Vừa bước qua sinh nhật tuổi 30, máy tính cá nhân (PC) đã đứng trước nguy cơ chung số phận với máy đánh chữ, thiết bị đã bị khai tử trước đây vì sự hiện diện của PC. Vòng xoáy lịch sử đang lặp lại? Lần này, ai là sát thủ sẽ loại PC khỏi cuộc chơi?
Chỉ vài hôm sau ngày sinh nhật PC, 19-8, Tập đoàn Hewlett Packard (HP) xác nhận ý định rút lui khỏi thị trường máy tính cá nhân. Việc HP, công ty sản xuất PC hàng đầu thế giới, bỏ cuộc chơi là dấu hiệu báo “thế giới hậu PC” (post-PC world) đang đến. Thuật ngữ này được Steve Jobs, nhà sáng lập Apple, đưa ra trước đây.
Rút khỏi thị trường PC
Không chỉ rút khỏi thị trường PC, HP còn làm cú đúp sốc với việc không tiếp tục sản xuất điện thoại thông minh (smartphone) và máy tính bảng (tablet) chạy hệ điều hành WebOS nữa. Hồi tháng 4 năm ngoái, HP đã bỏ ra đến 1,2 tỉ USD mua hãng Palm để sở hữu WebOS và các công nghệ smartphone. Chỉ cách đây vài tháng, HP vẫn khẳng định tuyên bố WebOS là ách chủ bài của họ. Dựa trên WebOS, HP đã tung ra smartphone Pre và tablet TouchPad để cạnh tranh với iPhone và iPad của Apple. Tuy nhiên, các dòng thiết bị chạy WebOS đã không hấp dẫn được người tiêu dùng. Hiện HP đã bán đại hạ giá tablet TouchPad tại Mỹ, chỉ còn 100 USD so với giá hơn 500 USD lúc mới tung ra thị trường.
Theo giới phân tích thị trường công nghệ, có vẻ CEO của HP, ông Leo Apotheker, muốn giảm mảng kinh doanh phần cứng truyền thống và hướng tới mô hình kinh doanh mang lại lợi nhuận cao hơn, đó là giải pháp dựa trên ứng dụng điện toán đám mây (cloud computing). Điều này cũng có nét tương đồng với IBM, sau khi bán bộ phận PC đã tập trung phát triển bộ phận máy chủ (server) và giải pháp này đã rất thành công ở quy mô toàn cầu, trong khi Lenovo gặp không ít khó khăn trong việc phát triển bộ phận PC mua lại của IBM trên thị trường thế giới.
Không cạnh tranh nổi với iPad
Trả lời phỏng vấn của Businessinsider.com về lý do rút khỏi thị trường PC và tablet, CEO Leo Apotheker của HP thừa nhận bộ phận sản xuất kinh doanh PC và tablet, smartphone của họ đang bị ảnh hưởng từ xu thế thay đổi thói quen của người tiêu dùng đang chuyển từ PC qua dùng tablet. Hiệu ứng của tablet ngày càng rõ nét và HP thừa nhận rằng người tiêu dùng chỉ biết đến một loại tablet, đó là iPad của Apple. Mọi nỗ lực của HP trong việc tung ra tablet TouchPad để cạnh tranh với iPad đều không thành công và họ chấp nhận bỏ cuộc.
Sức mạnh cạnh tranh của iPad thật khó lường. Theo CNET.com, kết quả khảo sát của chuyên viên công nghệ Robert W. Baird trên 1.100 người dự định mua tablet cho thấy iPad là “ứng viên” chiếm tỉ lệ vượt trội với 94,5%, bỏ xa các đối thủ như TouchPad của HP, Playbook của RIM, Xoom của Motorola, Flyer của HTC, GalaxyTab của Samsung.
Cha đẻ của PC và ông trùm phần mềm PC nói gì ?
Hồi tuần trước, kỹ sư Mark Dean, Phó Chủ tịch phụ trách chiến lược công nghệ của IBM, người trong nhóm thiết kế chiếc PC đầu tiên trên thế giới của IBM, cũng tuyên bố “kỷ nguyên PC về cơ bản đã qua”. Ông Dean nói thêm PC sẽ chung số phận với đèn điện tử chân không, máy đánh chữ, màn hình CRT. Ông cũng tự hào là IBM đã kịp thời rút khỏi thị trường PC sớm, từ năm 2005. Ông Mark Dean được xem gần như là cha đẻ của PC vì sở hữu đến 3 trong 9 bằng phát minh trên chiếc PC đầu tiên. Theo nhận định của ông Dean, ở kỷ nguyên hậu PC, smartphone sẽ thay thế mọi thứ: thẻ tín dụng, bằng lái xe, hộ chiếu… và sẽ có tác động rất lớn đến đời sống xã hội, thói quen tiêu dùng hơn hẳn tablet.
Microsoft vẫn tiếp tục thịnh vượng Trong khi đó, dễ đoán được Microsoft, ông trùm phần mềm cài trên PC, nói gì. Giám đốc PR của Microsoft, ông Frank Shaw, khẳng định “hiện chưa phải là “thế giới hậu PC” vì trong năm nay vẫn có tới 400 triệu PC được bán ra trên toàn thế giới. Theo Shaw, Microsoft sẽ cho cộng đồng công nghệ thấy một “hình ảnh khác” của hệ điều hành Windows nhằm đáp ứng nhu cầu của kỷ nguyên mới. Microsoft cũng khẳng định dù IBM và tới đây là HP rút khỏi thị trường PC, kỷ nguyên PC vẫn chưa qua và Microsoft vẫn tiếp tục thịnh vượng từ việc bán phần mềm cài trên PC như Windows và Office. Năm ngoái, chỉ riêng doanh thu từ hệ điều hành Windows đã là 12 tỉ USD. |