Công nghệ thông tin

Công khai để chống xuyên tạc, bịa đặt

Nếu các cơ quan có thẩm quyền làm tốt việc chủ động cung cấp thông tin chính thống một cách minh bạch, công khai, chính xác thì sẽ không có đất cho những thông tin xuyên tạc, bịa đặt

Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Nguyễn Văn Nên cho biết VPCP sẽ lập kế hoạch theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là phải chủ động cung cấp thông tin chính thống, đưa thông tin chính thống lên các mạng xã hội như Facebook để đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân bởi thông tin trên mạng là không thể ngăn cấm và đây cũng là quyền của người dân.

Không dừng lại thông tin của Chính phủ

Theo ông Nguyễn Văn Nên, chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng, trong thời gian tới, VPCP sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng thông tin và tăng cường phổ biến rộng rãi mọi thông tin về hoạt động của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, Chính phủ đến với người dân. Thời gian qua, VPCP thường xuyên nắm bắt tình hình thực tiễn dư luận xã hội để từ đó có báo cáo, đề xuất thông tin “chủ động, chính xác, kịp thời” và cung cấp gần 49.000 tin, bài, hơn 10.000 ảnh... trên các phương tiện thông tin đại chúng. Những kết quả này đã góp phần nâng cao tính minh bạch, công khai, trách nhiệm giải trình của Chính phủ với nhân dân, tạo đồng thuận xã hội.

“Việc chủ động cung cấp thông tin trong thời gian tới sẽ được đẩy mạnh hơn nữa theo phương châm “lấy thông tin đúng đối lại thông tin sai lệch”. Đặc biệt tới đây, mọi thông tin về hoạt động Chính phủ còn được chuyển hóa để đăng tải trên các trang mạng” - ông Nên chia sẻ.

Ông Nên cho biết VPCP sẽ giao cơ quan chuyên môn lên kế hoạch cụ thể trên cơ sở căn cứ vào quy định pháp luật, đường lối chính sách về chức năng nhiệm vụ của Chính phủ đối với công tác truyền thông quốc gia, truyền thông Chính phủ, quy hoạch chiến lược truyền thông để tham mưu báo cáo Thủ tướng xem xét. “Thông tin được xem xét trên phương diện truyền thông chung chứ không chỉ gói gọn trong các thông tin về Chính phủ. Quan điểm của Chính phủ rất rõ ràng là internet không có lỗi mà vấn đề là người tốt, người xấu sử dụng hạ tầng viễn thông này. Vì thế, cơ quan nhà nước phải đưa thông tin chính thống thật kịp thời, minh bạch, công khai. Đặc biệt, hiện nay có số lượng người dân rất lớn truy cập các trang mạng xã hội như Facebook thì không thể để trống trận địa quan trọng này” - ông Nên khẳng định.

Các phóng viên tác nghiệp tại buổi công bố thông tin về sức khỏe ông Nguyễn Bá Thanh do Ban Bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cán bộ trung ương tổ chức ngày 7-1 
ở Hà Nội  Ảnh: NGUYỄN QUYẾT

Các phóng viên tác nghiệp tại buổi công bố thông tin về sức khỏe ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội chính trung ương, do Ban Bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cán bộ trung ương tổ chức ngày 7-1 ở Hà Nội Ảnh: NGUYỄN QUYẾT

“Quan điểm rất phù hợp”

Chuyên gia luật pháp, đại biểu Quốc hội, ông Trương Trọng Nghĩa, nhìn nhận: “Việc Thủ tướng chỉ đạo VPCP chủ động cung cấp thông tin và phải đưa thông tin chính thống lên mạng xã hội, đồng thời khẳng định không thể cấm đưa thông tin lên mạng là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp trong tình hình hiện nay”. Theo ông Nghĩa, do sự phát triển của internet, thông tin trên các trang mạng như Facebook do từng cá nhân cung cấp và tiếp nhận thông tin cũng là từng người một nên rất nhanh, phổ biến và không tốn kém. Cả thế giới đang sống ở thời đại kỷ nguyên số, công nghệ thông tin góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội, truyền bá giáo dục, khoa học công nghệ, hội nhập... nhưng đồng thời cũng có mặt tiêu cực như tội phạm quốc tế, các nhóm khủng bố lợi dụng để trục lợi, phá hoại...

Ông Nghĩa cho biết trong từng quốc gia cũng có lực lượng chống đối nhà nước hay tội phạm lợi dụng. Vì thế, mỗi quốc gia đều phải đương đầu và có biện pháp khắc phục. Mà biện pháp khắc phục cơ bản chính là hoàn thiện hệ thống luật pháp để xác định rành mạch hành vi nào là hợp pháp và hành vi nào là phi pháp. Sau khi có hệ thống luật pháp thì có lực lượng thực thị luật pháp cho phù hợp. “Nhưng biện pháp hữu hiệu nhất chính là trách nhiệm của cơ quan nhà nước, có chức năng là phải minh bạch thông tin, cung cấp kịp thời, chính xác, hiệu quả. Nhà nước, Chính phủ càng cung cấp thông tin nhanh, mạnh để người dân, nhất là giới trẻ, tiếp cận sớm thì sẽ góp phần ngăn chặn thông tin xấu, độc hại” - ông Nghĩa nói.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa cũng cho rằng Luật Tiếp cận thông tin nằm trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII mà Thủ tướng vừa chỉ đạo cơ quan chức năng khẩn trương xây dựng là hết sức cần thiết. “Luật Tiếp cận thông tin có 2 ý nghĩa là bảo đảm quyền con người và góp phần chống lại tội phạm lợi dụng internet để làm việc xấu, gây hại cho cộng đồng” - ông Nghĩa đánh giá.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ông Lê Như Tiến, cho rằng vai trò và tính tương tác của các trang mạng xã hội, blog cá nhân là rất mạnh nên cần phải nắm bắt và phát huy có hiệu quả. “Hiến pháp quy định rất rõ: Công dân có quyền tiếp cận thông tin, hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần. Rồi báo chí, truyền thông là phương tiện truyền tải thông tin. Trong khi không cấm được thông tin trên mạng thì quan điểm của Thủ tướng là rất xác đáng và kịp thời. Vấn đề đặt ra là đã không thể cấm thì phải làm sao để định hướng thông tin được tốt hơn” - ông Tiến nêu quan điểm.

Không đổ lỗi cho mạng xã hội

Ông Lê Như Tiến cho rằng không chỉ một vài cá nhân có thông tin sai lệch mà đổ lỗi cho các trang mạng xã hội. “Thời gian qua, trên các trang mạng xã hội có một số thông tin hỗn loạn, chưa được kiểm chứng, một chiều cũng do cơ quan chịu trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí đã không thông tin đầy đủ, kịp thời. Nếu làm tốt việc chủ động cung cấp thông tin chính thống một cách minh bạch, công khai, chính xác thì sẽ không có đất cho những thông tin nhiễu loạn” - ông Tiến thẳng thắn.

Người lao động

© 2021 FAP
  3,201,264       1/882