Hàng loạt ổ dịch cúm gia cầm tái phát ở ĐBSCL nhưng cơ quan chức năng lẫn người dân đều thờ ơ với công tác phòng chống dịch
Theo số liệu mới nhất của cơ quan chức năng, Đồng Tháp là địa phương đầu tiên ở ĐBSCL có ca tử vong sau khi ăn thịt gà nhiễm cúm A/H5N1. Tại huyện Châu Thành, người dân thản nhiên ăn thịt gia cầm chết hoặc đào hố chôn nhưng không thông báo cho các ngành chức năng.
Vắng bóng lực lượng chống dịch
Tại TP Cần Thơ, trước và trong Tết, nhiều ổ cúm gia cầm xảy ra ở phường Phú Thứ (quận Cái Răng), phường Cái Khế (quận Ninh Kiều), phường Thạnh Hòa (quận Thốt Nốt) và xã Nhơn Nghĩa (huyện Phong Điền).
Hộ anh Võ Thanh Sơn ở phường Phú Thứ có cả trăm con gà, vịt, ngỗng chết nhưng anh chỉ đào đất chôn qua loa chứ ngại báo cáo lên phường và ngành thú y của quận. Lý do được anh Sơn đưa ra là “hầu như dịp Tết năm nào gia cầm cũng tái phát dịch. Ngày thường thông báo với các ngành chức năng còn khó nói chi mấy ngày Xuân. Tết có ai trực đâu mà báo!”.
Trong khi đó, tại thị trấn Mái Dầm và xã Phú Hữu, huyện Châu Thành (tỉnh Hậu Giang), gia cầm chết vẫn liên tục xảy ra. Nhiều hộ không nắm rõ tác hại của cúm A/H5N1 nên vô tư sử dụng thịt gia cầm chết làm mồi nhậu trong mấy ngày Tết. Anh Nguyễn Thanh T. - ngụ thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành - thản nhiên nói: “Hồi xưa gà, vịt chết hoài nhưng người dân vẫn làm thịt ăn bình thường có thấy sao đâu”.
Bày bán công khai
Mặc dù dịch cúm gia cầm đang có khả năng bùng phát nhưng tình trạng mua bán và giết mổ gia cầm sống chưa qua kiểm dịch vẫn diễn ra công khai. Trong mấy ngày Tết, tại các chợ trên địa bàn TP Vị Thanh và huyện Vị Thủy, Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang), gia cầm sống vẫn được các tiểu thương trưng bày ra phía trước chợ.
Ở TP Cần Thơ, công tác kiểm tra mua bán, giết mổ gia cầm sống hầu như bỏ ngỏ trong mấy ngày Tết. Người mua, kẻ bán gia cầm sống vẫn ra vào tấp nập trong lúc tái phát dịch bệnh. Sát vách Công an phường An Hòa (chợ An Hòa, quận Ninh Kiều), một số tiểu thương luôn miệng chào mời khách. Đặc biệt, khu vực từ đầu Quốc lộ 91B kéo dài đến chợ Bà Bộ (quận Bình Thủy) trong mấy ngày Tết, gia cầm sống được các tiểu thương bày tràn lan ra vệ đường với giá 120.000 đồng/kg, cộng thêm tiền công mổ xẻ là 10.000 đồng/con, mặc cho hàng loạt biển báo “Cấm mua, bán, giết mổ gia cầm sống” được dựng lên từ rất lâu.
Bên hông chợ Bà Bộ, một lò giết mổ gia cầm “chui” luôn tấp nập người ra vào. Đến nỗi chủ lò luôn tay dùng cù móc để móc chân gà cân bán cho khách hàng. Khi khách có nhu cầu làm thịt tại chỗ, 5 nhân viên tại đây thay phiên nhau mổ, xẻ. Nhiều khách hàng thấy gia cầm làm thịt “nóng” như thế lại cho rằng đấy là gia cầm “sạch” bệnh, khỏi lo dịch cúm.