Sức khỏe

Thai phụ mắc bệnh, dùng thuốc thế nào?

Trong phần lớn các bệnh thông thường vẫn có những phác đồ điều trị an toàn cho thai kỳ. Không điều trị kịp thời và đúng cách mới đáng lo ngại

Sau 4 ngày chịu đựng những cơn sốt hâm hấp, sổ mũi, nhức đầu do viêm xoang tái phát và sự hối thúc của chồng, chị Ng.T.T (27 tuổi; giáo viên; ngụ quận Gò Vấp, TP HCM), mang thai tháng thứ 4, mới chịu gọi cho bác sĩ (BS) để nhờ tư vấn về tình trạng bệnh.

Không trị bệnh mới nguy

Trước đó, nghe lời khuyên của các chị trên một diễn đàn mẹ và bé, như “đang bầu không được uống thuốc nhé”, “bầu nhỏ uống thuốc, con mang tật đó”, “cố chịu đựng vì con nghe em”, chị T. nhất định cố chờ bệnh tự khỏi vì sợ đi BS sẽ ảnh hưởng tới con.

Theo BS Nguyễn Ngọc Thông, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM, việc trị bệnh, dùng thuốc trong thai kỳ cần hết sức cẩn trọng nhưng quan niệm mắc bệnh không dám chữa có khi còn nguy hiểm hơn cho cả người mẹ lẫn em bé trong bụng. “Ví dụ như bệnh đái tháo đường thai kỳ - một bệnh phát sinh trong thai kỳ và gặp ngày càng nhiều - nếu không được kiểm soát tốt bằng cách thay đổi chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt hay các biện pháp triệt để hơn khi cần thiết thì chắc chắn sức khỏe thai phụ và thai nhi bị đe dọa. Hay cao huyết áp thai kỳ không được kiểm soát thì nguy cơ sản giật - một trong những tai biến nguy hiểm hàng đầu trong thai nghén - có thể xảy ra. Một số thai phụ đã sẵn có vấn đề ở tim, khi mang thai thì tình trạng thai nghén làm bệnh tim lộ ra, không trị cũng sẽ rất nguy vì tình trạng mang thai, sinh nở khiến tim càng quá tải” - BS Thông phân tích.

BS Thông cũng lưu ý trong những ngày mùa mưa và mùa hè, một số bệnh nhiễm siêu vi gia tăng nên các thai phụ cũng có nguy cơ như người thường. Trong nhiều bệnh như sốt xuất huyết, thủy đậu, sốt siêu vi..., người bệnh thường bị sốt rất cao. Nếu không dám trị, để sốt cao, co giật thì nguy cơ bị sảy thai rất cao, chưa kể các biến chứng khác nguy hiểm đến mẹ nếu không được can thiệp.

Vẫn có thuốc an toàn

TS-BS Lê Thị Thu Hà, Trưởng Khoa Hậu sản M - Bệnh viện Từ Dũ, cho biết các loại thuốc trên thị trường rất nhiều, có loại ảnh hưởng đến thai nhưng cũng có những loại an toàn.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đưa ra hệ thống phân loại thuốc dựa theo mức độ nguy cơ ảnh hưởng tới thai, bao gồm các loại A, B, C, D, X; dựa vào các bằng chứng nghiên cứu trên người hoặc động vật.

Trong đó, thuốc loại A là thuốc thuộc loại an toàn cho phụ nữ có thai (ví dụ như axít folic là tuyệt đối cần thiết cho phụ nữ có thai, nếu thiếu có thể gây dị tật cho thai nhi). X là thuốc rất có hại, tuyệt đối không dùng (tức chống chỉ định) cho phụ nữ có thai (thí dụ như thuốc trị ung thư hay thuốc trị mụn trứng cá isotretinoin vì sinh quái thai). Giữa A và X có 3 loại B, C, D là các thuốc bác sĩ có thể chỉ định cho phụ nữ có thai trong trường hợp cần thiết và phải cân nhắc giữa lợi ích điều trị và nguy cơ gây hại. Thuốc loại B an toàn hơn C, D nghĩa là thuốc loại C bắt buộc dùng phải cân nhắc thật kỹ hơn thuốc loại B và nếu là thuốc loại D thì tốt nhất là không nên dùng (bởi cận kề với mức X).

Theo BS Thông, trong đa số các bệnh thông thường, vẫn có những phác đồ điều trị an toàn cho thai kỳ. Vì vậy, thai phụ cần thông báo với BS về việc mình đang mang thai khi đi khám bệnh để được kê đơn phù hợp.

BS Thông lưu ý một số bệnh như lao, bướu cổ, viêm dạ dày do HP, eczema, một số bệnh dị ứng, bệnh tiểu đường... đang ở giai đoạn chưa ổn định, người bệnh rất cần duy trì thuốc nhưng những thuốc này đều có thể ảnh hưởng xấu đến thai. Do đó, khi đang trong giai đoạn trị bệnh, nữ bệnh nhân cần áp dụng các biện pháp ngừa thai an toàn.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa người mắc các bệnh mạn tính như tiểu đường, thiếu máu... không thể mang thai. BS Hà khuyến cáo bệnh nhân nên thông báo ý định với BS điều trị. Khi nhận thấy sức khỏe bệnh nhân đã vào giai đoạn ổn định và có thể mang thai, bác sĩ sẽ thông báo và đưa ra hướng điều trị phù hợp trong thai kỳ.

Bài và ảnh: ANH THƯ
Người lao động

© 2021 FAP
  22,287,916       13/826