Du lịch

Dương Chí Dũng làm chứng xử em trai Dương Tự Trọng

(NLĐO)- Sáng nay 7-1, cả hai anh em ông Dương Chí Dũng cùng xuất hiện trong phiên tòa xử vụ án những người giúp cựu Chủ tịch Vinalines bỏ trốn, Dương Chí Dũng xuất hiện với tư cách là nhân chứng, còn em trai Dương Tự Trọng được xác định giữ vai trò chủ mưu.

Bị cáo Dương Tự Trọng (giữa) được xác định vai trò cầm đầu trong vụ án - Ảnh chụp qua màn hình

Bị cáo Dương Tự Trọng (giữa) được xác định vai trò cầm đầu trong vụ án - Ảnh chụp qua màn hình

Sáng nay 7-1, TAND TP Hà Nội đã mở phiên xét xử 7 bị cáo trong vụ án tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài mà trong đó cầm đầu được xác định là bị cáo Dương Tự Trọng, nguyên Phó Giám đốc Công an TP Hải Phòng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C64) - Bộ Công an.

Xuất hiện tại tòa sáng nay còn có Dương Chí Dũng (người đã bị tuyên án tử hình trong phiên tòa sơ thẩm xử “đại án” tham nhũng xảy ra tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam-Vinalines).

Cùng ra tòa cùng Dương Tự Trọng còn có 6 bị cáo khác là đồng phạm, trong đó có nhiều người từng là thuộc cấp của ông Trọng tại Công an TP Hải Phòng, gồm: Vũ Tiến Sơn (SN 1966), nguyên Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội - Công an TP Hải Phòng; Hoàng Văn Thắng (SN 1970), nguyên cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra các tội phạm về môi trường - Công an TP Hải Phòng; Đồng Xuân Phong (SN 1974), nguyên cán bộ hải quan TP Hải Phòng, hiện đang bỏ trốn và bị truy nã; Trần Văn Dũng (tức Dũng “Bắc Kạn”, SN 1968); Nguyễn Trọng Ánh (SN 1985), nguyên cán bộ Phòng cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội  - Công an TP Hải Phòng; và Phạm Minh Tuấn (SN 1961), nguyên Giám đốc Xí nghiệp Bạch Đằng (Hải Phòng) - bạn thân của Dương Tự Trọng.

Bị cáo Dương Tự Trọng bị truy tố theo khoản 3 điều 275 Bộ Luật Hình sự về tội tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép với mức án cao nhất là 20 năm tù. Trong suốt quá trình điều tra, Dương Tự Trọng một mực chối tội.

Hội đồng xét xử (HĐXX) sơ thẩm của TAND TP Hà Nội có 3 người, gồm1 thẩm phán, 2 hội thẩm nhân dân. 5 luật sư bào chữa cho các bị cáo, trong đó Dương Tự Trọng được 2 luật sư bào chữa.

Dương Chí Dũng xuất hiện tại tòa với tư cách nhân chứng - Ảnh chụp qua màn hình

Dương Chí Dũng xuất hiện tại tòa với tư cách nhân chứng - Ảnh chụp qua màn hình

Theo cáo trạng, chiều ngày 17-5-2012, Dương Chí Dũng (lúc này đang là Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam) nhận được thông tin về việc sẽ bị Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố và bắt tạm giam về tội “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” nên đã gọi điện thông báo với em trai của mình là Dương Tự Trọng, khi đó đang giữ chức Phó Giám đốc Công an TP Hải Phòng. Trọng lập lức điện thoại cho bạn gái (người có con riêng với mình đang trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội), yêu cầu đón anh trai đến nhà trốn tạm.

Sau đó Trọng điều động các đàn em đưa Dương Chí Dũng theo đường bộ vào Sài Gòn rồi vượt biên sang Campuchia qua cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh vào tối ngày 23-5. Từ Campuchia, đàn em của Dương Tự Trọng tiếp tục “hỗ trợ” đưa Dương Chí Dũng sang Singapore để đáp chuyến bay đi Mỹ. Tuy nhiên Dương Chí Dũng đã bị từ chối nhập cảnh và buộc phải quay trở lại xuất phát.

Sau 4 tháng trốn chạy với những khoản tiền tiếp viện của em trai, tháng 9-2012 Dương Chí Dũng đã bị bắt.

Bào chữa cho Dương Tự Trọng tại phiên tòa sơ thẩm là hai luật sư Nguyễn Đình Hưng và Vũ Thị Kim Ngọc thuộc Văn phòng luật sư Giang Hưng - Đoàn luật sư TP Hà Nội.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 6-1, luật sư Vũ Thị Kim Ngọc cho biết cáo trạng có nhắc tới chi tiết Dương Chí Dũng được mật báo về việc sắp bị khởi tố nên đã liên lạc với Dương Tự Trọng. Tuy nhiên, thông tin về việc ai đã mật báo cho Dương Chí Dũng thì trong cáo trạng không được đưa ra.

Luật sư Ngọc cho rằng việc truy thông tin về người mật báo sẽ phụ thuộc vào diễn biến của phiên tòa. Nếu ông Dương Chí Dũng có mặt và khai ra rành rẽ thông tin về người đã mật báo cho mình thì có thể HĐXX sẽ đánh giá chi tiết này ảnh hưởng tới vụ án như thế nào. Nếu thông tin đó ảnh hưởng tới quá trình phạm tội của các bị cáo thì buộc phải được làm kỹ lưỡng, toàn diện để xác định trách nhiệm của từng người liên quan.

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Đình Hưng cho biết trong quá trình điều tra, thân chủ của mình - ông Dương Tự Trọng luôn giữ được sự “bình tĩnh và kiên định”. “Với kinh nghiệm của người từng làm thủ trưởng cơ quan điều tra ở một địa phương lớn, ông Trọng biết phải sử dụng đúng những quyền mà pháp luật cho phép. Ông ấy không nhận tội nhưng cũng không chối tội”- luật sư Hưng nói.

Theo luật sư này, việc chưa chứng minh được ai là người báo tin cho Dương Chí Dũng biết tin sắp bị khởi tố mà đã khép ông Trọng vào vai trò chủ mưu của vụ án là chưa chặt chẽ.

Luật sư Hưng nhận định nếu tại phiên tòa hôm nay ông Dương Chí Dũng khai ra danh tính cụ thể của người đã mật báo cho mình vào chiều ngày 17-5-2012 thì có thể tòa sẽ phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung. “Ở trong trại giam, ông Trọng có biết được thông tin tòa đã tuyên án tử hình đối với anh trai mình. Ông ấy cho rằng mức án đó là không hợp lý” - luật sư Hưng cho biết.

Người lao động

Vinalines, vụ án, xét xử, Dương Chí Dũng, phiên tòa, Dương Chí Dũng làm chứng xử em trai, Dương Tự Trọng, mật báo, làm chứng


© 2021 FAP
  154,306       13/1,081