Thời tiết thay đổi bất thường là nguyên nhân khiến loài bọ xít hút máu sinh sản, phát tán mạnh.
Trước đây, thời gian
bọ xít hút máu sinh sôi mạnh trong ba tháng 6, 7, 8, nhưng mấy năm trở lại đây, ngay trong tháng 5 đã xuất hiện loài bọ xít này. Đây thực sự là điều lo lắng của nhiều người.
Mối lo ngại của cộng đồng
Gần đây, theo phản ánh của báo chí, nhiều hộ dân ở Hà Nội đã phát hiện có bọ xít hút máu người trong nhà và nhiều người đã bị bọ xít đốt/cắn. Loài bọ xít hút máu đang dấy lên mối lo ngại lớn cho cộng đồng khi có hàng trăm hộ dân Hà Nội trong thời gian ngắn đã bị loài này tấn công, gây ra những tổn thương nghiêm trọng.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới, loài bọ xít hút máu người ở Nam Mỹ có khả năng truyền
ký sinh trùng đơn bào Trypanosoma cruzi gây ra Chagas - căn bệnh có khả năng hủy hoại tim và gây rối loạn tiêu hóa. Khoảng 7,8 triệu người Mỹ Latin từng mắc căn bệnh này vào thập niên 60.
Theo các chuyên gia y tế, bọ xít "hút máu người" đốt và truyền bệnh Chagas do Trypannosoma cruzi gây ra. Virus này thường ủ bệnh âm thầm từ 5-20 ngày, nhất là sau khi ký sinh trùng theo máu phát tán khắp cơ thể, với biểu hiện sốt cao đến 40 độ C; sốt không đều; sốt kéo dài. Người bệnh còn có các dấu hiệu như phù mặt, chi, điển hình là phù một bên mí mắt; viêm cơ tim với các triệu chứng nhịp tim nhanh, tiếng tim nhỏ, huyết áp hạ, tim to, gan, lách, hạ bạch huyết sưng to... Người bệnh có thể chết sau từ 2-4 tuần do bị các biến chứng trầm trọng, nếu không được điều trị kịp thời. Cho đến hiện nay ở Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nào mắc bệnh Chagas do loài côn trùng này đốt.
Mấy năm trở lại đây, ngay trong tháng 5 đã xuất hiện loài bọ xít hút máu này. Ảnh minh họa
Dấu hiệu nhận biết và xử lý loài bọ xít hút màu người
Đặc điểm bọ xít hút máu người có chiều dài từ khoảng 1-3,5 cm, phần bụng rộng và dẹp, ở rìa thân có sọc màu vàng, thân có màu nâu đặc trưng. Nếu thấy chúng xuất hiện trong nhà, khe tủ, dưới đệm, giường tốt nhất là dùng vải ẩm chụp lên, giữ chặt cho côn trùng chết hẳn rồi bỏ vào thùng rác. Ngoài ra cũng có thể ngăn cản sự sinh sôi, phát triển của loài côn trùng này trong nhà bằng cách vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, khô ráo, thường xuyên vệ sinh các nơi ẩm thấp như khe giường, gầm tủ, gầm giường, dưới đệm.
Ban ngày bọ xít hút máu thường trốn vào các khe tối như khe giường, khe tủ đến đêm mới hoạt động, vì thế con người khó biết sự có mặt bọ xít hút máu. Khi đốt, chúng tiết ra một loại chất gây tê nên người bị đốt thường không cảm nhận được gì. Tuy nhiên ở những khu vực có môi trường sạch vẫn xuất hiện loại côn trùng này.
Để diệt loại bọ xít hút máu, ngoài việc giết chúng bằng phương pháp thủ công, có thể sử dụng các hóa chất dùng trong y tế như: Fendona 10SC, ICON 10 WP (các loại hóa chất diệt côn trùng thuộc nhóm pyrethroid), phun trong nhà và xung quanh nhà. Ngoài ra nên chú ý đến trứng để diệt tận gốc, bằng cách thu lại cho vào túi và đốt chúng.
Bọ xít hút máu người gây tổn thương ở da. Ảnh minh họa
Chủ động phòng bệnh
Theo khuyến cáo Bộ Y tế người dân cần trang bị cho mình những kiến thức hữu ích để phòng chống trước khi bị loại côn trùng này tấn công.
Các gia đình nên thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, gầm giường, phòng ngủ, mở cửa cho ánh nắng chiếu vào.
Nếu phát hiện trong nhà có bọ xít hút máu thì nên tìm diệt chúng bằng cách dọn dẹp nhà cửa, gầm giường, dưới đệm phòng ngủ hoặc ban đêm thì tắt đèn và dùng đèn pin soi tìm diệt bọ xít và trứng bọ xít.
Ở vùng đã phát hiện có bọ xít đốt hút máu thì nên ngủ màn và giắt màn cẩn thận để bọ xít không thể chui vào đốt người.
Loại bỏ những vật dụng mủn, mục (củi mục, vải mục, rác thải) không sử dụng.
Nếu bị bọ xít hút máu người đốt, người dân nên rửa ngay vết đốt bằng xà phòng, không gãi tại chỗ vết đốt để tránh gây xước, viêm nhiễm và đến ngay cơ sở y tế chuyên về
da liễu để được khám, điều trị chống dị ứng và chống viêm nhiễm tại chỗ. Không nên gãi hay đánh chết bọ xít ngay trên tay mình, vì sẽ làm vết đốt trở nên nghiêm trọng hơn.