Sáng 22/8, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị trực tuyến giữa hai điểm cầu Hà Nội, TP Hồ Chí Minh nhằm tăng cường công tác phòng chống dịch Ebola.
Hiện nay dịch bệnh Ebola đang có những diễn biến phức tạp ở các nước vùng Tây Phi. Sáng 22/8, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị trực tuyến giữa hai điểm cầu Hà Nội, TP Hồ Chí Minh nhằm tăng cường công tác phòng chống dịch.
Hành khách từ vùng dịch vào việt nam được giám sát chặt chẽ
Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu, trong những ngày gần đây, dịch bệnh Ebola tại 4 quốc gia (Guinea, Liberia, Nigeria và Sierra Lione) đang tăng lên theo cấp số nhân. Chỉ trong 2 ngày 17 và 18 tháng 8, tại 4 quốc gia trên đã ghi nhận thêm 221 trường hợp mắc, 106 trường họp tử vong. Như vậy, trong 20 ngày của tháng 8, số người mắc và tử vong vì
Ebola đã tăng hơn gấp đôi so với tháng 7.
Theo thống kê của Cục, tính đến nay đã có 84 người từ vùng dịch Ebola về Việt Nam (qua cửa khẩu Sân bay Tân Sơn Nhất có 79 trường hợp, trong đó có 20 người trở về từ Liberia và 59 người trở về từ Nigeria, qua cửa khẩu Sân bay Nội Bài 4 trường hợp). Hiện, số lượng công dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại các quốc gia có dịch bệnh Ebola là khá lớn. Trong đó, ở Sierra Leone có 34 người Việt đang sinh sống, Nigeria có 60 người và Liberia có 20 người.
Hiện Việt Nam vẫn chưa có bệnh nhân mắc bệnh Ebola. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh Ebola tiếp tục gia tăng tại 4 nước Tây Phi với nhiều diễn biến phức tạp, khả năng dịch Ebola xâm nhập vào Việt Nam là có thể xảy ra. Vì thế, ngành y tế chỉ đạo phân loại tất cả người nhập cảnh Việt Nam từ vùng có dịch và thông báo kịp thời cho các địa phương có hành khách cư trú để giám sát chặt trong 21 ngày theo quy định. PGS.TS Trần Đắc Phu khẳng định.
Cũng tại hội nghị Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, khả năng xâm nhập Ebola vào Việt Nam là rất cao. Vì vậy, ngành y tế và các ngành chức năng liên quan cần thực hiện tốt các biện pháp cần thiết để ngăn chặn giám sát các hành khách đến từ vùng có dịch Ebola ngay từ cửa khẩu với mục đích ngăn chặn Ebola xâm nhập vào Việt Nam.
Đà Nẵng đã hoàn thành việc lắp đặt 4 camera đo thân nhiệt tại Nhà ga quốc tế Sân bay quốc tế Đà Nẵng và cửa khẩu cảng Đà Nẵng. Ảnh Internet
Sẽ tiến hành cưỡng chế cách ly dịch bệnh Ebola
Đại diện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TƯ, ông Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bệnh viện, đề xuất cần thông báo sớm với các BV trước khi chuyển các bệnh nhân nghi nhiễm Ebola đến để bệnh viện chuẩn bị tốt về phòng cách ly cũng như tiếp nhận bệnh nhân. Công tác xét nghiệm cũng cần phải xem xét nghiêm túc, quan trọng nhất là tránh lây chéo và tác động khi vận chuyển. Đây là bệnh lây nhiễm qua đường máu và dịch, ngoài việc cách ly cần phải thực hiện nghiêm túc các yêu cầu dự phòng không chỉ ở phòng xét nghiệm, vi sinh mà áp dụng trong tất cả các bộ phận liên quan đến máu và dịch của bệnh nhân.
Đứng trước sự nguy hiểm của dịch bệnh Ebola, ông Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cho biết, mỗi ngày Sân bay Tân Sơn Nhất tiếp nhận 3 - 4 chuyến bay từ châu Phi và 70 - 80 chuyến bay đến từ các nước khác có quá cảnh qua châu Phi. Điều này khiến nguy cơ bệnh nhân nghi nhiễm Ebola có thể nhập cảnh vào Việt Nam tăng cao. Trong khi đó, hiện nay mới chỉ có hành khách đến từ 4 nước Guinea, Liberia, Sierra Leone và Nigeria phải kê khai y tế bắt buộc khi nhập cảnh, còn với hành khách đến từ các nước khác có quá cảnh qua các nước châu Phi vẫn chưa phải thực hiện việc kê khai này. Ông Lân cho biết thêm, hiện tại, Viện đã có thể phát hiện bệnh nhân nhiễm
virus Ebola từ 4 - 6 tiếng sau khi xét nghiệm.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, đến thời điểm hiện tại, hành khách từ vùng dịch nhập cảnh hoặc công dân Việt Nam trở về từ vùng dịch đã có ý thức rất tốt trong việc tuân thủ yêu cầu Kiểm dịch Y tế. Việt Nam chưa triển khai biện pháp cách ly cưỡng chế đối với người nghi nhiễm. Tuy nhiên, trong trường hợp cần thiết khi người nghi nhiễm bất hợp tác với khâu kiểm dịch, Việt Nam sẽ tiến hành cưỡng chế cách ly để ngăn chặn sự xâm nhập của Ebola. Bộ Y tế sẽ cung cấp danh sách người nhập cảnh cho chính quyền địa phương và công an, kiểm tra
tình trạng sức khỏe của họ hàng ngày, giám sát các triệu chứng.
Bênh cạnh đó các cơ sở điều trị chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, đồng thời tổ chức trực dịch 24/24giờ, sẵn sàng cơ số thuốc, máy móc, trang thiết bị phòng hộ cho nhân viên y tế cũng như người chăm sóc bệnh nhân, dụng cụ bảo hộ và sát trùng, khử khuẩn.
Minh Tuyết (Tổng hợp)