Nhiều người thường "nuôi" bệnh, không thường xuyên khám tổng quát để tầm soát bệnh, có bệnh thì để thật nặng mới đi chữa bệnh khiến tốn kém nhiều tiền mà hiệu quả điều trị lại thấp.
Trong khi đó, Luật bảo hiểm y tế 2008 quy định quỹ bảo hiểm chi trả phí khám sàng lọc phát hiện bệnh sớm nhưng thực tế không triển khai được vì lo ngại vỡ quỹ. Luật bảo hiểm y tế sửa đổi vừa được thông qua tại kỳ họp tháng 5-2014 lại bỏ luôn quy định chi trả phí khám này.
Chỉ đi khám khi bệnh nặng
Cách đây hai tháng, bệnh nhân H.T.T. (tiểu thương bán thực phẩm tại một chợ tỉnh Bắc Ninh) được phẫu thuật điều trị khối
ung thư cổ tử cung tại một bệnh viện ở Hà Nội.
Theo lời gia đình, bệnh nhân góa chồng, một nách ba con nhỏ nên mặc dù đã thấy ra máu bất thường, đau vùng bụng dưới triền miên nhưng chị không đi khám. Đến khi âm đạo chảy nước vàng, sút cân nhanh thì gia đình mới ép được bệnh nhân đi bệnh viện.
“Các bác sĩ đã xác định em tôi bị ung thư nhưng gia đình vẫn giấu không cho em biết. Từ hôm mổ em đã sút thêm 11kg, em không ngủ được và hằng ngày đều phải uống/chích thuốc giảm đau vì rất đau đớn khi bệnh đã ở giai đoạn cuối” - chị của bệnh nhân cho biết.
Tương tự, bà N.T.T. (53 tuổi, ở Thọ Xuân, Thanh Hóa), điều trị tại Trung tâm Ung bướu và y học hạt nhân, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, kể khoảng mười năm trước đây bà đã phát hiện khối u nhỏ bằng hạt ngô ở ngực trái, ấn vào không thấy đau cũng như không thấy các dấu hiệu bất thường nào khác.
Vì chủ quan cho rằng
khối u không gây đau sẽ không nguy hiểm và sợ gia đình phải lo lắng cho mình nên bà không kể cho người thân và cũng không đi khám.
“Khoảng hai năm trước, vùng da xung quanh khối u có dấu hiệu ngứa nên tôi đến gặp ông lang gần nhà thăm khám qua loa kiểu kể bệnh bốc thuốc. Uống được ba thang thuốc nam, khối u không phát triển to thêm, triệu chứng ngứa cũng không còn nên tôi rất yên tâm vì nghĩ mình khỏi bệnh” - bà T. cho biết.
Tuy nhiên, khoảng đầu năm nay, khối u ở ngực có dấu hiệu lớn hơn trước, kèm theo đó bà N.T.T bị
sụt cân nhanh chóng, suy nhược cơ thể. Lúc đó bà đã nghĩ tới việc đi khám ở bệnh viện nhưng một lần nữa lại chần chừ.
Phải đến khi con cháu khuyên can gần như ép buộc, bà mới chịu ra Hà Nội khám, kết quả là bà N.T.T. bị ung thư vú giai đoạn 2. Các bác sĩ cho rằng trường hợp của bà T. rất đáng tiếc vì nếu thăm khám ngay từ đầu, phát hiện khối u từ sớm thì không những việc điều trị đơn giản mà cơ hội khỏi bệnh hoàn toàn đối với người bệnh ung thư vú giai đoạn đầu lên tới 95%. Hiện tại bà T. phải điều trị phức tạp hơn trong khi cơ hội khỏi bệnh giảm còn 75-80%.
Bà H.T.C., 67 tuổi ở Hoàng Mai, Hà Nội, điều trị cao huyết áp tại Viện Lão khoa Hà Nội, cho biết khoảng năm năm trước bà hay xuất hiện những cơn đau đầu, chóng mặt và vô tình phát hiện cao huyết áp từ sau một lần thử đo huyết áp tại nhà một người bạn.
Chỉ số huyết áp có lúc lên đến 170/120 nhưng bà chủ quan không đi khám mà tự dùng thuốc huyết áp mỗi khi có biểu hiện tăng huyết áp như đau đầu, nóng mặt...
Chính vì không thăm khám mà sử dụng thuốc tùy tiện nên năm 2012, bà C. bị một cơn
tai biến mạch máu não khiến liệt nửa người. Mặc dù hiện tại chỉ bị một số biến chứng nhẹ như lệch miệng, phần tay trái, chân trái cử động khó khăn... nhưng bà C. vẫn xem trận tai biến là bài học lớn cho việc chủ quan coi thường sức khỏe, tính mạng mình.
Nhiều người bệnh đến bệnh viện khi bệnh đã quá nặng (ảnh có tính minh họa) - Ảnh: Việt Dũng
Dịch vụ “một chân”
Tại hội thảo chuyên đề về bảo hiểm y tế trong khuôn khổ hội nghị bộ trưởng y tế các nước ASEAN đang diễn ra tại Hà Nội, TS David Evans, giám đốc bộ phận tài chính và quản lý hệ thống y tế Tổ chức Y tế thế giới, cho rằng dịch vụ y tế hoàn hảo phải bao gồm dự phòng - sàng lọc phát hiện bệnh sớm, điều trị và chăm sóc giảm nhẹ - phục hồi chức năng.
Tuy nhiên ở VN, phần lớn ngân sách y tế và tiền túi người dân chi cho y tế chỉ đổ dồn vào khu vực điều trị - loại dịch vụ đắt đỏ, khiến dịch vụ y tế VN đang bị coi là đi bằng một chân.
Từ năm 2008, Luật bảo hiểm y tế khi đó đã quy định quỹ bảo hiểm y tế sẽ chi trả phí khám sàng lọc, phát hiện bệnh sớm, và Bộ Y tế cũng đã chuẩn bị để có thể triển khai chi trả phí khám sàng lọc sớm, phát hiện một số bệnh như ung thư cổ tử cung, ung thư vú ở phụ nữ, thiếu men G6PD ở trẻ em...
Theo một chuyên gia từng xây dựng dự thảo hướng dẫn triển khai quy định này, vì lo ngại vỡ quỹ nên dự thảo này không được ban hành, chính sách chi trả phí khám sàng lọc phát hiện bệnh sớm cuối cùng trở thành chính sách trên giấy và Luật bảo hiểm y tế sửa đổi được thông qua hồi tháng 5 đã bỏ luôn chính sách này.
“Nếu không chi trả phí phát hiện bệnh sớm thì khi người có thẻ bảo hiểm y tế mắc bệnh, quỹ bảo hiểm y tế vẫn phải chi trả mà lúc này chi phí cao hơn. Chi phí khám - sàng lọc phát hiện bệnh cao nhưng chi phí điều trị bệnh còn cao hơn nhiều.
Trong khi những bệnh như ung thư vú, ung thư cổ tử cung ở phụ nữ nếu phát hiện sớm thì số năm sống sẽ kéo dài hơn nhiều” - ông Nghiêm Trần Dũng, phó giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị, nhận xét. Còn một chuyên gia về y tế đánh giá: “Việc bãi bỏ chi trả phí khám sàng lọc và phát hiện bệnh sớm là một thụt lùi của quy định bảo hiểm y tế mới”.
Phát hiện bệnh sớm, sống lâu hơn
Theo ông Lê Văn Khảm - phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế, dù chưa có thống kê về tỉ lệ bệnh nhân VN đến bệnh viện điều trị ở giai đoạn sớm/muộn của bệnh, nhưng theo cảm quan thì bệnh nhân thường "nuôi" bệnh, đến viện khi bệnh đã nặng, có biến chứng hoặc đã ở giai đoạn khó điều trị.
“Chúng tôi chưa có tính toán về chi phí điều trị giữa nhóm bệnh nhân đến khám sớm và đến khám muộn, nhưng giá trị nhất là hiệu quả điều trị thì người được phát hiện sớm sẽ được can thiệp hiệu quả hơn, số năm sống dài hơn” - ông Khảm đánh giá.