Bị cáo không khai báo, tòa án vẫn tiến hành xét xử trên cơ sở tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ và những người liên quan
Từ ngày 9 đến 15-1, TAND huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận xét xử vụ án “Trộm cắp tài sản” đối với bị cáo Trần Thị Kim Nguyệt (SN 1971). Trong suốt quá trình xét xử, bị cáo thường xuyên ca hát, la hét làm náo loạn công đường và từ chối trả lời mọi câu hỏi của HĐXX. Đây không phải là trường hợp đầu tiên trong phiên tòa hình sự ở nước ta.
“Diễn kịch” trước vành móng ngựa
Ngày 10-1, TAND TP HCM xét xử và tuyên án tử hình đối với bị cáo Hồ Thị Bích Phượng (SN 1986, ngụ quận 4, TP HCM) về tội “Giết người”.
Trước đó, trong phiên xử đầu tiên, Phượng ra tòa với thái độ không bình thường, vẻ mặt tỏ ra lo sợ. Khi HĐXX gọi tên, Phượng không nghe, miệng luôn lẩm bẩm: “Tôi không giết người. Tôi không chuẩn bị dao”, “Bị cáo không biết, không nhớ”... Thẩm phán chủ tọa phiên tòa Nguyễn Thị Bạch Huệ đã tuyên hoãn xử, đưa bị cáo đi giám định tâm thần. Kết quả cho thấy bị cáo hoàn toàn bình thường.
Ra tòa lần này, Phượng vẫn tiếp tục chiêu bài giả điên. Trước tình thế đó, chủ tọa đã cho công bố lời khai của bị cáo có sự chứng kiến của luật sư tại trại tạm giam. Nghe xong, Phượng cúi đầu nhận tội.
Tháng 8-2011, TAND TP HCM đưa vụ án “Giết người”, “Che giấu tội phạm” và “Không tố giác tội phạm” ra xét xử lưu động tại quận 12 đối với các bị cáo Trần Văn Thanh (SN 1973), Lê Thị Phương (SN 1970) và Trần Minh Na (SN 1990, con riêng của Phương). Bị cáo Thanh đã có hành vi giết anh Nguyễn Mạnh Hùng (ngụ quận Thủ Đức) để cướp xe.
Quá trình làm thủ tục và xét hỏi, có lúc bị cáo Phương ca hát, lúc ú ớ hoặc nhìn vào đám đông la thất thanh. Nhận thấy bị cáo “diễn trò”, thẩm phán chủ tọa phiên tòa Lê Thị Minh Ngọc đã cho dừng việc xét hỏi, tạm nghỉ để hội ý.
Sau đó, thẩm phán Ngọc đã khuyên bị cáo Phương: “Tòa biết bị cáo rất thương con trai mình. Na còn rất trẻ, phạm tội ở khung hình phạt không cao. Nếu bị cáo cứ không hợp tác, làm sao tòa xử, làm sao con bị cáo được giải phóng khỏi chốn lao tù? Hãy bình tĩnh mà trả lời...”.
Nghe những lời khuyên chân tình, Phương đã khai rành mạch hành vi giết người của chồng và hành trình cả nhà bỏ trốn.
Vừa dùng luật vừa có nghệ thuật xét hỏi
Trao đổi với chúng tôi, kiểm sát viên Dương Thị Kim Ngân, đại diện VKSND giữ quyền công tố trong vụ án Hồ Thị Bích Phượng, chia sẻ: “Phượng liên tục giả điên, chúng tôi buộc phải công bố lời khai ban đầu là lời khai chuẩn sát và chân thật nhất, cùng những lập luận và chứng cứ rõ ràng khiến bị cáo và những người dự khán tâm phục, khẩu phục”.
Là người có nhiều năm tham gia xử án, bà Bùi Thị Hoàng (thẩm phán TAND TP HCM, đã nghỉ hưu) kể: “Tôi từng xét xử một bị cáo có hành vi giết người mà trước đó bị cáo không hợp tác, gây khó khăn cho những người tham gia lấy cung. Vì vậy, khi đọc hồ sơ vụ án, tôi đã hết sức thận trọng, đưa ra những lời lẽ, chứng cứ để thuyết phục bị cáo hợp tác. Cuối cùng, bị cáo đã thừa nhận toàn bộ hành vi của mình. Điều tôi muốn nói ở đây là khi xét xử bị cáo “cứng đầu”, chúng ta phải có nghệ thuật để hỏi”.
Cùng chung quan điểm, thẩm phán Vũ Phi Long, Phó chánh Tòa Hình sự TAND TP HCM, cho biết trong trường hợp xác định rõ không phải lý do khách quan nhưng bị cáo không hợp tác, tỏ thái độ chống đối, HĐXX phải giải quyết việc này theo quá trình tố tụng như nhắc nhở, cảnh cáo. Nếu bị cáo vẫn không khai báo, tòa án tiến hành xét xử trên cơ sở những tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ và những người liên quan. TAND TP HCM đã từng xét xử nhiều vụ án bị cáo chống đối, kể cả xử vắng mặt bị cáo.
“Theo tôi, nếu bị cáo gây rối tại phiên tòa thì cần cách ly, tiếp tục xét xử từ những chứng cứ khác vì thực tế để bị cáo tại tòa cũng không thể xét hỏi được gì thêm. Ngoài ra, HĐXX có thể động viên bị cáo, những người tham gia tố tụng trình bày rõ những tình tiết của vụ án để việc xét xử hợp tình, hợp lý, đúng luật. Mặt khác, giải thích vụ án sẽ được cấp phúc thẩm xem xét đúng, sai chứ không phải sau phiên xử là mọi việc kết thúc. Nếu bị cáo cho rằng bị oan sai thì càng cần phải hợp tác với HĐXX để vụ án sáng tỏ” - ông Vũ Phi Long nói.
Theo luật sư Nguyễn Văn Đức (Công ty Luật Kinh Luân), nếu bị cáo cố tình gây khó khăn cho hoạt động xét xử, tòa án có thể căn cứ vào điều 79, 80, 88 Bộ Luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) để ra quyết định bắt tạm giam bị cáo. Nếu bị cáo từ chối khai báo tại tòa, theo quy định tại điều 209 BLTTHS, HĐXX có quyền công bố lời khai của bị cáo, bị hại, người liên quan và các vật chứng, tài liệu khác để phục vụ cho việc xét xử.
Luật sư Đức nói: “Theo điều 50 BLTTHS, bị cáo có quyền trình bày ý kiến của mình tại phiên tòa, có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa, tranh luận tại phiên tòa. Nếu bị cáo từ chối trả lời HĐXX thì vô tình đã tự tước đi quyền của mình được pháp luật cho phép. Đây là điều thiệt thòi cho chính bản thân bị cáo”.
2 năm tù cho bị cáo trong vụ trộm dê
Chiều 15-1, TAND huyện Bắc Bình đã tuyên phạt bị cáo Trần Thị Kim Nguyệt 2 năm tù giam về tội “Trộm cắp tài sản”. Ngay sau khi tuyên án, tòa ra lệnh tiếp tục ra quyết định tạm giam bị cáo 45 ngày. Tòa án cho biết sau này, bị cáo sẽ được trừ 210 ngày tạm giam của những lần bị bắt trước đây, trừ 5 ngày tạm giam trong khi xét xử lần thứ 14 và trừ cả 45 ngày tạm giam mà tòa vừa ra quyết định.
Ngoài ra, bị cáo còn bị buộc bồi thường cho bà Trần Thị Kim Y hơn 22 triệu đồng vì 28 con dê bị thất lạc trong quá trình lùa bắt đi (24 con còn lại đã được công an thu hồi giao lại cho bà Y).
Sau khi nghe HĐXX tuyên án, bị cáo Nguyệt cho biết sẽ làm đơn kháng cáo.
B.Long