Công nghệ thông tin

Điểm nóng tạo thành từ đâu?

Mục đích của những người tham gia tố tụng là hướng đến sự thật, phòng chống tội phạm, bảo vệ công lý, không phải là thắng thua giữa các chủ thể

Hiện nay, hoạt động của luật sư (LS) cơ bản được bảo đảm và phát triển trên nền tảng chung tốt. Tuy nhiên, thực tiễn tố tụng cho thấy nổi lên nhiều vấn đề gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào công lý.

Đoàn công tác của Liên đoàn Luật sư Việt Nam làm việc với luật sư Võ An Đôn (trái) về vụ ông bị 3 cơ quan tố tụng ở TP Tuy Hòa đề nghị thu hồi chứng chỉ hành nghề Ảnh: HỒNG ÁNH
Đoàn công tác của Liên đoàn Luật sư Việt Nam làm việc với luật sư Võ An Đôn (trái) về vụ ông bị 3 cơ quan tố tụng ở TP Tuy Hòa đề nghị thu hồi chứng chỉ hành nghề Ảnh: HỒNG ÁNH

Tình trạng bức cung, nhục hình vẫn tồn tại, gây ra nhiều vụ án oan chấn động. Có thể nhiều vụ án oan ghê gớm hơn cả vụ Nguyễn Thanh Chấn sẽ còn xảy ra. Thực tế này cho thấy vai trò của LS càng cần thiết, quan trọng hơn trong việc hỗ trợ tư pháp để tìm ra sự thật khách quan làm sáng tỏ vụ án, cao hơn là để bảo vệ quyền con người.

Song, để LS làm tốt công việc của mình, góp phần tìm ra sự thật khách quan của vụ án thì cần có sự hỗ trợ, hợp tác tích cực từ phía cơ quan tố tụng, trên cơ sở các quy định của pháp luật.

Gần đây nhất, việc 3 cơ quan tố tụng ở TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên kiến nghị thu hồi chứng chỉ hành nghề của LS Võ An Đôn - sau khi xét xử vụ án 5 công an dùng nhục hình làm chết nghi can - đang đặt ra nhiều vấn đề.

Các chủ thể tham gia tố tụng cần lưu ý đến văn hóa pháp đình. Vị trí, vai trò của LS cần được tôn trọng nhưng trong ứng xử, nói năng của LS cũng phải đúng mực, văn minh, bảo đảm tính nghiêm túc của pháp đình và tôn trọng lẫn nhau. .

Theo dõi vụ án nhục hình ở Phú Yên, bất cứ ai cũng thấy rõ vai trò tích cực của LS Đôn. Không chỉ dám dấn thân vào một vụ án quá khó khăn, đối mặt với quyền lực, ông còn là người có đủ bản lĩnh, kiến thức để thành công trong vai trò của mình. LS Đôn đã hướng dẫn gia đình, ghi lại hình ảnh, chứng cứ để giúp HĐXX tìm ra sự thật khách quan của vụ án, bảo vệ công lý.

LS Đôn cũng đã mạnh dạn đặt vấn đề trách nhiệm của các cơ quan tố tụng địa phương. Đây là việc làm hết sức đúng đắn, chứ không phải cho rằng kiến nghị “phải chịu trách nhiệm” là xúc phạm đến danh dự của bất kỳ cá nhân nào.

Riêng việc kiến nghị hành vi vi phạm pháp luật đối với nguyên Phó Công an TP Tuy Hòa Lê Đức Hoàn, phải khẳng định là rất chính xác, phù hợp với pháp luật và đúng bản chất của vụ án. Bằng chứng là sau đó, cơ quan tố tụng đã khởi tố, truy tố ông Hoàn về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. LS Đôn đã làm đúng và hết trách nhiệm của một LS, được các cơ quan tố tụng cấp trên ủng hộ.

Tuy nhiên, thay vì ghi nhận, tôn trọng sự đóng góp của LS Đôn, các cơ quan tố tụng địa phương đã đòi rút chứng chỉ hành nghề của ông. Văn bản kiến nghị cho rằng LS Đôn “tạo thành điểm nóng không tốt trong dư luận xã hội, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương”. Thực ra, điểm nóng là do chính vụ án 5 công an dùng nhục hình làm chết người tạo ra. Bên cạnh đó, chính kiến nghị đòi “dẹp” LS Đôn đã tạo thêm độ nóng cho điểm nóng ở Phú Yên.

“Các cơ quan nội chính TP Tuy Hòa làm văn bản kiến nghị như vậy là không đúng. Khi người ta hỏi lại chứng cứ đâu mà đề nghị xử lý thì không nêu đầy đủ. Các cơ quan nội chính Tuy Hòa làm như vậy đã gây bức xúc, báo chí nêu là chính xác” - ông Trần Quang Nhất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, nhận xét.  

Luật sư Nguyễn Văn Thắng, Đoàn Luật sư Hà Nội:

Cần ghi nhận một số đề xuất

Tại tòa, nếu LS phát ngôn điều gì không chuẩn xác thì HĐXX nhắc nhở, tái phạm thì chủ tọa phiên tòa có thể truất quyền bào chữa. Những phát ngôn, đề xuất của LS cũng được ghi vào biên bản phiên tòa và bản án.

Ở phiên tòa sơ thẩm, biên bản và bản án có nhắc gì đến việc LS Đôn phát ngôn không chuẩn đâu? Cần ghi nhận một số đề xuất của LS Đôn là chính xác. Vì chính xác nên mới được các cơ quan chức năng ghi nhận. Đó là việc khởi tố ông Lê Đức Hoàn, nguyên Phó Công an TP Tuy Hòa.

Luật sư Nguyễn Khả Thành, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên:

Đã có hướng mở

Vừa qua, một số vụ bị làm khó, chúng tôi gửi đơn về Ban Nội chính Tỉnh ủy Phú Yên nhờ can thiệp và thấy có hiệu quả.

Mới đây, sau khi làm việc với ngành tư pháp và các cơ quan tố tụng ở Phú Yên liên quan đến việc đề nghị thu hồi chứng chỉ hành nghề của LS Đôn, Ủy ban Bảo vệ quyền lợi LS của Liên đoàn LS Việt Nam cho biết Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên có đề nghị từ nay, LS nào gặp trở ngại trong việc tham gia tố tụng thì điện thoại trực tiếp đến ông để can thiệp, giải quyết. Như vậy là đã có hướng mở rồi. H.Ánh ghi

Còn quá nhiều cản trở

Vi phạm về thời hạn cấp giấy chứng nhận người bào chữa hoặc sau khi cấp giấy  chứng nhận, các LS không được tiếp xúc với bị cáo, nhiều biên bản cung không có sự tham gia của LS... đã dẫn đến khi xét xử, nhiều bị cáo kêu oan cho rằng bị bức cung, nhục hình trong giai đoạn điều tra mà không rõ thực hư.

Trong thực tế, hầu như LS chỉ được tham gia chứng kiến biên bản hỏi cung theo yêu cầu của điều tra viên, không được hỏi bị can nếu điều tra viên không đồng ý và không được tiếp xúc riêng bị can, nếu có thì luôn được điều tra viên giám sát chặt chẽ. Đây là những khó khăn cản trở LS trong việc bảo vệ quyền lợi cho bị can, bị cáo.

Sở dĩ như vậy là do các cơ quan tiến hành tố tụng cho rằng Bộ Luật Tố tụng hình sự không bắt buộc LS phải tham gia ngay từ đầu quá trình giải quyết vụ án. Điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán đang thực hiện theo Công văn 752/C16 (ngày 18-7-2007) của Cơ quan CSĐT Bộ Công an (thông báo kết quả cuộc họp liên ngành về sự tham gia của người bào chữa trong quá trình điều tra vụ án hình sự).

Theo đó, “người bào chữa trong một số hoạt động điều tra, truy tố, xét xử không buộc phải có mặt trong tất cả các buổi hỏi cung. Chỉ những hoạt động nào có mặt của người bào chữa thì mới phải ghi rõ vào biên bản và có chữ ký xác nhận của người bào chữa. Các biên bản hỏi cung, biên bản hoạt động điều tra khác mà người bào chữa không tham gia vẫn có nguyên giá trị pháp luật. Do đó, không coi người bào chữa không có mặt trong tất cả các buổi hỏi cung là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng để trả hồ sơ điều tra bổ sung”.

Thông tư 70 ngày 10-10-2011 của Bộ Công an đã quy định chi tiết về quyền của người bào chữa sau khi kết thúc điều tra. Theo đó, trong thời hạn 2 ngày kể từ khi ra bản kết luận điều tra, CQĐT phải gửi bản kết luận điều tra đề nghị truy tố hoặc quyết định đình chỉ điều tra cho bị can, người bào chữa; nếu người bào chữa đề nghị được đọc, ghi chép và sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa, CQĐT phải tạo điều kiện thuận lợi cho họ thực hiện yêu cầu. Tuy nhiên, rất hiếm khi CQĐT thực hiện đúng quy định này để bảo đảm quyền của người bào chữa sau khi kết thúc điều tra.

Thực tế, chỉ đến giai đoạn cuối của quá trình điều tra, LS mới được triệu tập chứng kiến việc “kết cung” để chuyển hồ sơ sang VKS truy tố. Như vậy, LS bào chữa trong giai đoạn điều tra theo “chỉ định  hay “yêu cầu” vẫn chỉ là hình thức. Vô hình trung, LS trở thành người chứng kiến, người giúp việc cho điều tra viên, hợp thức hóa bản cung thiếu vắng LS trong hoạt động điều tra trước đó.

Thực tiễn chứng minh sự có mặt của LS, người bào chữa ngay từ giai đoạn đầu của vụ án là cơ sở giúp cho CQĐT không làm oan sai đối với người vô tội, khắc phục các sơ hở, thiếu sót, sai phạm trong điều tra. Việc thiếu vắng LS hoặc sự tham gia mờ nhạt sẽ gây bất lợi cho bị can và khó phát hiện việc bức cung, nhục hình - một trong những nguyên nhân dẫn đến án oan sai.

Nhằm bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tố tụng hình sự, quyền im lặng của nghi can, cần bảo đảm sự tham gia của LS bào chữa ngay từ những hoạt động tố tụng đầu tiên của quá trình giải quyết vụ án (trừ một số vụ án về các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia).

Một trong những nội dung cần sửa đổi, bổ sung của Bộ Luật Tố tụng hình sự sắp tới là quy định bắt buộc ngay từ khi có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, các hoạt động điều tra như biên bản hỏi cung, đối chất phải có mặt và có ký xác nhận của người bào chữa. Nếu những biên bản hỏi cung và hoạt động điều tra khác không có sự tham gia và ký xác nhận của người bào chữa là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, không được coi là chứng cứ để buộc tội bị cáo trước phiên tòa xét xử công khai.

Ngoài ra, cần ban hành pháp luật xử lý hành chính cũng như bổ sung Bộ Luật Hình sự 1999 để tùy theo tính chất vi phạm, có thể xử lý các hành vi cản trở, gây thiệt hại cho LS, tổ chức hành nghề LS.

Luật sư Nguyễn Hồng Hà (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa)

Người lao động

© 2021 FAP
  3,200,407       2/880