Thực tế, nhiều yếu tố ở môi trường hiện đại có thể dẫn tới cận thị, không phải do gen hay sở thích đọc sách.
Cận thị là chứng bệnh phổ biến nhưng dường như chúng ta chưa thực sự hiểu căn nguyên và cách điều trị bệnh này.
Khoảng 30-40% người dân Mỹ và châu Âu buộc phải đeo kính cận và tỷ lệ người cận thị ở châu Á lên tới 90%. Đó là lý do tại sao bạn có thể xem
cận thị như một bệnh dịch.
Khi thị lực giảm dần và bạn cần đến những cặp kính cận, bạn có tự thắc mắc hay hỏi bác sĩ nhãn khoa: “Tại sao điều này xảy đến với bạn?”. Có lẽ, câu trả lời sẽ luôn là do gen di truyền hoặc sở thích đọc sách, báo quá gần. Và bạn cũng không có lý do gì để nghi ngờ chẩn đoán của bác sĩ. Tuy nhiên, một nghiên gần đây cho thấy nhận định đó hoàn toàn sai lầm.
Gen là căn nguyên gây cận thị ở con người hay không thì chúng ta cần cả thiên niên kỷ để chứng minh.Và nghiên cứu thực tiễn kéo dài 50 năm tại Inuit (Canada) – nơi cư trú của người Eskimo đã giúp chúng ta giải đáp thắc mắc này.
Nếu ở thế hệ trước, người Eskimo không ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh cận thì thì số lượng trẻ em Eskimo cần tới kính cận hiện nay dao động từ 10-25%. “Điều này có nghĩa là cận thị hoàn toàn không phải do di truyền”, Nina Jacobsen – giáo sư tại Đại học Bệnh viện Glostrup, Copenhagen (Đan Mạch) tuyên bố.
Flitcroft - giáo sư tại Đại học Bệnh viện Nhi đồng, Dublin (Ireland) cũng cho biết: “Cận thị là bệnh nghề nghiệp. Gen của chúng ta vẫn có thể đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định ai bị cận nhưng điều này lại chịu tác động dưới sự thay đổi môi trường, khi các vấn đề bắt đầu nảy sinh”.
Thoạt đầu, có nhiều bằng chứng cho rằng việc đọc sách là nguyên nhân gây bệnh cận thị. Tuy nhiên, “càng nghiên cứu và đánh giá trên người đọc, những mối liên hệ giữa đọc sách và cận thị càng tan biến dần”, Flitcroft cho biết. Một nghiên cứu quy mô lớn về sự phát triển của trẻ em tại Ohio cũng không cho thấy mối tương quan giữa việc đọc sách và cận thị.
Thay vào đó, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng thời gian trong nhà mới là nguyên nhân quan trọng nhất gây cận thị. Nghiên cứu từ châu Âu, Úc tới châu Á cũng cho thấy nguy cơ mắc cận thị ở những người dành nhiều thời gian hoạt động bên ngoài thấp hơn so với những người thường giới hạn cuộc sống với bốn bức tường.
Bằng cách nào đó, ánh sáng mặt trời giúp nuôi dưỡng mắt. Trẻ em càng hấp thụ nhiều ánh sáng mặt trời nhiều bao nhiêu, tỷ lệ phải đeo kính cận giảm xuống bấy nhiêu. Có lẽ, đó là vì ánh sáng mặt trời kích thích việc sản xuất
vitamin D giúp cải thiện hệ miễn dịch, não bộ và điều chỉnh sức khỏe của mắt.
Ngoài ra, chúng ta cũng có thể giải thích bằng màu sắc ánh sáng. Ánh sáng trong nhà có xu hướng đỏ hơn các tia sáng mặt trời nên có thể gây nhầm lẫn tới các cơ chế kiểm soát của nhãn cầu.
Ánh sáng màu xanh lá cây hoặc màu xanh nước biển thường tập trung ở trước võng mạc trong khi ánh sáng đỏ thì ngược lại. Chi Luu thuộc Đại học Melbourne đã tiến hành một nghiên cứu và phát hiện ra rằng thị lực của gà nuôi dưới ánh sáng đỏ kém hơn so với các loài động vật lớn lên ở môi trường bên ngoài nhiều sắc xanh. Từ đó, Luu mong muộn thử nghiệm ánh sáng xanh cho trẻ em và hy vọng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh cận thị.
(Nguồn: BBC)