Tình trạng nhịp tim nhanh kịch phát ở trẻ có đặc tính xuất hiện và mất đi đột ngột, có thể kéo dài vài phút đến hàng giờ với mức độ khác nhau.
“Nhịp tim nhanh là một trong những rối loạn nhịp hay gặp ở trẻ em. Cơn nhịp tim nhanh kịch phát có thể gây suy tuần hoàn, hô hấp, thậm chí đột tử. Nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong hoặc để lại di chứng lâu dài” - ThS.BS. Nguyễn Thanh Hải, Khoa Tim mạch (BV Nhi TƯ) cho hay.
Ngày càng nhiều trẻ mắc bệnh
Cách đây hai năm, cháu Ngô Văn Hải (Hải Phòng) thường xuyên bị ngất. Khi được đưa đến BV ở địa phương, cháu được chẩn đoán là động kinh và điều trị trong hai năm liền. Tuy vậy, tình trạng này vẫn không thuyên giảm. Chỉ tới khi được đưa đến BV Nhi T.Ư kiểm tra, cháu mới được phát hiện là có đường dẫn truyền bất thường trong tim gây
nhịp tim nhanh và là nguyên nhân gây ngất.
Trường hợp khác là cháu Tùng Linh, 8 tuổi ở Hà Đông, TP Hà Nội. Cách đây 7 tháng, chị Tùng – mẹ cháu thấy con có biểu hiện tim đập nhanh, vã mồ hôi và buồn nôn. Tuy nhiên các biểu hiện chỉ thoáng quá, không rõ ràng, vài tháng mới bị một lần nên chị chưa cho con đi kiểm tra. Dịp Tết dương lịch vừa rồi, các cơn tim nhanh của Tùng Linh xuất hiện nhiều hơn. Đưa con đi khám, làm các xét nghiệm chuyên sâu, bác sỹ mới phát hiện tình trạng bất thường trong tim của Linh dẫn đến cơn nhanh kịch phát.
Với các trường hợp này, các bác sỹ sẽ phải can thiệp đốt điện để loại bỏ những bất thường trong tim. Theo BS Nguyễn Thanh Hải - khoa Tim mạch - số bệnh nhi bị
rối loạn nhịp tim ngày càng tăng. Nguyên nhân rối loạn nhịp tim có thể xuất phát là bệnh bẩm sinh hoặc là biến chứng của phẫu thuật bệnh tim bẩm sinh. Người bệnh sau phẫu thuật tim 10 năm khoảng 30% bị rối loạn nhịp tim, tỉ lệ này tăng lên đến 40% sau 15 năm và sau 20 năm thì hầu như ai cũng bị.
BS Hải cho biết thêm, đa phần bệnh nhân vào viện đã muộn do việc chẩn đoán cơn nhịp tim nhanh thường khó khăn và bị bỏ sót, thậm chí chẩn đoán nhầm với các tình trạng bệnh khác. Bệnh có thể biểu hiện với một hoặc vài trong các triệu chứng như ngất, tim đập nhanh, tức ngực, khó thở hoặc hoa mắt chóng mặt. Trẻ nhỏ hay trẻ bú mẹ thường khó phát hiện, trẻ có thể biểu hiện triệu chứng như là bỏ bú, bú kém, quấy khóc, da tái và lạnh, vã mồ hôi, thở nhanh,
tim đập nhanh…
Ảnh minh họa
Điều trị nhịp tim nhanh
BS Hải cho hay, Tuy nhiên, nhiều trường hợp, trẻ không được cha mẹ phát hiện sớm khiến cơn tim nhanh kịch phát xảy ra nhiều lần, gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Khi cơn tim nhanh kéo dài thường gây suy tim nếu không được cấp cứu cắt cơn, có thể gây gây giãn, suy giảm thất trái nặng và thậm chí trẻ có thể tử vong. Một số trường hợp trẻ có thể biểu hiện tình trạng nguy kịch ngay khi mới xuất hiện cơn tim nhanh.
Trước đây việc điều trị nhịp tim nhanh chủ yếu thường dùng là các thuốc chống loạn nhịp để cắt cơn và dự phòng tái phát cơn cho các bệnh nhân có cơn tim nhanh kéo dài và cơn tim nhanh nguy kịch. Tuy nhiên việc dùng các thuốc chống loạn nhịp có nhiều hạn chế. Nó không điều trị bệnh được triệt để, bệnh nhân phải uống thuốc hàng ngày kéo dài và đôi khi sẽ có hiện tượng
kháng thuốc.
Hiện nay, phương pháp can thiệp điều trị bằng sóng cao tần được lựa chọn hàng đầu đối với người lớn và trẻ lớn bị tim nhanh trên thất. Đây là biện pháp điều trị triệt để, chống tái phát cơn, tỉ lệ điều trị thành công trên 95%, ít tai biến do kĩ thuật. Đồng thời tiết kiệm chi phí và thời gian điều trị hơn so với phương pháp dùng thuốc chống loạn nhịp thông thường. Tuy nhiên đối với trẻ nhỏ phải thận trọng cân nhắc vì lí do an toàn. Trẻ em càng nhỏ, kích thước giải phẫu mạch máu và tim rất nhỏ nên nguy cơ tổn thương càng cao khi làm can thiệp.
Theo các bác sỹ chuyên khoa, việc chẩn đoán tim nhanh ở trẻ chủ yếu dựa vào kết quả điện tâm đồ trong cơn tim nhanh. Đây là bằng chứng cực kì quan trọng giúp chẩn đoán chính xác và quyết định phương pháp điều trị hợp lý. Bởi vậy, khi thấy con có biểu hiện nhịp tim nhanh, cha mẹ cần đưa đến các bệnh viện chuyên khoa để chuẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, hạn chế những biến chứng nguy hiểm cho trẻ.