Du lịch

Kết thúc phiên tòa Huyền Như: Kiến nghị khởi tố 2 phó giám đốc ViettinBank

(NLĐO) - Sau 13 ngày xét xử căng thẳng, sáng nay (27-1), TAND TP HCM đã tuyên "siêu lừa" Huỳnh Thị Huyền Như án chung thân.

8 giờ 30 phút, HĐXX bắt đầu tuyên án với phần tóm tắt nội dung vụ án cũng như phần xét xử tại tòa.

Nhiều người thân của các bị cáo đã bật khóc khi nghe HĐXX nhắc lại mức án mà VKSND TPHCM đã đề nghị.

11 giờ 30 phút, sau khi phân tích, đánh giá hành vi phạm tội của từng bị cáo, HĐXX nhận định hành vi của các bị cáo đã gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến nhiều khách thể, tài sản, ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng cũng như nhiều mặt trong xã hội. Để lập lại kỷ cương, trật tự trong hoạt động cho vay của ngân hàng, cần phải có mức án nghiêm.

Tuy nhiên, khi lượng hình cũng cần xem xét các tình tiết giảm nhẹ của từng bị cáo. Riêng Huyền Như mặc dù có nhiều tình tiết giảm nhẹ nhưng không thể xem xét bởi lẽ hành vi phạm tội do bị cáo gây ra là đặc biệt nghiêm trọng.

11 giờ 50 phút, tòa bắt đầu tuyên án đối với từng bị cáo. Theo đó, bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên Phó Phòng Quản lý rủi ro VietinBank) lãnh mức án tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 6 năm tù về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Tổng hình phạt là tù chung thân.

Huyền Như tại phiên tòa sáng 27-1
Huyền Như tại phiên tòa sáng 27-1

Các bị cáo khác là Võ Anh Tuấn (nguyên cán bộ Văn phòng VietinBank Chi nhánh TP HCM) lãnh 20 năm tù, Huỳnh Mỹ Hạnh (chị gái Huyền Như, nguyên PGĐ công ty Hoàng Khải) 14 năm tù, Trần Thị Tố Quyên (nhân viên công ty Hoàng Khải) 12 năm tù cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Phạm Anh Tuấn (nguyên giám đốc Công ty CPVT Dầu khí Thái Bình Dương) lãnh 20 năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

13 bị cáo nguyên là cán bộ, nhân viên ngân hàng TMCP Quốc tế và ViettinBank bị phạt từ 4 đến 17 năm tù cùng tội Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Bị cáo Đào Thị Tuyết Dung, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Dung Vân, bị phạt 12 năm tù về tội cho vay nặng lãi và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Cũng với tội cho vay nặng lãi, 4 bị cáo khác lãnh mức án từ 1 năm tù treo đến hơn 2 năm tù giam. Trong đó Nguyễn Thị Lành, nguyên Phó giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Phương Đông bị phạt 2 năm tù giam về tội cho vay nặng lãi và 7 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngoài ra, HĐXX còn tuyên buộc bị cáo Như bồi thường số tiền đã chiếm đoạt cho các tổ chức, cá nhân.

Bên cạnh đó, HĐXX còn kiến nghị xử lý bổ sung đối với Bùi Thị Tố Quyên về hành vi giúp sức cho bị cáo như chiếm đoạt 15 tỉ đồng; kiến nghị khởi tố đối với bà Nguyễn Thị Minh Hương và ông Trương Minh Hoàng (đều là Phó Giám đốc VietinBank Chi nhánh TP HCM) vì đã không kiểm tra, giám sát các hợp đồng đã ký; kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xử lý đối với các các ngân hàng huy động vốn với lãi suất vượt trần cũng như huy bỏ huy động vốn dễ biến tướng thành đầu tư trá hình; kiến nghị xử lý lãnh đạon của các ngân hàng đã ủy nhiệm cho nhân viên gởi tiền với lãi suất cao.

Năm 2007, thời điểm đất đang “sốt”, dù gia đình không có điều kiện, Huyền Như (SN 1978, ngụ quận Bình Thạnh) lúc đó là cán bộ tín dụng của VietinBank Chi nhánh TP HCM đã liều lĩnh vay trên 200 tỉ đồng của nhiều ngân hàng, tổ chức và cá nhân với lãi suất cao để kinh doanh bất động sản và chứng khoán tại TP HCM, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Lạt, Quảng Nam, An Giang.

Đến năm 2010, do kinh doanh thua lỗ và phải trả lãi suất cao, Huyền Như mất khả năng thanh toán. Lúc này, Huyền Như đang là quyền Trưởng Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ của VietinBank, có thẩm quyền phê duyệt lệnh chuyển tiền của chủ tài khoản từ ngân hàng đi các đơn vị, doanh nghiệp theo quyết định của chủ tài khoản với mức 50 tỉ đồng/lệnh.

Để có tiền trả nợ, từ tháng 10-2010 đến tháng 9-2011, lấy danh nghĩa huy động vốn cho VietinBank Chi nhánh Nhà Bè và Chi nhánh TP HCM, Huyền Như đã tiếp xúc với nhiều đơn vị, cá nhân đặt vấn đề gửi tiền vào ngân hàng với lãi suất thỏa thuận cộng lãi suất thưởng từ 18%-36%/năm. Để thực hiện mục đích của mình, Huyền Như đã thuê người làm giả con dấu, tài liệu ngân hàng và nhiều đơn vị, chữ ký trên các chứng từ và hợp đồng… để chiếm đoạt của 9 công ty, 3 ngân hàng, 3 cá nhân với hơn 4.911 tỉ đồng. Số tiền này được Huyền Như dùng để trả vay lãi nặng, tiền chênh lệch ngoài hợp đồng, nợ gốc, nợ lãi trong hợp đồng...

Người lao động

VietinBank, cán bộ, lừa đảo, ngân hàng, Huỳnh Thị Huyền Như, VietinBank Chi nhánh TP HCM, siêu lừa, vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tuyên án


© 2021 FAP
  204,879       1/1,293