(NLĐO) - “Siêu lừa” Huyền Như lý giải nguyên nhân dẫn đến việc mình đi vào con đường phạm tội là do bị chủ nợ đe dọa đậpp vỡ mặt, đòi “quậy” ở cơ quan nơi cô đang làm việc, nên phải vay đầu này để đập vào đầu kia, nợ đẻ thêm nợ.
Sáng nay, ngày 7-1, phiên tòa xét xử vụ án “siêu lừa” Huyền Như đã bắt đầu với phần xét hỏi đối với người giữ vai trò cầm đầu, chủ mưu của vụ án – bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như (SN 1978, ngụ quận Bình Thạnh, nguyên Phó Phòng Quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – VietinBank).
Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như tại tòa sáng sáng 7-1
Chạy theo trào lưu
Bằng giọng nói nhỏ nhẹ, Huyền Như thừa nhận bản cáo trạng đã nêu đầy đủ, đúng hành vi phạm tội của mình. Huyền Như cho biết, năm 2007, bên cạnh công việc chính là cán bộ tín dụng của Ngân hàng Vietinbank chi nhánh TP HCM, bị cáo còn bắt đầu kinh doanh chứng khoán và bất động sản. “Cũng vì theo trào lưu, thấy mọi người kinh doanh có lãi nên bị cáo mới gom góp hết tiền để tham gia chứng khoán và bất động sản. Bị cáo chủ yếu mua bán chứng khoán qua điện thoại thôi”- Huyền Như trình bày.
Sau một thời gian đầu tư, số vốn thực tế của Huyền Như đã lên đến 50 tỉ. Thấy có lãi, Như đã huy động vốn thêm để tiếp tục kinh doanh. Thời điểm này, cô gái 29 tuổi đã mạnh dạn vay cá nhân trên 200 tỉ đồng của nhiều ngân hàng, tổ chức và cá nhân với lãi suất cao để kinh doanh chứng khoán và bất động sản tại TP HCM, Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP Đà Lạt, Quảng Nam, An Giang.
Huyền Như khai: “Lỗi cũng tại bị cáo muốn kiếm thêm nên mới huy động vốn. Khi mới vay, bị cáo kí giấy vay tiền, khi nào trả hết nợ lẫn lãi thì xé tờ giấy vay. Sau khi quen dần, không cần kí giấy nữa, bị cáo chỉ gọi điện thoại thôi. Lúc đầu, bị cáo chỉ huy động ít thôi. Nhưng về sau lãi mẹ đẻ lãi con...”.
Lúc đầu, Như vay của Nguyễn Thiên Lý (SN 1975, buôn bán) 100.000 USD và khoảng 3 tỉ đồng với lãi suất 0,4%/ngày. Sau đó, số tiền vay nhiều hơn, có những khoản Huyền Như phải trả Lý từ 3% đến 3,7%/ngày. Như còn vay của Hùng Mỹ Phương (SN 1974, môi giới chứng khoán), Đào Thị Tuyết Dung (SN 1969, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Dung Vân) với lãi suất 0,4%/ngày. Nguyễn Thị Lành (SN 1962, nguyên Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư Phương Đông) cho Như vay với lãi suất 0,6%/ngày, về sau giảm còn 0,4%/ngày.
Chủ nợ đòi đập vỡ mặt
Giải thích về nguyên nhân dẫn đến con đường phạm tội của mình, Như thú nhận: “Lãi suất thường là 0,4 - 1%/ngày. Bị cáo nghĩ sẽ kiếm thêm được tiền nhưng không ngờ bất động sản đóng băng, không có tiền trả lãi vay. Một số cá nhân cho bị cáo vay nói rằng sau 10 ngày kể từ ngày mượn không trả được tiền lãi thì bị phạt 1,2%/ ngày. Có những khoản bị cáo phải trả từ 3-5% một ngày. Bị cáo không chủ động chấp nhận lãi suất này mà vì chủ nợ buộc bị cáo”.
Chủ tọa thắc mắc: “Ai dùng sức mạnh để cưỡng chế phạt bị cáo?” thì Như cho biết có 2 chỗ làm áp lực với mình là Nguyễn Thiên Lý (SN 1975, buôn bán) và Nguyễn Thị Lành (SN 1962, nguyên Phó giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Phương Đông). “Chị Lành nói là bị cáo không có tiền trả nên phải vay gấp của chị Nguyễn Thị Phương Hoàng Trung. Chị Trung đe dọa sẽ lên ngân hàng làm lớn chuyện, chị Lý cũng nói sẽ dẫn mọi người lên cơ quan bị cáo quậy. Bị cáo làm ở cơ quan nhà nước nên rất là sợ…”, Như nói. Ngoài ra, Huyền Như còn cho biết thêm, bị cáo còn bị các chủ nợ đe dọa "sẽ cho người đập vỡ mặt nếu không sớm thanh toán tiền".
“Tại sao phải huy động vốn nguồn tiền lớn như vậy?”, chủ tọa hỏi. “Bị cáo vay lúc này không phải để kinh doanh nữa mà thật ra là để lấy tiền của người sau trả cho người trước. Bị cáo có bán bớt bất động sản của mình với giá thua lỗ hơn 50% để thanh toán nợ nhưng không thấm vào đâu so với số tiền lãi ngày càng phát sinh”.
Chủ tọa chất vấn: “Sao bị cáo không lựa chọn cách phá sản?”. Như đáp: “Bị cáo sợ ảnh hưởng đến công việc cũng như uy tín của gia đình, bản thân. Bị cáo cũng sợ xấu hổ. Bị cáo cứ nghĩ sẽ tìm được khoản kinh doanh nào khác để bù lỗ nhưng cuối cùng không tìm thấy cách kinh doanh nào nên buộc phải làm sai…”.
Đồng thời, nguyên Phó Phòng Quản lý rủi ro Ngân hàng VietinBank còn phân trần: “Nợ bị cáo càng lúc càng lớn. Cứ mỗi buổi sáng đi làm là bị cáo lại bị nhắn tin, điện thoại đe dọa, đòi nợ. Cứ rơi vào vòng luẩn quẩn, vòng xoáy tiền bạc nên bị cáo làm sai”.