(NLĐO)- Đã chọn nghề y thì hiếm có y bác sĩ nào không một lần đón Tết ở bệnh viện. Thế nhưng kể cả khoảnh khắc đầu tiên của năm mới khi người người được sum họp bên gia đình thì họ vẫn hết mình với công việc.
Thời khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, dù ai đi làm ăn, công tác hay học tập ở bất cứ nơi đâu, dù bận trăm công nghìn việc nhưng đều cố gắng thu xếp công việc để được sum họp cùng gia đình, người thân ở nhà. Tuy nhiên, có đến bệnh viện (BV), nhất là những BV tuyến cuối, nhưng cơ sở cấp cứu, điều trị ngoại khoa thì dường như Tết lại tất bật hơn ngày thường.
Tết bận hơn ngày thường
Dù những năm gần đây các y bác sĩ bớt “bận rộn” hơn khi “độ nóng” của các dịch bệnh nguy hiểm như A/H5N1, H1N1, SARS… đã giảm dần vào dịp Tết nhưng với nhiều y bác sĩ BV đới Trung ương những ký ức về quãng thời gian tập trung “trực chiến” với nhiều dịch bệnh nguy hiểm thì vẫn thật khó quên. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu vẫn nhớ như in thời điểm tháng cuối cùng của Tết nguyên đán 2009 khi mà Tết nhất đã cận kề nhưng tại BV người dân vẫn ùn ùn kéo đến xét nghiệm.
“Thời điểm đó cúm A/H1N1 “bùng nổ” nhiều nước và được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo ở mức cao nhất nên không chỉ giới chuyên môn căng thẳng mà người dân cũng rất lo lắng. Có ngày người bệnh đeo khẩu trang đứng xếp hàng vòng trong vòng ngoài chờ làm xét nghiệm cúm A/H1N1, còn các phòng bệnh thì kín đặc bệnh nhân. Cũng may, sau ngày ông Táo chầu trời, số lượng bệnh nhân nhập viện và khám do cúm H1N1 giảm hẳn. Thế nhưng không vì thế mà chúng tôi dám lơ là. Tết đó ngoài việc duy trì lực lượng nhân viên trực thì những nhân viên của BV không trong lịch trực vẫn phải thường trú để sẵn sàng tăng cường nếu được huy động…”- bác sĩ Cấp kể.
Chăm sóc bệnh nhân tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương những ngày giáp Tết nguyên đán 2014
Chia sẻ về chuyện trực Tết BV, bác sĩ Cấp trải lòng, với bệnh nhân họa hoằn lắm cũng chỉ phải đón giao thừa ở BV một vài lần trong đời nhưng với các y, bác sĩ thì gần như đã là chuyện thường xuyên. Đêm 30, mồng 1 hay mồng 2 Tết luôn có họ túc trực trong BV, sẵn sàng cấp cứu bệnh nhân. Thậm chí Tết các y bác sĩ trực phải làm việc nhiều hơn vì mọi người chia nhau để nghỉ Tết, còn một số sinh viên thực tập cũng nghỉ Tết về quê.
Khi chọn nghề này, người thầy thuốc chấp nhận hy sinh nhiều thứ trong đó có niềm vui đón Giao thừa bên gia đình, người thân. Dĩ nhiên trực tết ở BV, các y, bác sĩ cũng vẫn tổ chức đón giao thừa. Mọi người thay nhau tập trung về hội trường của khoa cùng nâng một ly rượu vang, ăn miếng bánh và chúc nhau năm mới an lành. Sau khoảnh khắc giao thừa, lãnh đạo BV cùng các y, bác sĩ lại tới tặng quà, thăm hỏi, động viên bệnh nhân…
Trong con mắt của nhiều người có lẽ vất vả nhất là công việc trực cấp cứu ở những điểm nóng về cấp cứu tai nạn giao thông. Điều dưỡng Ngô Xuân Tiệp, Khoa Cấp cứu (BV Việt Đức) cho hay trực cấp cứu trong những ngày Tết lại vất vả hơn rất nhiều bởi trong những năm gần đây, số ca bệnh cấp cứu nặng thường có chiều hướng tăng lên nhiều hơn so với ngày thường. Khi đó, kíp trực sẽ phải làm việc rất vất vả bởi nhân viên cũng chia nhau nghỉ Tết. Những điều dưỡng, bác sĩ trực luôn phải chịu những áp lực rất lớn, trước hết là áp lực về chuyên môn. Bên cạnh đó còn là áp lực từ phía gia đình, người thân của bệnh nhân.
Với các cán bộ, nhân viên Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội thì hầu như không bao giờ được nghỉ trọn vẹn 3 ngày Tết cùng gia đình. “Ở đây ngày Tết cũng như ngày thường, thậm chí còn căng thẳng hơn. Nhiều đêm giao thừa, tất cả các kíp trực đều phải lên đường làm nhiệm vụ”- bác sĩ Trần Văn Nam, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội cho biết.
Bác sĩ Nam tâm sự, có những giao thừa, người thì trực điều hành ở trung tâm, người thì đón giao thừa ở nhà bệnh nhân, người thì gấp gáp lên đường cấp cứu, đưa bệnh nhân đến BV…. Đón nhận những thông tin này những người làm công tác quản lý không khỏi chạnh lòng. Nhưng đặc thù công việc là thế nên chỉ còn cách tìm giải pháp để nâng thêm thu nhập cho anh em, làm công tác tư tưởng, đồng thời động viên họ, lấy niềm vui khỏa lấp nỗi buồn mỗi khi cứu thêm được một bệnh nhân thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
Với bác sĩ Nguyễn Trường Sơn (Khoa Tiêu hóa, BV Bạch Mai) thì trực Tết các y bác sĩ chỉ mong không có bệnh nhân nhưng chẳng bao giờ mong muốn ấy thành hiện thực vì bệnh nhân vẫn ùn ùn nhập viện vì xuất huyết tiêu hóa, đau dạ dày, ngộ độc rượu… “Ngày Tết nhiều người ăn uống, bia rượu chúc tụng nhau đến mức nhập viện vì xuất huyết tiêu hóa cũng không phải là hiếm. Nếu cấp cứu mà bệnh nhân qua khỏi thì không sao nhưng nếu cấp cứu rồi mà bệnh nhân vẫn “đi” thì lúc ấy bác sĩ cũng chán, cũng buồn”- bác sĩ Sơn chia sẻ.
Theo nhiều bác sĩ, mặc dù chuyện ngộ độc rượu năm nào cũng nói đi nói lại nhưng Tết năm nào cũng chiếm 20- 30 % bệnh nhân cấp cứu tại Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) là ngộ độc nặng do rượu. ó bệnh nhân cấp cứu. “Có những bệnh nhân được đưa vào viện trong tình trạng bị hôn mê sâu, suy hô hấp, huyết áp tụt. Thậm chí có những bệnh nhân dù được điều trị tích cực nhưng vẫn không qua khỏi, gia đình đành xin bệnh nhân về trước giao thừa”- một bác sĩ kể.
Căng mình đón bệnh nhân cấp cứu tai nạn
Có mặt ở nơi cấp cứu nhiều bệnh nhân bị tai nạn nhất - BV Việt Đức (Hà Nội) những ngày Tết cận kề là hình ảnh những y bác sĩ hối hả chạy đua với thời gian để giành giật mạng sống bệnh nhân với tử thần. Tại phòng Hồi sức cấp cứu của Khoa đang có gần chục bệnh nhân được theo dõi, người đang rơi vào trạng thái hôn mê do bị chấn thương sọ não, người nửa mê nửa tỉnh bởi đa chấn thương, người vật vã với những chấn thương do bị tai nạn lao động, tai nạn giao thông... cùng tiếng kêu tít tít từ các máy móc hỗ trợ.
Nhiều trường hợp, một bệnh nhân vào cấp cứu, có đến gần chục người nhà theo sau, ai cũng cuống quýt, lo sợ. Các y bác sĩ, điều dưỡng ngoài việc nhanh chóng tiến hành cấp cứu cho người bệnh, còn làm thêm nhiệm vụ trấn an thân nhân.
Điều dưỡng Nguyễn Văn Uy, Khoa Cấp cứu cho biết vì là BV ngoại khoa lớn nhất khu vực miền Bắc nên cứ mỗi dịp Tết là BV căng mình đón bệnh nhân cấp cứu. Số ca cấp cứu do tai nạn trong những ngày Tết tăng gấp đôi ngày thường. Trong số các ca bị tai nạn thì tai nan giao thông chiếm từ 70-80%, tai nạn lao động chiếm từ 6-10%.
Thời khắc giao thừa số bệnh nhân nặng nhập viện không nhiều chủ nhưng đến chiều ngày mùng 1 Tết và sang ngày mùng 2 có những năm bệnh nhân nhập viện như “trẩy hội”, đến mức cáng cũng không đủ để bệnh nhân nằm. Chỉ Tết năm ngoái thôi, Phòng hồi sức cấp cứu của BV Việt Đức không lúc nào vắng người trong những ngày đầu năm mới. Trong mấy ngày Tết BV đã cấp cứu hơn 600 trường hợp tai nạn giao thông.
Bác sĩ mổ cấp cứu đến quên giao thừa
Bệnh nhân cấp cứu trong những ngày Tết đông nghịt (Ảnh chụp tại Khoa- Cấp cứu - BV Bạch Mai)
Hơn 15 năm gắn bó với nghề y, Điều dưỡng trưởng Nguyễn Xuân Vinh, Khoa Phẫu thuật tim mạch lồng ngực (BV Việt Đức), cho biết hiếm có năm nào mà anh không trực Tết. Vì nếu không trực 30, mùng 1 thì cũng trực vào những ngày sau đó. Tuy vậy BV vào những ngày Tết cũng có không khí Tết ấm cúng như trong gia đình. Dù bận rộn thế nào thì những ngày cuối năm Khoa cũng phải có cành đào, cây quất để đón Tết và cảm nhận không khí ngày Tết. Ngoài việc lo cấp cứu và điều trị, từ Giao thừa cho đến sáng mồng 1 Tết, lãnh đạo BV và khoa sẽ đi thăm hỏi, động viên và tặng quà cho bệnh nhân và người nhà của bệnh nhân còn ở lại BV.
“Bình thường lời chúc sức khỏe luôn là những lời quý thì ở trong viện, nó càng ý nghĩa hơn nhiều. Bác sĩ mong bệnh nhân sớm mạnh khỏe và ra viện. Còn bệnh nhân cũng muốn mình mau khỏe. Bởi ngày Tết, phải ở lại viện là việc chằng đừng. Nhưng dường như trong ngày Tết, tình thương, tình yêu của con người mới bộc lộ rõ. Với thầy thuốc cũng vậy, ngày thường, công việc cứu người khiến chúng tôi xoay tròn, không còn thời gian để suy nghĩ nhiều cho chính mình. Ngày Tết, những người mặc áo trắng được cụng ly, được chúc tụng nhau những lúc không có bệnh nhân cấp cứu. Tuy nhiên cũng có những bác sĩ giao thừa qua lúc nào cũng chẳng hay, vì lúc đó họ đang tập trung cao độ dưới ánh sáng của đèn mổ giành giật sự sống cho bệnh nhân. Với tâm lý mang đến cho người bệnh những niềm vui trong thời khắc năm mới nên các y, bác sĩ đã dành hết tâm sức cho những ca bệnh”- điều dưỡng Vinh trải lòng.
Với nhiều sinh viên y khoa lần đầu tiên trực tết ở BV thì buồn vui cũng xen lẫn tâm trạng háo hức. Sinh viên Nguyễn Thùy Linh cho biết Tết đến ai cũng về nhà nhưng khi chọn nghề y nghĩa là mình đã xác định tâm lý từ trước rồi. “Nếu trực Tết đúng giao thừa cũng hơi buồn một chút vì không được ở bên gia đình và được đi chơi với người yêu. Tuy nhưng bù lại có thể đó niềm vui vì được giúp đỡ bệnh nhân trong thời khắc thiêng liêng của năm cũ và năm mới. Có lẽ đó cũng là một niềm vui đặc biệt mà ít người có được”- Linh cười nói.
Trong khi nhiều người cho rằng đầu năm người ta kiêng gặp bà đẻ nhưng với bác sĩ sản khoa điều đó chẳng quan trọng, miễn sao giúp được sản phụ mẹ tròn con vuông. “Những tiếng khóc chào đời của con trẻ, niềm vui của các gia đình khi “mẹ tròn con vuông” là những niềm vui không phải nghề nghiệp nào cũng có”- một bác sĩ BV Phụ sản Trung ương tâm sự.
Khi hỏi về những mong muốn trong ngày đầu năm mới, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cười: “trực Tết quen rồi, đương nhiên là mong ít bệnh nhân phải nhập viện trong những ngày Tết. Nhưng cũng không mong họ cứ nấn ná ăn Tết ở nhà không vào viện thì bệnh tình sẽ nặng hơn”.
Bác sĩ Cấp cũng cho biết, đã có nhiều trường hợp bệnh nhân cấp cứu trong những ngày Tết trong trường hợp bệnh tình nguy kịch do… cố ăn Tết. Còn với bác sĩ Nguyễn Văn Nam: “Tết này mong sao sẽ có rất ít cuộc gọi yêu cầu cấp cứu đến tổng đài của Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội nói riêng và các cơ sở y tế nói chung. Điều đó cũng đồng nghĩa rằng, mùa xuân an lành đã đến với mọi nhà trong những ngày đầu năm mới”.
Không muốn nhắc lại những ký ức buồn trong những ngày trực Tết, điều dưỡng Vinh bày tỏ, ở tỉnh xa nếu như ngày Tết mà phải chuyển lên BV Việt Đức, nghĩa là phần lớn là những ca bệnh nặng, tuyến dưới không có khả năng cứu chữa.
Năm nào cũng vậy vào mấy ngày đầu năm mới, lượng người vào cấp cứu chật cứng, không có chỗ cho người khỏe đứng vì tràn ngập cáng cứu thương. Bệnh nhân cấp cứu từ khắp nơi đổ về. Nhất là từ ngày mùng 2 trở đi, số bệnh nhân cấp cứu tai nạn giao thông luôn đạt mức kỷ lục. “Mong rằng những ngày trực Tết năm nay sẽ là kỷ niệm vui chứ không phải là nỗi đau vì phải chứng kiến những cảnh tai nạn thương tâm khi người bệnh quằn quại trong đau đớn”- điều dưỡng Vinh giãi bày.
20 năm đón giao thừa BV, PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Việt Đức chia sẻ: “Dù biết sự vắng mặt của người chồng, người cha trong đêm giao thừa là sự thiệt thòi cho cả gia đình nhưng tôi vẫn vui vẻ chấp nhận bởi đó là nghề mà tôi đã chọn. Cũng như các bạn phóng viên dù say xe vẫn phải chấp nhận “nôn mửa” để đến những vùng đất mới, mang thông tin đến cho độc giả”.
Hà Nội, cấp cứu, BV Việt Đức, Tết nguyên đán, bệnh nhân cấp cứu tai nạn giao thông