Công nghệ thông tin

Sập nguồn ACC HCM: Kỷ luật hàng loạt cán bộ quản lý

(NLĐO)- Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã kỷ luật hàng loạt cán bộ quản lý liên quan đến sự cố sập nguồn tại ACC Hồ Chí Minh ngày 20-11-2014 và vi phạm phân cách giữa 2 máy bay quân sự và Vietnam Airlines ngày 29-10-2014, trong có cả Cục trưởng và Cục phó Cục Hàng không.

Bên trong trung tâm điều hành ACC TP Hồ Chí Minh - Ảnh: Tô Hà

Bên trong trung tâm điều hành ACC TP Hồ Chí Minh

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng đã ký quyết định kỷ luật các lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam và Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) liên quan đến sự cố mất điện tại Trung tâm Kiểm soát đường dài (ACC) Hồ Chí Minh ngày 20-11-2014 và vi phạm phân cách giữa máy bay quân sự với máy bay của Vietnam Airlines ngày 29-10-2014.

Đối với Cục Hàng không Việt Nam, Bộ trưởng GTVT khiển trách ông Đỗ Quang Việt, Phó Cục trưởng, vì liên quan đến cả hai sự cố nói trên. Bộ trưởng GTVT cũng phê bình nghiêm khắc Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh do liên quan đến hai sự cố này.

Đối với VATM, Bộ GTVT áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách đối với ông Nguyễn Văn Thăng, Phó Tổng giám đốc phụ trách kỹ thuật, do liên quan đến sự cố mất điện tại ACC Hồ Chí Minh.

Các cá nhân khác bị phê bình nghiêm khắc là các ông: Hoàng Thành, Chủ tịch HĐTV VATM; ông Đinh Việt Thắng, Tổng giám đốc VATM, do liên quan đến cả hai sự cố. Đối với tập thể, Bộ GTVT cũng có văn bản phê bình nghiêm khắc đối với Hội đồng thành viên và Ban giám đốc VATM.

Trước đó, VATM đã tiến hành kỷ luật lao động đối với hàng loạt cá nhân, tập thể liên quan đến cả hai sự cố trong công tác phối hợp hiệp đồng điều hành bay với quân sự và sự cố sập nguồn tại ACC Hồ Chí Minh. Đồng thời có các văn bản yêu cầu chấn chỉnh quy trình công tác tại từng vị trí cụ thể nhằm mục đích không để xảy ra sự cố tương tự.

Đối với sự cố sập nguồn ACC Hồ Chí Minh, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP HCM đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam Kíp trưởng trực điện nguồn là ông Lê Trí Tình, người trực tiếp thao tác sai quy trình kỹ thuật, gây ra sự cố.

Như Báo Người Lao Động đã thông tin, lúc 11 giờ 15 ngày 20-11 đã xảy ra sự cố nghiêm trọng làm mất điện cung cấp cho toàn bộ hệ thống thiết bị điều hành không lưu tại ACC HCM khiến hệ thống radar tê liệt trong hơn 1 giờ. Công tác điều hành bay được chuyển sang phương án khẩn nguy trong lúc chờ khắc phục sự cố tại ACC HCM.

Vào thời điểm “sập” nguồn điện tại ACC Hồ Chí Minh trưa 20-11, trong vùng thông báo bay Hồ Chí Minh (FIR Hồ Chí Minh) đang có 54 máy bay hoạt động, có 8 chuyến đã nằm trong vùng trời kiểm soát tiếp cận để chuẩn bị hạ cánh. Trong thời gian 1 giờ 35 phút, ACC HCM mất năng lực điều hành, có tới 92 máy bay bị ảnh hưởng, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất không còn khả năng tiếp thu các chuyến bay đến/đi và ảnh hưởng đến các chuyến bay bay qua vùng FIR Hồ Chí Minh.

Sự cố mất điện, ngừng cung cấp dịch vụ điều hành bay tại ACC Hồ Chí Minh và Trung tâm kiểm soát tiếp cận sân bay Tân Sơn Nhất là đặc biệt nghiêm trọng, không chỉ uy hiếp an toàn hàng không mà còn gây thiệt hại về kinh tế, làm giảm uy tín của ngành Hàng không Việt Nam. Sự cố ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều chuyến bay quốc tế và nội địa, gây thiệt hại rất lớn cho các hãng hàng không, trong đó có Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam.

Ngày 29-10, VATM cũng để xảy ra sự cố vi phạm phân cách giữa máy bay HVN 1376 của Vietnam Airlines với máy bay trực thăng MI 172 do lỗi của nhân viên kiểm soát viên không lưu trực hiệp đồng.

Người lao động

quản lý bay, điều hành không lưu, kiểm soát viên không lưu, điều hành bay, sập nguồn trung tâm không lưu, sự cố bay, đài kiểm soát không lưu mất điện,


© 2021 FAP
  3,202,068       32/1,400