Tế bào gốc từ máu cuống rốn có thể được sử dụng để chữa nhiều bệnh hiểm nghèo cho chính bản thân em bé và người thân…
Cứu chữa nhiều bệnh ác tính
Chị Nguyễn Thị Hồng (Hà Nội) vui mừng vì đã được lựa chọn lưu trữ máu cuống rốn. Chị mới sinh con nặng 3,5kg tại khoa Đẻ D3(BV Phụ Sản Hà Nội), dây rau cuống rốn căng, có chiều dài trung bình 40-60cm. Thể tích máu cuống rốn khi lấy được đạt mức 160-280mg. Trước đó, để được lưu trữ máu cuống rốn, chị đã tiến hành xét nghiệm để xác định không mắc một trong các bệnh truyền nhiễm như:
viêm gan B, viêm gan C, HIV, tiểu đường, huyết áp, ung thư, bệnh về miễn dịch, khi sinh con không sốt, không bị nhiễm trùng...
Cũng nằm chờ sinh tại khoa đẻ D3, chị Nguyễn Thị Mai ở Hà Nội cho hay, lúc mới mang bầu chị có nghe mọi người nói về lưu trữ máu cuống rốn để sau này chẳng may em bé hay người thân có mắc bệnh hiểm nghèo thì cơ hội chữa trị sẽ cao hơn. Nhưng việc phải chi phí cho một mẫu lưu trữ và suốt quãng thời gian dài lên tới vài chục triệu, gia đình chị không thể xoay được. Khi biết thông tin BV Phụ sản Hà Nội phối hợp với Viện Huyết học Truyền Máu TƯ lưu trữ máu cuống rốn miễn phí, chị vui mừng và đã đăng ký đẻ tại đây để được hưởng dịch vụ này.
ThS.BS Mai Trọng Hưng, Trưởng khoa Đẻ D3 (BV Phụ sản Hà Nội) cho biết, máu cuống rốn hay còn gọi là máu dây rốn, máu bánh nhau chảy trong tuần hoàn thai nhi và cung cấp chất bổ cho bào thai đang phát triển trong tử cung người mẹ, là phần còn lại trong dây rốn và bánh nhau khi sản phụ sinh em bé. Trước kia dây rốn và bánh nhau sau khi cắt rời khỏi em bé được vứt bỏ. Song giờ những sản phụ khi sinh nếu có nguyện vọng sẽ được lưu trữ máu cuống rốn để phòng chữa một số bệnh cho em bé, người thân khi mắc phải. Đây là nguồn
tế bào gốc an toàn, không có tế bào dị nguyên giúp điều trị các bệnh hiểm nghèo.
Theo nghiên cứu thì máu cuống rốn có thể chữa được khỏi 99% các bệnh về đường máu còn các bệnh khác liên quan đến rối loạn chuyển hóa, tiểu đường... đang được nghiên cứu. Tế bào gốc máu cuống rốn đã được dùng để điều trị khoảng trên 70 loại bệnh trong đó có nhiều loại bệnh lý của hệ tạo máu, những bệnh lý rối loạn miễn dịch di truyền như
ung thư máu, u tủy, suy tủy, Thalassemia (huyết tán), bệnh tiểu cầu, ly thượng bì…
Tại nước ta hiện đã có 5 đơn vị lưu trữ máu cuống rốn cho sản phụ như: Viện Truyền máu và Huyết học TPHCM, Học viện Quân Y, Viện Nhi TƯ, Viện Vinmec và viện Huyết học Truyền Máu TƯ.
Ngân hàng tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng - Ảnh: Thanhnien.com
Được lưu giữ miễn phí
Theo ThS.BS Mai Trọng Hưng, hiện nay thực hiện đề tài nghiên cứu của Viện Huyết học &Truyền máu TƯ và BV Phụ sản Hà Nội đã phối hợp để lưu máu cuống rốn miễn phí cho các sản phụ đẻ theo yêu cầu.Trước khi sinh, bà mẹ sẽ được xét nghiệm các bệnh như viêm gan B, viêm gan C, HIV, tiểu đường, huyết áp, ung thư, bệnh về miễn dịch, khi sinh con không sốt, không bị nhiễm trùng... nếu mắc các bệnh này thì không được lưu máu cuống rốn. Khi bà mẹ sinh, sau xổ rau, cán bộ y tế sẽ treo bánh rau lên và lấy máu nhanh để đưa về Viện Huyết học truyền máu TƯ làm các quy trình khác. Thể tích máu cuống rốn khi lấy được phải đạt mức 160-280mg mới đạt tiêu chuẩn để lưu trữ.
Theo ThS Bạch Quốc Khánh, Phó viện trưởng viện Huyết học truyền máu TƯ đã có 500 mẫu được lưu trữ miễn phí. Các mẫu khi được tiếp nhận tại Bệnh viện sẽ tiếp tục được đo số lượng bạch cầu, kiểm tra xem có bệnh lý huyết sắc tố (thalassemia..) hay không rồi mới đưa vào tiếp tục xử lý, tách chiết và lưu trữ đông lạnh. Bệnh viện sẽ thông báo với bà mẹ để sau này nếu họ cần dùng, có thể liên hệ với ngân hàng tế báo gốc. Đối với những gia đình có nhu cầu lưu giữ tế bào gốc máu cuống rốn dịch vụ, có thể mang hồ sơ quản lý thai nghén đến đăng ký tại Viện và được làm xét nghiệm loại trừ các bệnh lý.
Tế bào gốc từ máu dây rốn của các sản phụ được lưu giữ miễn phí tại ngân hàng có thể đảm bảo được chất lượng trong 15-17 năm. Chi phí xử lý cho một mẫu máu cuống rốn khoảng 20 triệu đồng, phí mỗi 1 năm lưu trữ khoảng gần 3 triệu/mẫu. Những khoản này các sản phụ được miễn phí hoàn toàn. Nếu sau này em bé hay người thân sản phụ có nhu cầu sử dụng thì ngân hàng sẽ tính mức chi phí tối thiểu lưu trữ khoảng 20-30 triệu đồng. Máu cuống rốn không chỉ sử dụng chữa trị các bệnh máu ác tính, bệnh
bẩm sinh cho chính các em bé của họ mà nó còn sử dụng chữa bệnh cho cộng đồng.