Công nghệ thông tin

Bài học từ... táo Mỹ

Lời cảnh báo của Mạng lưới Cơ quan an toàn thực phẩm quốc tế (INFOSAN) về việc thu hồi táo và các sản phẩm từ táo đóng gói sẵn nhập khẩu từ Mỹ vì bị nhiễm vi khuẩn Listeria monocytogenes đã được Việt Nam đáp ứng. Tuy nhiên, sự ứng phó trong thực tế không hề đơn giản.

Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cho biết sản phẩm bị thu hồi - gồm các loại táo Granny Smith, Gala của Công ty Bidart Bros ở Bakerfield, California và táo Caramel - đã được xuất khẩu sang Việt Nam và một số quốc gia khác. Lô hàng táo nhiễm khuẩn cuối cùng được xuất khẩu từ Mỹ vào ngày 2-12-2014.

Về phía các cơ quan chức năng Việt Nam, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế đã tiến hành rà soát các sản phẩm bị cảnh báo và thông báo với doanh nghiệp nhập khẩu để kịp thời thu hồi, nếu có; đồng thời chủ động theo dõi các ca ngộ độc thực phẩm có triệu chứng liên quan đến nhiễm khuẩn Listeria monocytogenes.

Cục ATTP cũng đã đề nghị Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp kiểm tra, xử lý. Về phần mình, NAFIQAD có kế hoạch làm việc với Tham tán nông nghiệp Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam để thu thập thêm thông tin.

Phản hồi nhanh về vấn đề này, người đứng đầu Cục ATTP khẳng định sau khi rà soát tình hình nhập khẩu các sản phẩm táo Caramel từ đầu năm 2012 đến nay, cơ quan này chưa ghi nhận có sản phẩm nêu trên. Trong khi đó, Cục Bảo vệ thực vật - đơn vị có nhiệm vụ tổ chức kiểm tra ATTP tại cửa khẩu, cảng - cũng khẳng định đã không cấp giấy chứng nhận kiểm tra ATTP cho lô hàng nào là táo Caramel từ Mỹ vào Việt Nam. Đại diện Cục Bảo vệ thực vật còn đề nghị Bộ Y tế liên hệ với Bộ Công Thương xem việc quản lý, kiểm tra ATTP (của bên đó) đối với mặt hàng này như thế nào (!?)...

Thế nhưng, thực tế lại khác!

Ghi nhận của Báo Người Lao Động hôm 21-1 cho thấy nhiều điểm bán trái cây nhập khẩu tại TP HCM, trong đó có các siêu thị lớn, vẫn bày bán 2 loại táo Granny Smith và Gala. Nếu như tại siêu thị Maximark Cộng Hòa (quận Tân Bình, TP HCM), toàn bộ táo Gala Mỹ đã được rút ra khỏi kệ hàng từ chiều 20-1 sau khi có thông tin từ Cục ATTP thì một ngày sau đó, một siêu thị khác vẫn bày bán nhiều táo xanh Mỹ có tem in mã vạch ghi dòng chữ Granny Smith USA, mang đúng tên một loại táo đang được INFOSAN đề nghị thu hồi.

Ngay sau khi xác minh thông tin trên, chủ hệ thống siêu thị Maximark ra lệnh ngừng kinh doanh loại táo xanh này, đồng thời giải thích rằng quyết định của mình là “vì sức khỏe người tiêu dùng” chứ chưa hề nhận được thông báo thu hồi nào từ cơ quan chức năng hay nhà cung cấp cho đến cuối ngày 21-1.

Đối với hệ thống siêu thị mà còn vậy thì làm sao giới hữu trách có thể truyền tin kịp thời cho những người buôn bán bên ngoài vốn rất đông đảo? Giả sử như loại vi khuẩn trong các loại táo đề cập ở trên có độc lực mạnh gấp bội so với Listeria monocytogenes thì sao?

Qua vụ này, cần rút ra bài học về mối quan hệ chặt chẽ, khoa học giữa các cơ quan liên quan, nhất là thiết lập cho được một cơ chế phối hợp quản lý, thông tin thật hiệu quả, bảo đảm đưa thông tin đến đúng địa chỉ một cách nhanh nhất.

Người lao động

táo Mỹ, cơ quan chức năng, người tiêu dùng, Bộ Công Thương, ngộ độc thực phẩm, mối quan hệ, quận Tân Bình, táo Granny Smith, táo Gala, đại sứ quán, hệ


© 2021 FAP
  3,193,372       1/1,147