Công nghệ thông tin

Luật sư Đôn “gặp khó vì dấn thân”

Các thành viên Ủy ban Bảo vệ quyền lợi luật sư đánh giá cao về đạo đức nghề nghiệp của luật sư Võ An Đôn khi tự nguyện bảo vệ cho gia đình bị hại trong vụ dùng nhục hình dẫn đến chết người ở Phú Yên

Ngày 14-1, đoàn công tác của Liên đoàn Luật sư Việt Nam do luật sư Phan Trung Hoài, Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ quyền lợi luật sư, làm trưởng đoàn đã làm việc với các cơ quan chức năng tại Phú Yên về việc 3 cơ quan tố tụng TP Tuy Hòa đề nghị thu hồi chứng chỉ hành nghề của luật sư Võ An Đôn (Báo Người Lao Động đã nhiều lần thông tin).

Thu nhập chủ yếu nhờ... nuôi bò, làm ruộng

Ngay sau khi đến Phú Yên, đoàn công tác đã có buổi làm việc với Đoàn Luật sư tỉnh và luật sư Đôn. Theo nguồn tin của Báo Người Lao Động, trong buổi làm việc, đoàn công tác thể hiện sự chia sẻ với những khó khăn mà luật sư Đôn đang phải đối mặt. Khi thăm hỏi gia cảnh, công việc của luật sư Đôn, luật sư Hoài tỏ ra bất ngờ khi biết Văn phòng Luật sư Võ An Đôn được đặt tại một vùng quê hẻo lánh của Phú Yên.

Luật sư Phan Trung Hoài (trái) chia sẻ những khó khăn mà luật sư Võ An Đôn đang đối mặt
Luật sư Phan Trung Hoài (trái) chia sẻ những khó khăn mà luật sư Võ An Đôn đang đối mặt

Luật sư Hoài đánh giá cao về đạo đức nghề nghiệp của luật sư Đôn khi đã tự nguyện giúp đỡ gia đình người bị hại trong vụ án dùng nhục hình dẫn đến chết người ở Phú Yên. “Không chỉ gia đình người bị hại mà xã hội và đồng nghiệp cũng rất kính trọng luật sư Đôn” - luật sư Hoài bày tỏ.

Trước sự quan tâm của đoàn công tác về áp lực trong những ngày vừa qua, luật sư Đôn cho rằng sau khi liên ngành tố tụng TP Tuy Hòa yêu cầu thu hồi chứng chỉ hành nghề của mình, không ai dám tới nhờ ông bảo vệ. “Gần đây, dư luận lại đồn thổi công an sắp bắt tôi nên bà con sợ. Trước đây, công an các huyện còn giới thiệu tôi trợ giúp pháp lý nhưng từ đó đến nay không ai giới thiệu nữa. Hiện nay, tôi chủ yếu thu nhập từ nuôi bò, làm ruộng” - luật sư Đôn nói.

Luật sư Phạm Đức Hùng, thành viên Ủy ban Bảo vệ quyền lợi luật sư, cho biết từ khi hành nghề đến nay, luật sư Đôn gặp nhiều khó khăn. “Tôi nghĩ khó khăn của luật sư Đôn là do dấn thân, trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo” - luật sư Hùng nhìn nhận.

Luật sư Phan Trung Hoài cho rằng luật sư Đôn có điều kiện phát triển nghề nghiệp nhưng vẫn gắn bó với Phú Yên, trong khi những đồng nghiệp khác tập trung về Hà Nội và TP HCM. “Hoạt động trong điều kiện khó khăn mà vẫn một lòng một dạ với nghề, luật sư Đôn cần được sự động viên. Làm nghề không thể tránh khỏi những lúc khó khăn nhưng nếu có tâm sáng, quyết tâm bảo vệ cái đúng thì bất cứ ở đâu, trong hoàn cảnh nào, dù bị sức ép đến đâu thì mình cũng vượt qua” - luật sư Hoài động viên.

Ứng xử chừng mực

Luật sư Phan Trung Hoài cho rằng đã nghe băng ghi âm, đọc biên bản phiên tòa do các cơ quan tố tụng TP Tuy Hòa cung cấp sau khi cáo buộc luật sư Đôn. “Tôi thấy ứng xử của luật sư Đôn là chừng mực” - luật sư Hoài đánh giá.

Theo luật sư Hoài, cần đánh giá khách quan về kết quả phiên tòa ở giai đoạn tham gia tố tụng cấp sơ thẩm. Một số kiến nghị của luật sư Đôn đã được cơ quan có trách nhiệm xem xét và đi đến khởi tố ông Lê Đức Hoàn, nguyên Phó Công an TP Tuy Hòa.

Đề cập việc luật sư Đôn trả lời báo chí, luật sư Hoài cho rằng đó là chuyện bình thường. “Tôi nghĩ việc trả lời cơ quan truyền thông là trách nhiệm xã hội của luật sư. Các cơ quan tố tụng của TP Tuy Hòa cho rằng luật sư Đôn trả lời báo chí sai lệch, đó là nhận định của họ. Tôi nghĩ ở đây chỉ là vấn đề quan điểm” - luật sư Hoài phân tích.

Người lao động

© 2021 FAP
  3,201,849       44/1,383