Tin lời mách bảo cà độc dược chữa triệt để viêm xoang, nhiều nạn nhân đã phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
Theo các chuyên gia y tế, độc chất trong cà độc dược có thể làm nạn nhân tê liệt tứ chi, thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Suýt mất mạng vì cà độc dược
Mới đây, anh N.Đ.T (38 tuổi, ở Nghệ An) nhập viện do bị ngộ độc uống nước cà độc dược. Theo người nhà anh T, anh bị viêm xoang từ lâu. Dù đã chữa bằng nhiều cách nhưng không khỏi. Được mọi người mách uống cà độc dược sẽ khỏi nhanh, anh liền lấy quả cà độc dược thái mỏng, phơi khô đốt đem ngửi rồi lại đem nấu lấy nước uống. Sau khi uống, toàn thân anh nóng bừng, hoa mắt, đồng tử giãn rồi mê man... Ngay lập tức, người nhà đưa anh T đi viện cấp cứu. Các bác sĩ đã tiến hành truyền nước, dùng các loại thuốc giải độc và bơm than hoạt tính vào dạ dày để giải độc. May mắn anh T đã qua cơn nguy kịch vì được cấp cứu sớm.
Trước đó, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân ngộ độc do dùng cà độc dược chữa xoang. Bệnh nhân N.T.Y nhập viện trong tình trạng thần kinh lơ mơ, nói nhảm, nhịp tim đập nhanh bất thường. Trước đó, chị có uống nước sắc từ hoa và lá của cây cà độc dược được một số người mang đến bán gần nhà. Họ quảng cáo dùng chữa viêm xoang rất tốt. Nhiều người ở cùng khu nhà với chị bị hen suyễn, chảy nước mũi vì viêm xoang cũng mua sử dụng. Theo các bác sĩ, nếu những trường hợp như chị mà chậm được cấp cứu thì hậu quả sẽ rất nặng nề.
ThS. BS Trần Thuấn – Trưởng khoa Đông y (Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội) cho biết, cà độc dược là một dược liệu thuốc Nam. Loại cây này thường mọc hoang ở các tỉnh phía Bắc. Bản thân tên gọi đã nói lên sự nguy hiểm của loại cây này – cây độc. Trong dân gian, người ta thường dùng cà độc dược phơi khô đốt để xông chữa hen phế quản, hen suyễn. Nhưng do cây chứa chất độc nên việc sử dụng phải có chuyên môn nếu không sẽ gây ngộ độc, tai biến hoặc tử vong.
Cà độc dược là một dược liệu thuốc Nam, nhưng do cây chứa chất độc nên tuyệt đối không tự ý sử dụng.
Thuộc nhóm độc dượcbảng A
TS Phạm Hưng Củng – nguyên Vụ trưởng Vụ Y học cổ truyền (Bộ Y tế) cho hay, cà độc dược là một trong những thảo dược dùng làm thuốc nhưng thuốc lại được chia làm nhiều loại: Thuốc theo đơn, không theo đơn, thuốc độc bảng A và độc bảng B. Theo y học cổ truyền, cà độc dược thuộc loại độc bảng A. Khi sử dụng cần rất thận trọng vì nó có thể gây ngộ độc. Từ trước đến nay chưa có một tài liệu nào nói về cà độc dược chữa viêm xoang. Kinh nghiệm dân gian chỉ nói đến dùng loại cây này chữa hen suyễn, ho nhưng đó là kinh nghiệm, còn bây giờ không ai dùng phương pháp này nữa.
Giải thích rõ hơn điều này, theo TS Phạm Hưng Củng, trong cây cà độc dược có hai loại chất: Hyoxin và atropin, có trong lá, hoa và thân cây. Atropin tác động lên não kích thích não bộ làm nạn nhân ảo giác, hô hấp tăng, có lúc tê liệt tứ chi do thần kinh trung ương bị ức chế. Còn hyoxin tác dụng gần như atropin nhưng làm giãn đồng tử, giãn một số cơ. Vì vậy hyoxin được dùng ở trong lĩnh vực điều trị thần kinh nhằm chữa co giật hoặc phối hợp với atropin để chống say xe, làm dịu thần kinh. Cả hai chất này thuộc nhóm độc bảng A nên việc sử dụng nhất thiết phải có sự chỉ định, theo dõi kỹ của bác sĩ.
“Triệu chứng ngộ độc phụ thuộc nhiều vào liều lượng dùng. Khi bị ngộ độc, nạn nhân sẽ có những biểu hiện như giãn đồng tử, áp lực nội nhãn tăng, mờ mắt, giãn phế quản, giảm tiết mồ hôi, hơi khô miệng và khô cổ đến mức không nuốt, không nói được. Nếu dùng với liều lượng cao có thể khiến nhịp tim, hô hấp tăng nhanh bất thường, mặt đỏ, ảo giác, thậm chí có thể liệt cơ và tử vong khi chất độc tác động ức chế hệ thần kinh. Khi hít chữa ho hay hen thì khói, hơi cũng có thể ngộ độc, gây nguy hại sức khỏe. Bởi vậy người dân tuyệt đối không tự ý đốt hít hay sắc nước uống”, TS Phạm Hưng Củng cho hay.
Các chuyên gia khuyến cáo, bệnh viêm xoang là bệnh mãn tính, thời gian điều trị thường kéo dài không thể khỏi trong ngày một ngày hai. Viêm xoang mãn tính là một quá trình viêm mãn tính của niêm mạc lót trong lòng các xoang, gặp điều kiện thuận lợi như: Lạnh hoặc sức đề kháng yếu, nhiễm các virus, vi khuẩn, bệnh lại tái phát thành cấp tính. Việc điều trị dùng thuốc Tây y cũng không phải là một thế mạnh. Mọi người nên điều trị kết hợp bằng thuốc Đông y để hỗ trợ kết hợp vì thuốc Tây y không thể dùng kéo dài, ví dụ như dùng kháng sinh sẽ ảnh hưởng tới chức năng gan. Ngoài ra, hàng ngày bạn nên dành nửa tiếng để nâng cao thể lực bằng cách tập một môn thể thao. Uống các loại trà thuốc như trà thanh nhiệt, trà bồi bổ theo tư vấn của bác sĩ.
Để phòng tránh bệnh viêm xoang ngày lạnh, mọi người nên đeo khẩu trang trước khi ra đường và làm công việc gặp nhiều bụi bặm. Phải giữ môi trường xung quanh luôn sạch sẽ, tránh tiếp xúc bụi khói, chất thải. Ngâm chân bằng nước nóng 15-20 phút mỗi tối. Việc ngâm chân nước ấm, giữ chân ấm có ý nghĩa quan trọng trong việc chữa bệnh viêm xoang.
“Khi bị ngộ độc cà độc dược, nạn nhân sẽ có những biểu hiện như giãn đồng tử, áp lực nội nhãn tăng, mờ mắt, giãn phế quản, giảm tiết mồ hôi, hơi khô miệng và khô cổ đến mức không nuốt, không nói được. Nếu dùng với liều lượng cao có thể khiến nhịp tim, hô hấp tăng nhanh bất thường, mặt đỏ, ảo giác, thậm chí có thể liệt cơ và tử vong khi chất độc tác động ức chế hệ thần kinh”. TS. Phạm Hưng Củng |