai nên mất việc và rất khó xin việc làm khác.

Người lao động

© 2021 FAP
  3,203,104       12/1,184