Du lịch

Siêu lừa Huyền Như bị bắt khi đang mang thai 4 tháng

(NLĐO) - 8 giờ 20 phút ngày 6-1, ông Nguyễn Đức Sáu, thẩm phán, Chánh Tòa Hình sự TAND TP HCM đã tuyên bố khai mạc phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ nguyên cán bộ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) lừa đảo, chiếm đoạt hàng ngàn tỉ đồng

Trong đó, kẻ chủ mưu là Huỳnh Thị Huyền Như (SN 1978, ngụ quận Bình Thạnh, nguyên phó phòng quản lý rủi ro của ngân hàng) bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Thừa ủy quyền của VKSND Tối cao, VKSND TP HCM cử ba kiểm sát viên (trong đó 1 dự khuyết) giữ quyền công tố tại phiên tòa. Đồng thời, 15 nguyên đơn dân sự, người bị hại và 80 cá nhân, tổ chức cũng được triệu tập với vai trò người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

8 giờ 45 phút, chủ tọa phiên tòa bắt đầu phần thẩm tri lý lịch của các bị cáo.

Siêu lừa Huyền Như bị bắt khi đang mang thai 4 tháng

Tại phiên tòa, Huyền Như khai bị bắt giam ngày 30-9-2011. Thời điểm đó, bị cáo đang mang thai 4 tháng. Trong thời gian bị tạm giam, bị cáo đã sinh con tên là Trương Xuân Mai, hiện bé được 21 tháng tuổi nhưng chưa được làm giấy khai sinh. Được biết, chồng Huyền Như tên Trương Ngọc Thành nhưng hiện 2 người chưa đăng ký kết hôn.

Trước khi HĐXX công bố bản cáo trạng, một số luật sư đã đề nghị HĐXX xác định rõ tư cách tham gia của một số cá nhân/tổ chức là nguyên đơn dân sự hay người bị hại cũng như triệu tập thêm một số cá nhân khác.

Bảo vệ quyền lợi cho ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank), luật sư Trần Đức Hùng (Đoàn Luật sư TP HCM) yêu cầu hoãn phiên tòa với lý do đến ngày 19-12-2012, ngân hàng này mới biết mình được xác định là nguyên đơn dân sự theo giấy triệu tập của TAND TP HCM. Do thời gian quá ngắn, luật sư không có đủ thời gian, điều kiện để nghiên cứu hồ sơ, không đảm bảo tính công bằng trong xét xử.

Luật sư Nguyễn Thị Bắc (Đoàn Luật sư Hà Nội), bảo vệ quyền lợi cho VietinBank, đề nghị HĐXX xác định đơn vị này không phải là bị hại trong vụ án.

Đại diện VKSND TP HCM cho rằng, cáo trạng đã xác định rõ truy tố Huyền Như phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, cũng như tư cách tham gia của 9 công ty, 3 ngân hàng, 3 cá nhân.

Về ý kiến của luật sư Hùng, đại diện VKSND TPHCM cho biết, cơ quan CSĐT đã có buổi làm việc với đại diện Navibank vào ngày 24-4-2012. Do đó, Navibank đã biết thông tin về hành vi phạm tội của Huyền Như. Từ đó, không có cơ sở để hoãn phiên tòa theo đề nghị của các luật sư.

10 giờ 35 phút, HĐXX tạm ngưng phiên tòa để xem xét ý kiến của các luật sư.


	Các bị cáo trước giờ khai mạc phiên tòa

Các bị cáo trước giờ khai mạc phiên tòa

Theo cáo trạng, từ đầu năm 2007, Huyền Như (lúc đó là cán bộ tín dụng của VietinBank Chi nhánh TP HCM) đã vay trên 200 tỉ đồng của nhiều ngân hàng, tổ chức và cá nhân với lãi suất cao để kinh doanh bất động sản.

Để có tiền trả nợ, từ tháng 10-2010 đến tháng 9-2011, lấy danh nghĩa huy động vốn cho VietinBank Chi nhánh Nhà Bè và Chi nhánh TP HCM, Huyền Như đã tiếp xúc với nhiều đơn vị, cá nhân đặt vấn đề gửi tiền vào ngân hàng với lãi suất thỏa thuận cộng lãi suất thưởng từ 18%-36%/năm.


	Huyền Như đã làm giả con dấu, tài liệu để chiếm đoạt hơn 4.911 tỉ đồng

Huyền Như đã làm giả con dấu, tài liệu để chiếm đoạt hơn 4.911 tỉ đồng

Để thực hiện mục đích của mình, Huyền Như đã thuê người làm giả con dấu, tài liệu ngân hàng và nhiều đơn vị, chữ ký trên các chứng từ và hợp đồng… để chiếm đoạt của 9 công ty, 3 ngân hàng, 3 cá nhân với hơn 4.911 tỉ đồng.

Số tiền này được Huyền Như dùng để trả vay lãi nặng, tiền chênh lệch ngoài hợp đồng, nợ gốc, nợ lãi trong hợp đồng...

Người lao động

© 2021 FAP
  154,457       1/1,044