Nếu cha mẹ không ngăn chặn thói quen xấu ở trẻ thì các con rất dễ bị mắc bệnh vào mùa đông.
Dưới đây là những thói quen khiến trẻ dễ mắc bệnh vào mùa đông.
Thói quen xấu khiến trẻ dễ nhiễm bệnh
Mút tay: Rất nhiều trẻ có thói quen mút tay và cha mẹ cho rằng đó là thói quen bình thường. Thực tế, mút tay là một thói quen có hại và thường là căn nguyên của các bệnh lây truyền qua đường miệng như bệnh tay chân miệng và các bệnh đường tiêu hoá… Nếu trẻ thường xuyên đưa tay vào miệng, sẽ dẫn đến nhiễm rất nhiều vi trùng, virus, trứng giun sán. Mùa đông, các loại virus, vi khuẩn gây bệnh phát triển mạnh hơn các mùa khác. Do đó, ở trẻ nhỏ, hệ đường ruột còn rất yếu cho nên việc ngậm mút tay khiến cho trẻ dễ bị
tiêu chảy,
rối loạn tiêu hoá.
Cắn móng tay: Đây cũng là một trong những thói quen ở trẻ khiến cho những vùng da quanh móng tay bị tổn thương, từ đó tạo cơ hội cho các loại vi khuẩn gây bệnh dễ dàng xâm nhập vào cơ thể. Bên cạnh đó việc cắn móng tay quá sâu còn khiến cho vùng da sát móng tay bị chảy máu. Thông qua vết thương hở này, vi khuẩn xâm nhập dẫn đến trẻ rất dễ bị nhiễm trùng.
Ngoáy mũi: Ngoáy mũi là một trong những thói quen xấu ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của trẻ. Vốn dĩ khi chơi đùa, tay trẻ tiếp xúc với nhiều đồ vật và nhiễm rất nhiều vi trùng, vi khuẩn từ những đồ vật đó. Khi ngón tay lưu lại những vi khuẩn, vi trùng, trẻ đưa lên ngoáy mũi có thể khiến nhiễm trùng da bên trong mũi bị nhiễm khuẩn, lây nhiều bệnh như: cảm cúm, cảm lạnh.
Ảnh minh họa
Lười vệ sinh răng miệng: Tiết trời lạnh giá, trẻ ngại tiếp xúc với nước. Nhiều trẻ thường viện lý do để không phải vệ sinh răng miệng. Điều này tạo cơ hội cho các loại vi khuẩn trú ngụ ở răng miệng phát triển, dẫn đến trẻ dễ bị sâu và mắc phải nhiều bệnh răng miệng khác.
Lười rửa tay: Bàn tay vốn dĩ là nơi trẻ dễ bị nhiễm bẩn, tiếp xúc với nhiều loại vi khuẩn, vi trùng nhất. Trong khi đó, mùa đông, tiết trời lạnh giá, trẻ lại ngại tiếp xúc với nước, lười rửa tay vì sợ lạnh. Chính điều đó khiến trẻ dễ bị mắc các bệnh lây nhiễm do virus như
bệnh cúm, bệnh tay chân miệng, bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus…
Ăn đồ ăn lạnh: Để trẻ ăn đồ ăn lạnh là một sai lầm lớn của cha mẹ, đặc biệt là trong mùa đông. Thực tế, có nhiều cha mẹ thường chiều theo thói quen của trẻ như: ăn kem, uống các loại nước ngọt, nước có gas để lạnh… Việc ăn thực phẩm lạnh sẽ làm giảm sức đề kháng của yết hầu cho nên cơ thể trẻ rất dễ bị nhiễm lạnh. Từ đó gây ra bệnh viêm họng, ho, thậm chí viêm phế quản ở trẻ. Những bệnh này thường diễn biến dai dẳng, khiến hệ miễn dịch của trẻ bị suy giảm, kéo theo trẻ dễ nhiễm nhiều bệnh lây nhiễm khác.
Biện pháp giúp trẻ khỏe mạnh trong mùa đông
Để đảm bảo cho trẻ khỏe mạnh trong suốt mùa đông lạnh giá, ngoài việc mặc quần áo đủ ấm cho trẻ thì cha mẹ cần chú ý:
- Đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ: Dinh dưỡng đối với cơ thể trẻ rất quan trọng để đảm bảo sức khỏe, phòng tránh bệnh tật. Vào mùa đông, cơ thể trẻ cần nhiều vitamin hơn để tăng sức đề kháng. Vì vậy mẹ cần cho bé ăn nhiều rau xanh và hoa quả, hạn chế đồ ăn béo. Không nên cho trẻ ăn thực phẩm lạnh.
- Mặc đủ ấm: Vào mùa đông, thời tiết thất thường, cho nên cha mẹ cần lưu ý giữ ấm cho con phù hợp với nhiệt độ môi trường (buổi sáng và tối cần mặc đủ ấm, cởi bớt đồ khi buổi trưa nhiệt độ tăng), hạn chế để trẻ ra ngoài trời lúc có sương, gió. Khuyến khích trẻ vận động, tập thể dục thường xuyên.
Ảnh minh họa
- Đảm bảo vệ sinh cá nhân: Cha mẹ cần phân tích cho trẻ biết mút tay, ngoáy mũi và cắn móng tay là những thói quen có hại cho sức khỏe. Đồng thời, cha mẹ cũng cần tập cho trẻ thói quen rửa tay thường xuyên với xà phòng diệt khuẩn, nhất là trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh để loại bỏ vi khuẩn bám trên tay. Việc rửa tay, tắm rửa sạch sẽ cần được thực hiện thường xuyên. Khi trời lạnh, cha mẹ có thể sử dụng nước ấm để rửa tay và làm vệ sinh cho bé để tránh nhiễm lạnh.