(NLĐO) - Trẻ em như búp trên cành, phải được chăm chút, nuôi nấng chu đáo để trở thành những chủ nhân tương lai của đất nước. Thế nhưng nhìn lại một năm đã qua, ai cũng giật mình nhận ra rằng trẻ em Việt Nam đang chịu quá nhiều bất trắc mà trong đó hầu hết các tai họa do chính người lớn mang lại.
Những người lớn cần được nhắc đến đầu tiên là 2 bảo mẫu của nhà trẻ Phương Anh (quận Thủ Đức, TP HCM): Lê Thị Đông Phương và Nguyễn Lê Thiên Lý. Đoạn phim do một người dân ghi lại đã phô bày một “địa ngục” đối với trẻ em mà 2 bảo mẫu là ác quỷ. Tại đây, giờ cơm là giờ tra tấn bởi các bé liên tục bị 2 cô giáo liên tục bóp cổ, gí đầu xuống đất, lấy khăn bịt mũi, tát bôm bốp vào mặt hoặc xách lên dọa bỏ vào thùng nước, mặc cho các bé khóc lóc, van xin.
Bảo mẫu Đông Phương tát trẻ bôm bốp trong giờ ăn cơm
Trước đó không lâu là vụ bảo mẫu Hồ Ngọc Nhờ, cũng ở quận Thủ Đức, đã nhẫn tâm đạp chết một cháu bé 18 tháng tuổi cũng chỉ vì cháu không chịu ăn.
Vừa qua, 2 bảo mẫu của nhà trẻ Phương Anh đã phải ra tòa để lãnh cùng mức án 3 năm tù giam về tội hành hạ người khác. Riêng bảo mẫu Nhờ cũng đã bị truy tố về tội giết người. Thế nhưng, ai dám chắc rằng đây là 2 vụ hiếm hoi trong hàng vạn nhà trẻ đang hoạt động ở nước ta bởi vẫn còn nhiều vụ chưa được rõ trắng đen: Vụ cháu Trần Nhật Hương (12 tháng tuổi) ở Long Biên, Hà Nội chết tức tưởi tại trường mầm non Thiên Thần Nhỏ sau 2 ngày đi học; vụ Đặng Bảo Long bị gãy cả 2 chân khi đi nhà trẻ…
"Bảo mẫu" Hồ Ngọc Nhờ
Đạo đức xuống cấp, cơ quan chức năng buông lỏng quản lý hoạt động của các nhà trẻ tư nhân là thực trạng đáng lo hiện nay mà con em chúng ta là chủ thể nhận mọi hậu quả đau xót.
Mà đâu chỉ trẻ bị người dưng hành hạ khi “ra đời”. Dư luận đã không ít lần giận sôi gan khi có không ít trẻ bị đánh đập, hành hạ dã man và thậm chí mất mạng ngay dưới mái nhà mình bởi những người ruột thịt. Riêng năm 2013 đã có hàng chục vụ bạo hành trẻ em chấn động, như: Vụ bé trai 9 tuổi bị cha là ông Trần Thới (41 tuổi, ở Quảng Ngãi) đánh đập dã man phải nhập viện; 2 cháu 9 và 13 tuổi bị cha ruột là Võ Đình Đào (42) tuổi dùng dùi cui đánh chết; cháu N.T.H. (12 tuổi) bị cha ruột là Nguyễn Văn Lam (34 tuổi, ở huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk) bạo hành nhiều năm rồi đánh chết vào vào tháng 11-2013…
Bé Trần Tự, bị cha là Trần Thới đánh bầm dập cả người
Đâu là nơi an toàn cho trẻ khi môi trường sống, học tập, vui chơi của trẻ em đang hiện lên ngày càng vẩn đục. Có thể dễ dàng nhận ra là từ lúc sinh ra cho đến lúc trưởng thành, đâu đâu trẻ cũng bị rình rập những tai họa.
Mới lọt lòng vài ngày, không ít trẻ đã phải lìa đời vì tiêm vắc-xin. Đến khi chưa biết nói, biết đi đã rời vòng tay mẹ để đến nhà trẻ để chịu cảnh hành hạ dã man của những “ác mẫu”. Lớn hơn một chút, khi đến trường thì lại gặp càng nhiều rủi ro hơn bởi tai nạn giao thông, đuối nước. Năm qua, dù không có thống kê đầy đủ nhưng có không dưới 100 học sinh chết đuối mà vụ 7 em bỏ mạng ở Cần Giờ là ví dụ đau xót.
Trẻ bị tổn thương về thể chất, tinh thần và cả tính mạng nhưng ai sẽ đòi lại công bằng cho trẻ khi những tổn thương đó do chính người lớn, những người có nghĩa vụ bảo vệ những búp non trên cành, gây ra? Những bảo mẫu rồi sẽ phải trả giá bằng hình phạt tù; những ông bố, bà mẹ dữ dằn sẽ bị pháp luật trừng trị, xã hội dè bỉu nhưng làm sao có thể bù đắp, làm lành những vết thương cho trẻ? Với tuổi thơ dữ dội, làm sao trẻ có thể phát triển một cách bình thường về thể chất và tinh thần?
Những câu hỏi đầy day dứt mà bản thân người viết bài này cũng không thể nghĩ ra được câu trả lời, lý giải thỏa đáng.
Ai cũng đã trải qua tuổi thơ nên hãy đem lại những gì tốt đẹp nhất mà chúng ta từng ao ước trong tuổi thơ đến cho con em chúng ta. Cuộc sống ngày càng phát triển, hãy làm sao để chúng ta - những thế hệ lớn lên trong chiến tranh hoặc thời buổi còn nghèo khó - nhìn những đứa trẻ hôm nay mà thốt lên rằng “con cái chúng ta sướng thật”, chứ không phải là “con cái chúng ta khổ thật!”.
chết đuối, dã man, bảo mẫu, hành hạ, Thủ Đức, trẻ em, 2 bảo mẫu nhà trẻ phương anh, ăn cơm