Sức khỏe

Trẻ dễ bị nhiễm độc chì do sự thiếu hiểu biết của bố mẹ

Không ít trường hợp trẻ em bị nhiễm độc chì phải cấp cứu, thậm chí tử vong do sự thiếu kiến thức của người lớn...

Nhiễm độc chì do dùng thuốc cam
 Theo tin từ Bệnh viện Nhi Trương ương, chỉ trong vòng 2 tháng trở lại đây, khoa Hồi sức cấp cứu liên tục tiếp nhận các bệnh nhi nhiễm độc chì do dùng thuốc cam. Thậm chí có trường hợp bệnh nhi nhập viện khi các bé đã rơi vào tình trạng nguy kịch co giật, li bì, hôn mê.
Một trường hợp BV Nhi TƯ vừa tiếp nhận bị nhiễm độc chì  nặng  do dùng thuốc cam là bệnh nhân T.N.V (6 tháng tuổi, Quốc Oai-Hà Nội) đến cấp cứu trong tình trạng co giật nửa người trái, kèm theo mệt mỏi bỏ bú. 
Được biết, do sốt ruột vì con trai biếng ăn, tăng cân kém, chị L mẹ bé T.N.V đã mua 1 lạng thuốc cam pha với nước cơm cho con uống liên tục trong vòng 1 tháng. Đến ngày 24/11 thì xuất hiện hiện tượng trên và phải đưa bé đến bệnh viện cấp cứu.
Theo Bác sĩ Nguyễn Thị Hiền, BV Thanh Nhàn, ngộ độc chì do thuốc cam rất phổ biến bởi người dân vẫn có thói quen dùng thuốc cam không rõ nguồn gốc để bồi bổ cho trẻ tăng cân, chữa bệnh đi ngoài. Đã từng có bệnh nhi tử vong vì ngộ độc chì nặng do dùng thuốc cam trong thời gian quá dài. Với nhiều trẻ dù cứu được nhưng di chứng thần kinh thì không thể khắc phục bởi chì để lại những di chứng về thần kinh chậm phát triển trí tuệ thì không thể phục hồi làm cháu mất khả năng học tập và lao động.
Điều đáng nói là tập quán sử dụng các loại thuốc cam để kích thích trẻ ăn uống, tẩm bổ lại rất phổ biến tại các miền quê. Nhiều cha mẹ có con nhỏ thấy con lười ăn, lở loét, tiêu chảy… đều cho dùng thuốc cam để bé hay ăn, chóng lớn, tránh sài đẹn… bởi trong suy nghĩ  của nhiều gia đình thuốc cam có tác dụng chữa lở loét, chữa tiêu chảy và các bệnh nan y khác, đồng thời kích thích ăn uống.
Trẻ dễ bị nhiễm độc chì do sự thiếu hiểu biết của bố mẹ 1
Ảnh minh họa
Nhiều nguyên nhân dẫn đến ngộ độc chì
Ths. Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, chì tồn tại ở rất nhiều nơi như trong môi trường sơn có chì, bụi từ sơn chì cũ, đất bị nhiễm chì, làng nghề, nước, không khí do xăng dầu có chì, thực phẩm như đồ hộp có chất hàn gắn hộp sử dụng chì…
Chì là một chất rất độc hại cho sức khỏe gây ra nhiều bệnh lý về thần kinh, huyết học, dạ dày-đường ruột, tim mạch và thận. Khi xâm nhập cơ thể, kim loại này tích lũy lâu trong nội tạng đặc biệt là xương và phải mất hàng chục năm mới có thể thải trừ ra ngoài. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em ngộ độc chì như tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, sử dụng đồ chơi có sơn chì, đạn chì. Các loại thuốc nam được dân gian gọi là thuốc cam, dùng để bôi, uống  cũng là nguyên nhân hàng đầu gây ra nhiều trường hợp ngộ độc. 
Vì vậy khi trẻ có dấu hiệu bất thường, dễ cáu gắt, giảm trí nhớ, kém thông minh; thường mệt mỏi, đau đầu, chán ăn, da tái do thiếu máu, thường có những cơn đau bụng cấp (đau bụng chì), viêm thận kẽ… thì rất có thể đó là dấu hiệu của ngộ độc chì.
 Còn người lớn nếu bị ngộ độc chì thường có đường viền màu xanh trên răng lợi răng, thiếu máu, xanh xao, thường đau đầu, thay đổi tính tình, trí nhớ kém và phản ứng chậm, khó khăn trong phối hợp động tác… có thể kèm theo đau bụng, táo bón, đau các khớp, tê mỏi tay chân. Riêng ngộ độc tetraethyl chì còn có thể gây rối loạn giấc ngủ, rối loạn tâm thần, co giật, có thể có dấu hiệu suy thận mạn.
Hậu quả của ngộ độc chì rất nguy hiểm cho sức khỏe vì khi chì xâm nhập cơ thể sẽ tích lũy trong các mô nhiều mỡ như não, gan, thận hoặc mô nhiều sừng như da, lông, tóc, móng, trong xương và máu. Chì gây tổn thương não vĩnh viễn khi bị ngộ độc mạn tính hoặc chết người nếu ngộ độc muối chì hữu cơ có liều lượng lớn. Trẻ em dễ bị ngộ độc chì hơn người lớn, hầu hết là do nuốt phải vật có chứa hàm lượng chì khá lớn (sơn, thức ăn nhiễm bụi chì hoặc chì thôi ra từ vật đựng thức ăn, nước uống, ngậm hoặc mút tay bốc những đồ chơi sơn chì) , ngậm pin có chì.
Nguy cơ ngộ độc chì từ các hoạt động đời sống hàng ngày chứ không chỉ do uống thuốc cam. Trẻ em cũng có thể bị ngộ độc chì do ngậm đồ chơi có pha chì hay ăn các thực phẩm đóng hộp hàn bằng thiếc lẫn chì, uống nước dẫn qua đường ống pha chì, hít phải bụi chì và các hợp chất của nó trong các nhà máy sản xuất sơn, làm bình ăcquy... 
Các bác sĩ khuyến cáo để tránh nhiễm độc chì cần chú ý cải thiện điều kiện làm việc, giảm thiểu lượng bụi chì và hợp chất của nó xâm nhập cơ thể. Cha mẹ cần lưu ý đồ dùng sinh hoạt như cốc thủy tinh, chén bát nhựa, đồ chơi trẻ em... in hình màu mè sặc sỡ xem có chứa chì quá giới hạn cho phép hay không. Cha mẹ cũng cần nâng cao ý thức bảo vệ trẻ bị nhiễm độc chất từ việc lựa chọn đồ chơi cho trẻ. Tốt nhất không chọn đồ chơi sơn phủ màu sắc sặc sỡ, lòe loẹt. Bố mẹ làm công việc liên quan đến chì thì khi về nhà nên tắm rửa trước khi tiếp xúc với trẻ. Đặc biệt, mọi người không nên tự ý dùng các loại thuốc, nhất là thuốc cam. Nếu con có biểu hiện bệnh, nên đưa con đi khám để được các bác sĩ hướng dẫn chữa bệnh cụ thể.
aFamily

© 2021 FAP
  1,133,334       4/1,115