Khi trời nồm ẩm, các loại thực phẩm, rau củ quả, dưa cà cá muối rất nhanh bị thối, hỏng, nhũn nát, mủn, bốc mùi... gây bệnh, ngộ độc, đặc biệt là ung thư. Làm sao để thực phẩm không sinh độc tố?
Thực phẩm dễ thành "chất độc"
Các chuyên gia Viện Dinh dưỡng cảnh báo, trời nồm ẩm rất thuận lợi cho nấm mốc tấn công thực phẩm và đồ dùng sinh hoạt, gây nguy hại cho sức khỏe. Các hàng quán từ đồ tươi sống, thực phẩm chín, đồ khô… nhìn đâu cũng ướt át, mất vệ sinh trầm trọng đầy ruồi muỗi, vi khuẩn, nấm mốc “tấn công” khiến giảm giá trị dinh dưỡng, dẫn tới các bệnh về đường tiêu hoá, ngộ độc và nguy cơ ung thư cao, nhất là các thực phẩm hạt dễ nhiễm nấm mốc, sinh độc tố Alfatoxin gây ung thư.
PGS.TS Đinh Duy Kháng, Trưởng phòng Vi sinh vật phân tử (Viện Công nghệ Sinh học), nếu bảo quản kém, thực phẩm sẽ sinh ra các loại nấm như nấm xanh, nấm có mũ... đều chứa chất Aflatoxin - chất cực độc đối với sức khoẻ con người. Trong các loại lương thực thực phẩm như lạc, ngô, hạt sen... thì lạc chiếm tỷ lệ mốc và chứa chất độc này cao nhất.
Aflatoxin nguy hiểm vì gây hại chỉ với liều lượng rất nhỏ, 1kg thức ăn chỉ cần nhiễm 2 miligam (đủ dính đầu móng tay) cũng đã đủ làm hỏng gan.
Aflatoxin là một độc tố, bền vững với nhiệt độ cao. Rang lạc, ngô bị mốc ở nhiệt độ rất cao nhưng độc tố vẫn không bị phá hủy hoàn toàn.
Thời tiết nồm ẩm còn khiến thực phẩm, đồ dùng bị mốc, mủn... Thớt gỗ, đũa ăn cơm 1 ngày không dùng là sờ vào thấy có nhớt. Thức ăn để qua đêm bên ngoài rất dễ sinh đốm mốc, chưa kể vi nấm, vi khuẩn phát triển ồ ạt mắt thường không nhìn thấy.
Nấm mốc phát triển trên rau củ quả, gạo đỗ, lạc... gây biến đổi màu sắc, mùi vị, giảm chất lượng, dinh dưỡng. Nấm mốc, vi khuẩn các loại nhanh chóng làm thối rữa hoa quả, rau, hạt ngũ cốc.
Theo TS Nguyễn Văn Hiếu – Bộ môn Ung thư Trường ĐH Y Hà Nội, nồm ẩm khiến dưa, cà muối dễ khú, hỏng, thường sinh ra các chất thuộc nhóm chất nitrite và nitrate – có yếu tố gây ung thư thực nghiệm trên động vật.
Các “sát thủ” ung thư tiềm ẩn cũng tìm thấy trong thịt cá được chế biến bằng chất bảo quản để chống ôi thiu trong những ngày nồm ẩm, các loại thực phẩm ướp muối, hay ngâm muối như cá muối - bị quy là liên quan đến sinh bệnh ung thư vòm mũi - họng.
Nhóm nguy cơ thứ hai là hạt ngũ cốc (gạo, hạt họ đậu, lạc…). Một lượng lớn lạc được tiêu thụ và tích trữ hằng ngày ở các quán nhậu rất dễ bị nấm mốc, phổ biến là nấm Aspergillus flavus tiết ra Aflatoxin - độc tố gây ngộ độc cấp tính, tích lũy trong cơ thể gây ung thư gan đang phổ biến ở Việt Nam. Chỉ cần hấp thụ 2,5mg Alfatoxin trong 3 tháng là gan có thể bị ung thư.
Rất nguy hiểm là lạc mốc được rang, hay luộc kỹ thì các bào tử mốc có thể bị tiêu diệt, riêng Alfatoxin vẫn nguyên là “sát thủ” ung thư bởi nó không bị phá huỷ hoàn toàn (ở nhiệt độ 150 độ C dù đun trong 30 phút).
Ai dễ bị tấn công
Trẻ em, trẻ sơ sinh, người già, người ốm yếu dễ bị ảnh hưởng của nấm mốc nhất.
Khi bị nhiễm nấm mốc sẽ gây ho, thường xuyên thấy mệt mỏi, mắt và họng bị kích thích, đau đầu, da dẻ mẫn cảm, hay buồn nôn, tiêu chảy mất nước gây đến suy kiệt cơ thể.
Các bào tử nấm còn gây viêm nhiễm đường hô hấp dẫn đến ho, viêm đường hô hấp, khó thở, mệt mỏi, viêm xoang, viêm phế quản, dị ứng...
Đối phó với nấm mốc, vi khuẩn
Vệ sinh an toàn thực phẩm mùa nồm phải bắt đầu từ trong mỗi nhà, từ khâu bảo quản, đến chế biến, tới bàn ăn.
Người dân chú ý:
-Không để đồ ăn qua đêm bên ngoài, mà phải bảo quản trong tủ lạnh. Lỡ để quên qua đêm thì không nên tiếc nữa.
-Thực phẩm mua về, hoặc dùng xong cất ngay vào tủ lạnh. Nên cho thực phẩm vào tủ lạnh khi còn tươi nhất.
-Các loại thực phẩm có mùi như bơ, pho mát, cá… cần bọc nilon mới cho vào tủ lạnh.
-Thực phẩm đã nấu chín chỉ nên để trong tủ lạnh từ 1, 2 ngày. Khuyến khích sử dụng hết thực phẩm sau khi đã được nấu chín, vì chỉ hơi ẩm cũng dễ xuất hiện các loại mốc tại các điểm hở nhỏ.
-Rã đông thực phẩm cần phải dùng ngay.
-Nơi bảo quản thực phẩm phải chống ẩm tốt và thông gió.
-Dao thớt khi dùng xong nên rửa luôn, rửa sạch, treo hoặc kê lên để thớt nhanh khô.
-Bát đũa nên “tãi" ra cho khô, không nên dồn đống khiến rửa từ sáng mà đến chiều ăn thấy đũa vẫn còn ẩm, ướt. Tốt nhất, trước khi dùng nếu thấy thớt, đũa vẫn còn ẩm thì hơ qua lửa để sấy khô đũa, thớt, diệt vi khuẩn, nấm mốc.