Du lịch

Gia đình ông Chấn vui hơn Tết

“Dù còn túng thiếu nhưng được ăn Tết trong chính căn nhà của mình, được sum vầy với người thân thì không hạnh phúc nào hơn” - ông Nguyễn Thanh Chấn tâm sự về mùa Xuân đầu tiên sau 10 năm tù oan

Đúng 25 Tết (ngày 25-1), Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã công bố quyết định đình chỉ điều tra đối với ông Nguyễn Thanh Chấn. Với quyết định này, sau 10 năm ngồi tù oan, đến hôm nay, ông Chấn mới chính thức vô tội, không còn liên quan đến vụ án giết người.

Những trang nhật ký đẫm nước mắt

Chúng tôi tìm đến nhà ông Chấn ở Bắc Giang. Căn nhà vẫn rách nát như xưa, cánh cửa sổ xô lệch vì mất một bên bản lề cũng chưa được sửa lại dù Tết đã cận kề. Mời chúng tôi cùng ngồi vào mâm cơm cúng ông bà họ Nguyễn, ông Chấn hồi tưởng những cái Tết trong tù với nỗi oan ức tột cùng.

Giở từng trang nhật ký của cô con gái Nguyễn Thị Quyền (đã đi xuất khẩu lao động), đôi mắt ông Chấn rưng rưng. Cuốn nhật ký này ông vô tình phát hiện khi đi tù về,  lúc dọn dẹp lại nhà cửa.

“Hôm nay là mùng 2 Tết. Đây là cái Tết thứ hai bố xa nhà rồi, bố ơi. Đêm qua, đón giao thừa một mình ngoài cửa, con đã khóc rất nhiều. Khi ấy, pháo hoa ở phía xa rực trời. Ở trong tù, không biết bố có được đón giao thừa không nữa? Bây giờ, con chẳng thể làm gì được, chỉ thầm cầu mong cho bố khỏe mạnh, sớm trở về với gia đình. Bố ơi, bố có nghe thấy lời con nói không? Con nhớ bố nhiều lắm!”.

Đọc lại những dòng nhật ký con gái viết cho chúng tôi nghe, ông Chấn không kìm được, khóc rưng rức như một đứa trẻ.

Ông Chấn thắp hương mời ông bà tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu
Ông Chấn thắp hương mời ông bà tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu
Giờ đây, ông Chấn mới có thể tự tin chúc rượu, trò chuyện với mọi người
Giờ đây, ông Chấn mới có thể tự tin chúc rượu, trò chuyện với mọi người

Theo lời kể chắp vá, lúc nhớ, lúc quên của ông Chấn, năm 2004, ông đón cái Tết đầu tiên trong tù ở Trại Kế (Bắc Giang). Từ cái Tết thứ hai, ông đi Vĩnh Quang (Vĩnh Phúc). Hai năm đầu đón Tết trong  tù, ông không nhớ gì hơn ngoài sự buồn tủi vì oan ức không thể giãi bày và người nhà chưa kịp tiếp tế.

“Buồn lắm! Trong tù thiếu thốn  nhiều thứ. Gia đình nào khá giả, gửi thực phẩm vào nhiều thì người đó đầy đủ hơn. Ở Vĩnh Quang, những ngày Tết, chẳng ai ngủ được. Đêm giao thừa, mọi người nằm đó, chong mắt cho đến trời sáng. Thế là cũng qua một năm mới” - ông Chấn bùi ngùi.

Là người mới, ông Chấn không nhận được sự chia sẻ từ các tù nhân khác. Mấy ngày nghỉ Tết, ông chỉ biết ngồi thu lu ở một góc buồng giam khóc thầm, nhớ về những ngày đón năm mới bên gia đình.

Ở nhà, tình cảnh của mẹ và vợ con ông Chấn cũng không hơn gì. Từ khi ông đi tù, cả gia đình chẳng còn thiết tha gì Tết nhất. “Cứ khoảng 25-27 Tết, mấy mẹ con lại dắt díu nhau lên thăm chồng, thăm cha. Thường ngày, tiền bạc đã không có vì làm bao nhiêu đều dồn cho việc đi kêu oan, đến Tết thì nhà còn chút gì đều gom góp thăm nuôi” - bà Nguyễn Thị Chiến, vợ ông Chấn, nhớ lại.

Thấy vợ con khổ quá, có những Tết, ông Chấn bảo thôi, đừng tiếp tế, ông ở tù tất nhiên chẳng sung sướng gì nhưng được nhà nước nuôi, không lo đói. Cứ thế, người trong tù, người ở ngoài lay lắt sống, chỉ có niềm tin ông Chấn vô tội là không bao giờ lung lay.

Lại được giã giò, gói bánh chưng...

“Mấy tháng qua, dù được trả tự do nhưng chưa có quyết định chính thức, tôi vẫn thấy lo lắng, không làm được gì cả. Thêm vào đó, vợ ốm đau triền miên, trước khi nghỉ Tết, bác sĩ còn bắt phải đến lấy thuốc về uống… Bây giờ mọi chuyện đã qua, tôi có thể thở phào nhẹ nhõm rồi” - ông Chấn  nói.

Những ngày cuối năm, ông  dành thời gian đi thăm hỏi bà con làng trên, xóm dưới. “Gặp họ, tôi chỉ nhớ được những người cao tuổi, còn lại không biết mấy, nhất là các cháu mới lớn. Hồi mới  cưới vợ, tôi thuộc dạng có điều kiện kinh tế của xóm. Lúc ấy nhà cửa khu này chả có gì, vậy mà giờ về trông khang trang quá” - ông Chấn vừa đưa tay giới thiệu khắp nơi vừa nói. Mọi thứ dường như quá lạ lẫm với ông. Mười năm là quãng thời gian đủ để người ta quên nhiều thứ.

Ông Chấn khoe năm nay gia đình ông vui hơn Tết. Ông đã chuẩn bị mọi thứ để nấu bánh chưng ngay ngày 29 thay vì 30 Tết. “Tôi lại được giã giò, gói bánh chưng cùng cả gia đình. Tự tay tôi sẽ trang hoàng lại nhà cửa, ra đồng thắp hương mời ông bà tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu. Dù còn túng thiếu nhưng được ăn Tết trong chính căn nhà của mình, được sum vầy, đoàn tụ với người thân thì không có hạnh phúc nào hơn nữa” - ông Chấn rạng rỡ.

Nhìn ông lăng xăng hết bàn này đến bàn khác chúc rượu trong buổi họp mặt của họ Nguyễn, chúng tôi thầm nghĩ nỗi oan ức, tủi nhục của những năm tháng ngồi tù oan dường như đã được ông trút bỏ lại cùng năm cũ.

Kỷ vật nhắc nhớ một thời

Ông Nguyễn Thanh Chấn đưa cho chúng tôi xem một cuốn sổ nhỏ, cũ nát mang từ nhà giam về. Cuốn sổ đầy những dòng chữ viết nguệch ngoạc nhưng chất chứa cảm xúc trong thời gian ông thụ án.

Ông Chấn rưng rưng giở từng trang ghi chép trong tù
Ông Chấn rưng rưng giở từng trang ghi chép trong tù

Trong sổ, có trang ông viết cho con: “Bố viết mấy lời về hỏi thăm sức khỏe toàn thể gia đình và tất cả anh em họ hàng nội ngoại cùng với dân làng sang năm mới được mạnh khỏe. Còn bố lúc nào cũng mơ về quê hương để đoàn tụ gia đình. Không biết đèn giời có soi xét cho không? Sao mà pháp luật lại có những người mất hết lương tâm, bắt người vô tội phải nhận việc tày đình?”.

Thương nhớ mẹ già trong dịp năm mới, ngày 20-12-2005, ông viết: “Mẹ ơi, con là Chấn đây. Thế là thấm thoát được hơn 2 năm rồi, trong lòng và đầu óc con lúc nào cũng nghĩ về quê hương, gia đình bây giờ thế nào. Con ở trong này không biết kêu ai được nữa. Nhiều lúc cứ nghĩ chết đi cho xong, khỏi phiền đến mọi người xung quanh, khỏi phải phiền đến mẹ và vợ con. Nhưng rồi anh em khuyên chết thì dễ, sống mới khó…”.

Một ngày đầu năm mới, viết thư cho vợ, trái tim ông thổn thức: “Đêm nay, khi tất cả anh em trong trại đã chìm vào giấc ngủ, anh không sao ngủ được, trong lòng cứ nghĩ về em và các con mà hai dòng nước mắt cứ tuôn rơi… Không biết đến bao giờ mới hết được cảnh khổ này. Không biết bao giờ vợ chồng mình được sum họp, cùng ăn bữa cơm bên đàn con ngoan trong ngày Tết”.

Ở tù nhiều năm, ông vẫn không sao quen được những cái Tết ở đó. Nó khác xa cuộc sống tự do trước đó của ông. Ông uất nghẹn vì phải chịu trừng phạt bởi những tội lỗi không phải do mình gây ra. “Trong trại cái gì cũng thèm. Giờ về thích ăn gì thì cũng 1-2 bữa là chán. Tivi trong trại mỗi buồng có 1 chiếc lắp K+ đàng hoàng nên phạm nhân mở suốt đêm nhưng tôi lại thích nghe chuyện đêm khuya Bạn hãy nói về chúng tôi của Đài Tiếng nói Việt Nam” - ông nhớ lại.

Những trang chữ nguệch ngoạc cùng quãng đời oan ức, thấm đẫm nước mắt đã trở thành quá khứ. Tuy nhiên, ông Chấn cho biết vẫn xem cuốn sổ như một kỷ vật, nó nhắc nhớ một thời oan sai để ông giữ mình sống cho trọn vẹn hơn.

Người lao động

© 2021 FAP
  204,846       1/1,292